Danh sách 1: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2022
Danh sách 2: Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2022
Thông tin chi tiết Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2022, vui lòng truy cập website: www.toptenvietnam.vn.
Tổng quan thị trường Công nghệ thông tin – Viễn thông
Bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2022 được nhận định là gam màu sáng, khi mà đại dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 và cải thiện đáng kể so với tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Năm 2021 tổng doanh thu ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) đạt 136,153 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2020. Về doanh thu CNTT-VT 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 57 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Với sự tăng trưởng doanh thu trong 5 tháng đầu năm, ngành CNTT-VT được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi làn sóng chuyển đổi số tiếp tục diễn ra, đầu tư công nghệ được coi như một nhu cầu tự nhiên, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động vận hành và giảm thiểu chi phí sản xuất trên mọi lĩnh vực. Dự báo của IDC – Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin cho thấy, đầu tư vào chuyển đổi số toàn cầu vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 – 2023.
Hình 1: Triển vọng ngành CNTT trong 6 tháng cuối năm so với đầu năm
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều nhận định triển vọng 6 tháng cuối năm 2022 ngành Công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong đó có 61,1% cho rằng tăng trưởng mạnh mẽ. So sánh với các cuộc khảo sát do Vietnam Report thực hiện trước đó, có thể thấy rằng kỳ vọng vào tăng trưởng của ngành đang gia tăng nhanh chóng (Hình 1). Kết quả phản ánh quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng và một cách toàn diện, tới từng ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, nỗ lực và quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc thúc đẩy “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” cũng được coi là một xung lực quan trọng đối với tăng trưởng ngành trong giai đoạn tới. Để có thể đạt được các mục tiêu của chương trình này, với sứ mệnh quốc gia - các doanh nghiệp công nghệ Việt cần nỗ lực không ngừng, nâng tầm năng lực hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu. Dưới góc độ vi mô, đánh giá năng lực nói chung và năng lực chuyển đổi số nói riêng, các doanh nghiệp trong ngành cần có một chiến lược rõ ràng và chặt chẽ, bám sát các xu hướng thế giới. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2022 đưa ra một số điểm mới trong cơ hội, thách thức cũng như xu hướng nhằm gợi ý các doanh nghiệp công nghệ có thể vững vàng “cưỡi gió, đạp sóng” trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển dần sang một chu kỳ mới với nhiều biến động.
Thị trường CNTT-VT Việt Nam: Cơ hội, Thách thức và những ưu tiên trong chiến lược giai đoạn tiếp theo
Top 3 cơ hội
Chuyển đổi số vốn được các nước và khu vực đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã nêu bật và khẳng định tính tất yếu của xu hướng này. Tại Việt Nam, trước khi đại dịch xuất hiện, chuyển đổi số đã diễn ra tại hầu hết các loại hình doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, giao thông, du lịch... mở ra một thị trường khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ, tuy nhiên tốc độ triển khai chưa cao (nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới). Đại dịch bùng phát đã khiến nhiều hoạt động kinh tế xã hội tê liệt, buộc phải dùng đến các nền tảng trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ công tác truy vết y tế… Như vậy, COVID-19 đã trở thành là một cú hích thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Tỷ lệ doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá đây là cơ hội hàng đầu đối với ngành công nghệ tăng vượt trội trong năm 2021 so với năm 2020 (+29,7%), cuối cùng khi đại dịch đã lắng xuống, xu hướng này trở thành tất yếu trong năm 2022 (Hình 2). Trong năm nay, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report, đây là một trong ba động lực chính để phát triển ngành CNTT Việt Nam trong một vài năm tới.
Hình 2: Top 3 cơ hội thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam
Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine đạt ở mức cao giúp cho kinh tế Việt Nam từng bước “thích ứng” an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng dịch. Đây được coi là động lực để tái khởi động nền kinh tế nói chung và tăng tốc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp CNTT-VT nói riêng.
