Tổng thống Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc sau những gì mà Nhà Trắng gọi là "vụ tấn công khiêu khích, tàn bạo" của CHDCND Triều Tiên nhằm vào nước láng giềng.
Trong các chọn lựa giới hạn, Mỹ tìm kiếm giải pháp ngoại giao hơn là quân sự để phản ứng với một trong những cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa hai miền Triều Tiên nhiều thập niên nay.

 
 Những ngôi nhà bị phá hủy trên đảo Yeonpyeong

"Hàn Quốc là đồng minh của chúng tôi, đã là như thế kể từ chiến tranh Triều Tiên”, ông Obama đưa ra bình luận đầu tiên về vụ Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc. “Và chúng  tôi - Mỹ khẳng định mạnh mẽ cam kết của chúng tôi sẽ bảo vệ Hàn Quốc”.

Nỗ lực để không gây ra thêm sự căng thẳng, Mỹ không có động thái chuyển quân trong tổng số 29.000 lính đóng tại Hàn Quốc hay một hành động quân sự nào sau khi CHDCND Triều Tiên nã pháo vào hòn đảo của Hàn Quốc hôm qua (23/11).

Tổng thống Mỹ trên ABC News không đề cập cụ thể tới chọn lựa quân sự. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, ông Obama đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận chung và gây áp lực với CHDCND Triều Tiên nhằm ngăn chặn các hành động gây hấn.
Bộ Chỉ huy LHQ do Mỹ dẫn đầu cho biết, đã đề nghị Bình Nhưỡng đàm phán với nỗ lực giảm bớt căng thẳng trên bán đảo bị chia tách sau cuộc tấn công bất ngờ hôm qua - một cuộc tấn công nặng nề nhất nhằm vào Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953.
"Chúng tôi đang ở trong trạng thái bán chiến tranh”, thành viên lực lượng phòng vệ bờ biển Hàn Kim Dong-jin nói tại thành phố cảng Incheon – nơi rất nhiều người dân của đảo Yeonpyeong chạy tới trong sự hoảng loạn khi vụ oanh tạc xảy ra. Hai lính Hàn Quốc thiệt mạng trong vụ tấn công hôm qua mà Bình Nhưỡng cho rằng, do Hàn Quốc gây sự trước. 17 lính khác và ba dân thường bị thương.
Cho dù đưa ra những tuyên bố hùng hồn, nhưng các cường quốc trong khu vực có dấu hiệu rõ ràng rằng, họ tìm kiếm một con đường ngoại giao để lắng dịu tình hình. Seoul cảnh báo về sự “trả đũa to lớn” nếu nước láng giềng tấn công lần nữa. Nhưng họ rất thận trọng và tránh mọi đe doạ phản ứng lập tức có thể làm căng thẳng leo thang.
Hàn Quốc đang tiến hành tập trận quân sự ở khu vực vào thời điểm xảy ra vụ giao tranh, nhưng khẳng định không bắn vào CHDCND Triều Tiên. Sau đó, Seoul tuyên bố sẽ nối lại tập trận khi tình hình ổn định.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của ABC, Tổng thống Mỹ nói: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công và đang tập hợp cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực với Triều Tiên. Ông Obama đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết giúp đỡ của Trung Quốc. Ông cho biết, mỗi quốc gia trong khu vực phải biết “đây là mối đe doạ nghiêm trọng”.
Theo lời một quan chức Mỹ, tối qua, các quan chức Mỹ ở cả Washington và Bắc Kinh đều mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc lên án vụ tấn công bằng lập luận rằng, đây là hành động đe doạ ổn định của toàn khu vực, chứ không riêng gì bán đảo Triều Tiên.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc để chia sẻ những tổn thất và đánh giá cao “sự kiềm chế” của chính phủ Hàn Quốc.
Các thành viên của cả đảng Cộng hoà và Dân chủ trong quốc hội Mỹ đều cáo buộc Bình Nhưỡng gây ra vụ việc.
Đã có nhiều vụ va chạm giữa hai miền Triều Tiên trong năm nay. Hồi tháng 3, tàu chiến Hàn Quốc Cheonan, đã phát nổ và chìm ở Hoàng Hải, làm 46 thuỷ thủ thiệt mạng. Seoul cáo buộc ngư lôi Bình Nhưỡng làm chìm tàu, Triều Tiên phủ nhận.
Trong tháng 8, quân đội Hàn Quốc thông báo, CHDCND Triều Tiên đã bắn 110 quả đạn pháp vào Hoàng Hải gần biên giới biển tranh chấp.
Quan chức Hàn Quốc cho hay, vụ giao tranh hôm qua xảy ra sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo Seoul ngừng tập trận quân sự ở gần hòn đảo nhỏ Yeonpyeong. Khi Seoul từ chối và bắt đầu bắn pháo ở gần biên giới biển tranh chấp, CHDCND Triều Tiên đã nã pháo vào Yeonpyeong.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)