Làn sóng nổi dậy chống Tổng thống Syria
Bashar al-Assad, được truyền cảm hứng từ các phong trào lật đổ
3 nhà lãnh đạo Ảrập năm 2011, đã mang một thành kiến khi phần lớn người biểu
tình cố gắng lật đổ Tổng thống là người Sunni.
TIN BÀI KHÁC:
Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng Syria?
Dân New York sững sờ nhìn người bay trên trời
Tổng thống Bashar al-Assad đang đứng trước áp lực rất lớn cả từ trong và ngoài nước trong bối cảnh Syria đang chìm trong bất ổn. (Ảnh: Getty)
Assad xuất thân từ cộng đồng Alawite thiểu số ở Syria. Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống đã đưa người cùng giáo phái vào tất cả các chức vụ chính trị và quân sự cao cấp nhằm áp đặt sự cai trị thông qua lòng trung thành giáo phái.
Giáo phái Alawite
Người Hồi giáo Sunni chiếm 74% tổng dân số 22 triệu của Syria, người Alawite
chiếm 12%, người Cơ-đốc chiếm 10% và Druze 3%, còn lại là người
Ismailis, Yezidis và người Do Thái.
Tính chất thị tộc, bí ẩn và ngoan cường của thành phần nòng cốt nắm giữ quyền
lực xung quanh Tổng thống Assad đã đào sâu những nghi ngờ của người Hồi giáo
Sunni về lòng trung thành bí ẩn của người Alawite.
Là một tộc thiểu số bị áp bức gần như suốt lịch sử của mình, người Alawite bất
ngờ nắm chắc quyền kiểm soát ở Syria vào năm 1970 khi Hafer, cha của Assad, thực
hiện một cuộc đảo chính gạt bỏ người Sunni. Ông đã xây dựng một bộ máy an ninh
khắt khe dựa trên các sĩ quan cùng giáo phái.
Liên kết với các tầng lớp thương gia ở Damascus và Aleppo, thành phần ưu tú
Alawite đã mở rộng ảnh hưởng của mình sang các lĩnh vực kinh tế cũng như an ninh
và quân sự. Nòng cốt của lực lượng dân quân Shabiha ủng hộ Assad là người
Alawite.
Làn sóng phản đối đẫm máu kể từ năm ngoái giữa các lực lượng của Tổng thống
Assad với những người biểu tình đòi dân chủ đã chia rẽ Syria dọc theo hố sâu
ngăn cách thiểu số - đa số vốn đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi thực tế nhiều
người Sunni gọi Alawite là phe dị giáo.
Giống như phần lớn các nước Ảrập, Syria đã chứng kiến đạo Hồi bảo thủ phát triển
trong những thập niên gần đây. Điều này càng làm tăng thêm những khác biệt giữa
người Sunni với người Alawite, phe tự nhận là những người Shi'ite chính thống,
đôi khi còn bắt chước các thông lệ Sunni để giảm nhẹ những khác biệt.
Giết chóc phe phái đã làm rung chuyển thành phố Homs ở miền trung Syria, và
người Alawite bị nhắm tới bởi vì họ cùng sắc tộc với Tổng thống. Có rất nhiều
người Alawite đang sống ở xung quanh và bên trong Homs, Hama, một thành phố bất
ổn khác, và cảng Latakia.
Không phải mọi người Alawite đều ủng hộ chế độ Assad và chỉ số ít người hưởng
lợi từ chính quyền Assad, còn nhiều người sống trong cảnh bần hàn ở vùng núi
miền trung Syria. Giáo phái này vươn rộng về phía bắc tới thành phố Antakya, gần
thành phố cổ Antioch, của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có tới 12 triệu người Alawite.
Đức tin
Alawite thường được gọi là một nhánh Shi'ite, giáo phái thiểu số lớn nhất của
đạo Hồi. Alawite tách khỏi Shi'ite hơn 1.000 năm trước và vẫn giữ một số liên hệ
với nhánh gốc, trong đó có sự sùng kính Ali, cháu họ và là con rể của Nhà tiên
tri Mohammad. Alawi theo nghĩa đen là "những người tuân theo lời răn dạy của
Ali".
Nhưng một số đức tin lại vô cùng khác biệt so với đạo Hồi truyền thống. Được đặt tên theo Ali, người Alawite tin rằng Ali rất siêu phàm, một trong những hiện thân của Đấng tối cao ngang hàng với Adam Jesus, Mohammad, Socrates, Plato và một số triết gia tiền Hồi giáo từ Ba Tư cổ đại.
Người Alawite hiểu Các Cột trụ của Hồi giáo (5 bổn phận cần có ở mọi người Hồi giáo) là các biểu tượng chứ không phải bổn phận. Các quy định Alawite rất bí mật. Họ coi mình là những người Shi'ite ôn hòa.
Lịch sử và lối sống
Bị trấn áp trong thời kỳ Ottoman, người Alawite giảm bớt các đức tin đặc biệt của mình trong những thập niên gần đây nhằm chứng tỏ họ là người Shi'ite chính thống như ở Iran. Điều này một phần là để đáp ứng quy định của hiến pháp rằng Tổng thống phải là một người Hồi giáo.
Nhiều thập niên qua, Phong trào Tình anh em Hồi giáo nằm ngoài vòng pháp luật đã gọi Alawite là những kẻ không tín đạo Hồi.
Sống tách biệt ở vùng núi gần bờ biển Địa Trung Hải của Syria, những người Alawite truyền rằng kinh Koran phải được đọc một cách bóng bẩy và thích cầu nguyện tại nhà hơn là tại các thánh đường.
Trước kia, các lãnh đạo thuộc địa Pháp đã cố gắng xếp Alawi Syria thành một tôn giáo riêng biệt nhưng gặp phải sự phản đối từ những người đứng đầu giáo phái này vì họ muốn được đồng nhất với đạo Hồi.
Cũng giống như cộng đồng Druze gần đó, Alawite chấp nhận quy định taqiyya của người Shi'ite, hoặc giấu kín đức tin của mình để tránh bị bức hại. Mới đây, chuyên gia Hồi giáo người Anh Malise Ruthven viết: "Taqiyya là một phẩm chất hoàn hảo để giành tư cách hội viên trong mukhabarat, bộ máy an ninh/tình báo có mặt khắp nơi và chi phối chính phủ Syria trong 4 thập niên qua".
Thanh Hảo (Theo Reuters)