Ngoài ra tỷ lệ người dùng Internet và các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ ở mức cao so với thế giới vẫn là một trong những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế số khi mà dự báo các dịch vụ Mobile data đang trong giai đoạn tăng trưởng đến năm 2025.
Top 6 thách thức
Bên cạnh những cơ hội, quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh bình thường tiếp theo tại các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Theo khảo sát của Vietnam Report, top 3 khó khăn mà ngành CNTT-VT Việt Nam đang phải đối mặt là: (i) Thủ tục hành chính phức tạp (72,2%), (ii) Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (66,7%) và (iii) Nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều giới hạn (55,6%).
Hình 3: Top 6 thách thức cản trở hoạt động của doanh nghiệp
Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ của Vietnam Report chỉ ra hạn chế trong thủ tục hành chính tại các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây. Tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới trong công nghệ, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới trong doanh nghiệp. Lúc này các bộ luật bộc lộ ra những điểm không phù hợp trong công tác thực thi, gây ra những bất cập, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số được coi là động lực của đổi mới sáng tạo, thế nhưng, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm công nghệ tại Việt Nam còn bị giới hạn và doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động tiếp cận vốn đầu tư. Thực tế, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ tại Việt Nam (cả khu vực nhà nước và tư nhân) cũng chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)... Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy sự cải thiện trong việc tiếp cận vốn đầu tư khi tỷ lệ doanh nghiệp coi đây là khó khăn hàng đầu đã giảm đáng kể từ mức 33,3% vào năm 2020 xuống 23,5% vào năm 2021 và chỉ còn 16,7% vào năm 2022. Tương tự, những giới hạn trong công tác R&D cũng được tháo gỡ dần khi từ vị trí số 1 trong Top 3 khó khăn lớn nhất giai đoạn 2020-2021 xuống vị trí thứ 3 trong năm 2022. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả của những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thúc đẩy “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.
Một điểm đáng lưu ý từ kết quả khảo sát của Vietnam Report là tác động tiêu cực của đại dịch lên hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghệ đang có chiều hướng tăng trở lại. Bằng chứng là việc theo đuổi chính sách Zero-COVID của Trung Quốc trong bối cảnh các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn đã khiến cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, Trung Quốc là công xưởng hàng đầu thế giới về gia công phần mềm và sản xuất linh kiện điện tử. Quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này cũng là một thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với bất cứ doanh nghiệp công nghệ nào. Do vậy, tỷ lệ doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ lo ngại về những thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ rối loạn đã tăng đến 44,4% trong năm 2022, mặc dù đã giảm xuống 35,3% của năm 2021 từ mức 55,6% trong năm 2020.
Những ưu tiên trong chiến lược
Khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ trong tháng tháng 6/2022 chỉ ra Top 5 Chiến lược ưu tiên trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghệ là: (i) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (88,3%), (ii) Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (88,3%), (iii) Tăng cường hoạt động R&D (77,8%), (iv) Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông (55,6%) và (v) Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng (61,1%).
Hình 4: Những ưu tiên trong chiến lược của doanh nghiệp công nghệ
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ sống còn của mọi doanh nghiệp CNTT-VT với tỷ lệ doanh nghiệp và chuyên gia coi đây là chiến lược quan trọng nhất phải tập trung đẩy mạnh luôn ở mức cao nhất trong 3 năm qua. Thực trạng mất cân đối lớn giữa nguồn cung cầu về nhân lực đang là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp công nghệ, trong đó tỷ lệ mất cân đối này còn cao hơn tại các doanh nghiệp nằm trong các lĩnh vực mới nổi như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật do có sự đòi hỏi nhân sự chất lượng cao. Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 30% số lượng sinh viên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong khi đó với xu hướng dịch chuyển sang làm việc từ xa, kéo theo đó là những chiến lược thu hút nhân tài tại các tập đoàn công nghệ nước ngoài, đây trở thành điểm dừng chân với những nhân sự có trình độ cao. Điều này làm cho vấn đề thiếu nhân sự chất lượng cao tại các doanh nghiệp công nghệ trở nên trầm trọng. Các doanh nghiệp hiện nay không chỉ thiếu về số lượng mà còn là chất lượng của nhân lực. Phần lớn kiến thức mà sinh viên được tiếp xúc đều dừng ở lại mức cơ bản, thiếu chiều sâu, và sự chuyên biệt cụ thể. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo là hướng đi cần thiết để lấp đầy số lượng nhân sự đang thiếu, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. Việc này sẽ giúp cho nhân viên được đào tạo đúng chuyên môn, mặt khác sẽ được đảm bảo đầu ra khi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ doanh nghiệp.
Khi những rào cản đối với công tác R&D dần được tháo gỡ như đã phân tích ở trên, không khó hiểu khi tỷ lệ doanh nghiệp tăng cường hoạt động R&D đã gia tăng đáng kể từ mức 57,9% trong năm 2020 lên 77,8% trong năm 2022. Điều này cho thấy những tác động tích cực đến từ chiến lược “Make in Vietnam” được triển khai từ năm 2020, mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự sáng tạo, thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm công nghệ.
Điểm nổi bật trong chiến lược của phần lớn doanh nghiệp CNTT-VT năm nay chính là sự nhìn nhận nghiêm túc hơn đối với công tác nâng cao uy tín, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông. Hơn 56% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định đây là điều mà ngành CNTT-VT cần chú trọng ưu tiên trong năm 2022, gấp hơn 2 lần so với mức 26,3% trong năm 2020. Theo nhận định của Vietnam Report, uy tín là một trong những tài sản vô hình quý giá của mỗi doanh nghiệp, có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp trong công chúng cũng như quyết định của nhà đầu tư và các bên liên quan. Do vậy, nâng cao uy tín doanh nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu gắn liền với lợi ích kinh tế của chính các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc chạy đua trên hành trình chuyển đổi số ngày một khốc liệt và gay gắt.
Hình ảnh doanh nghiệp CNTT-VT trên truyền thông
Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp và các bên liên quan. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp tại hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực, và len lỏi vào nhịp sống hàng ngày của người dân, truyền thông đã trở thành phương thức kết nối gần gũi nhất giữa doanh nghiệp công nghệ và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, kết quả phân tích truyền thông ngành CNTT-VT trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022 của Vietnam Report cho thấy, sự hiện diện trên truyền thông của các doanh nghiệp CNTT-VT còn hạn chế khi chỉ có khoảng 55,56% số doanh nghiệp trong nghiên cứu có lượng thông tin đạt ngưỡng nhận thức (xem thêm box ghi chú), trong đó 36,11% có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/ 1 tháng.
Hình 5: Top 3 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất
Hiện nay đa phần thông tin tập trung xoay quanh chủ đề về Hình ảnh/Quan hệ công chúng (PR) chiếm 18,6%, cải thiện đáng kể so với mức 15,1% trong giai đoạn trước. Đây là kết quả đến từ chiến lược tạo dựng hình ảnh của các doanh nghiệp khi yếu tố thương hiệu đã được chú trọng đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản góp phần xây dựng uy tín trong lòng công chúng, thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng. Theo sau là 2 nhóm chủ đề Sản phẩm và Mối quan hệ khách hàng, chiếm tỷ trọng lần lượt là 16,8% và 6,2%.
Xét về độ bao phủ thông tin trên truyền thông của các doanh nghiệp công nghệ hầu hết thuộc về lĩnh vực CNTT-VT, vẫn với những tên tuổi nổi bật là Viettel, VNPT, FPT, MobiFone trong khi tần suất xuất hiện trên truyền thông của các doanh nghiệp Giải pháp phần mềm và Tích hợp hệ thống là rất thấp, chỉ có doanh nghiệp FSOFT là xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực này.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin
Bên cạnh những ưu tiên chiến lược như đã phân tích ở trên, an toàn thông tin hiện được coi là mối quan tâm hàng đầu, là nhiệm vụ gắn liền, không thể tách rời với việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy đảm bảo an toàn thông tin trên hệ thống của doanh nghiệp công nghệ trong khảo sát tập trung vào 5 công tác chính bao gồm: (i) Chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau giảm thiểu mức độ thiệt hại xảy ra, (ii) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, (iii) Đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng, (iv) Nâng cao giám sát an ninh mạng và (v) Xây dựng và thiết lập chính sách, quy định ưu tiên dành cho an ninh mạng.
Hình 6: Top 5 chiến lược ưu tiên để đảm bảo an toàn thông tin mạng
Mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về an toàn, bảo mật mạng các hệ thống CNTT của mình nhưng thực tế điều này còn gặp những vướng mắc khi chưa được đồng bộ, thiếu tính quyết liệt, mang lại hiệu quả chưa cao. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra những hạn chế, khó khăn của các doanh nghiệp công nghệ đang gặp phải trong công tác hoàn thiện bảo mật thông tin bao gồm: (i) Không thường xuyên tra soát, phát hiện các rủi ro tấn công mạng, (ii) Cơ sở hạ tầng lỗi, (iii) Chưa có quy định, chính sách ưu tiên trong việc bảo mật an ninh mạng, (iv) Nhân viên chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật, (v) Thiếu nguồn nhân lực có trình độ. Nhìn chung, những điểm yếu trong công tác bảo đảm an toàn thông tin chủ yếu liên quan đến vấn đề tổ chức, đào tạo trình độ an toàn thông tin và đặc biệt là biện pháp kỹ thuật.
Xu hướng của ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông trong thời gian tới
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ đang tập trung đầu tư vào công nghệ lõi và các công nghệ nền tảng tập trung phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện vào tháng 6 năm 2022, các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (Cloud computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ 5G, Thị trường Internet băng thông rộng cố định và Chuỗi khối (Blockchain).
Hình 7: Các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo
Dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (Cloud computing)
Thị trường dịch vụ Cloud ở Việt Nam hiện nay được đánh giá sẽ rất phát triển với khả năng bảo mật tốt so với hạ tầng máy chủ vật lý truyền thống. Cùng với đó là những lợi ích kinh doanh xung quanh việc tăng năng suất, tiết kiệm chi phí cho máy móc, cơ sở hạ tầng tại các tổ chức và doanh nghiệp. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường Cloud Việt Nam sẽ là 26% mỗi năm (cao nhất trong khu vực ASEAN), và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu.
Tại Việt Nam hiện có 40 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp Việt chiếm khoảng 20% thị phần. Như vậy với cơ hội thị phần hiện nay cùng quỹ đạo tăng trưởng không ngừng của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số, đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp nội đầu tư phát triển dịch vụ này.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Bằng những cải tiến trong quy trình lập kế hoạch, dự báo, và tiến bộ công nghệ trong ngôn ngữ, giọng nói, thị giác AI đã được chứng minh hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Phát triển này làm hành trình chăm sóc khách hàng tại các doanh nghiệp sẽ có tác động lớn khi được AI trợ giúp. Ngoài ra với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ và dữ liệu thanh toán chọn lọc, AI giúp các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu này chi tiết hơn, cải thiện hoạt động dịch vụ và chất lượng sản phẩm. Theo khảo sát của Vietnam Report, có 66,67% doanh nghiệp tham gia khảo sát hiện đang sử dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số của mình. Với khả năng quản lý và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng và các hoạt động hỗ trợ khách hàng AI được kỳ vọng sẽ tiếp cận tới tất cả các doanh nghiệp trong tương lai.
Internet vạn vật (IoT)
Bằng thiết lập kết nối các thiết bị IoT từ xa, thu thập và quản lý dữ liệu từ các thiết bị IoT, xử lý dữ liệu theo nhu cầu, kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng bên ngoài mạng IoT... IoT giúp tự động hóa các quy trình và giảm thiểu chi phí lao động, không phải đầu tư hạ tầng chuyên dùng để xây dựng. Quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và cải thiện yếu tố bền vững cũng là những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp ứng dụng IoT.
Dữ liệu khảo sát của Vietnam Report cho thấy có sự ra tăng tỷ trọng sử dụng công nghệ IoT ở các doanh nghiệp với 66,67% doanh nghiệp áp dụng công nghệ này trong năm 2021 con số này tăng lên 86,67% trong năm 2022. Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định đây là một trong những công nghệ rất có tiềm năng phát triển hiện nay.
Công nghệ 5G
5G được thừa nhận là tương lai của truyền thông và là mũi nhọn của toàn bộ ngành công nghiệp di động bởi tốc độ kết nối nhanh vượt bậc so với các thế hệ mạng viễn thông trước đó. Với độ trễ thấp, phạm vi phủ sóng rộng, mạng 5G kỳ vọng sẽ tạo khả năng kết nối không khoảng cách giữa con người và máy móc. Việc triển khai dịch vụ công nghệ 5G giúp các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hóa các ứng dụng AI, IoT… trong các thành phố thông minh và doanh nghiệp, đáp ứng những nhu cầu trải nghiệm video với độ phân giải cao (4K, 8K), ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR),… của người dùng số. Theo Viện nghiên cứu chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.
Thị trường Internet băng thông rộng cố định
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, đầu tư hạ tầng mạng viễn thông với mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường; phủ sóng mạng di động (2G, 3G, 4G) tới 99,8% dân số, thử nghiệm 5G đã diễn ra tại 16 tỉnh, thành phố. Kết thúc năm 2021, các nhà mạng có gần 71 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,8 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,6% so với năm 2020). Đây cũng là năm mà lưu lượng Internet Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 40%.
Xu thế phát triển công nghệ đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác. Do đó, các nhà mạng cũng thay đổi, chuyển dịch phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông theo hướng hạ tầng số. Việc phát triển mạng băng rộng góp phần mở ra những không gian mới cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, đặc biệt đây cũng là cơ hội thúc đẩy cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.
Chuỗi khối (Blockchain)
Blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Việc hoạt động mà không liên quan đến bất kỳ bên thứ ba nào và gây khó khăn trong việc thay đổi hoặc hack dữ liệu tạo ra tính minh bạch và bảo mật cho công nghệ này. Blockchain đã vượt qua giới hạn của lĩnh vực tài chính – tiền tệ để thâm nhập đa dạng vào các lĩnh vực khác nhau. Xuất phát từ tiềm năng phát triển, Blockchain đang mở ra cơ hội cho ngành công nghệ - viễn thông thông qua nâng cao hiệu quả quản lý khai thác mạng lưới, kinh doanh và giao dịch như quản lý các dịch vụ nội dung số, quản lý chuỗi cung ứng với hợp đồng thông minh, đặc biệt là an ninh mạng và ngăn chặn gian lận.
Khi đại dịch bắt đầu cách đây hai năm, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đã được thúc đẩy nhanh chóng tại tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có cả các doanh nghiệp công nghệ. Môi trường làm việc đã thay đổi chỉ sau một đêm khi công việc từ xa trở nên phổ biến và nhu cầu thị trường ngày một gia tăng. Khi đó, phần lớn doanh nghiệp công nghệ tập trung vào việc nâng cấp chuỗi cung ứng để đạt tính minh bạch và khả năng phục hồi cao hơn, đồng thời nắm lấy điện toán đám mây để tăng cường nỗ lực chuyển đổi của mình. Bước sang năm 2021, khi nhiều mạng lưới cung ứng gặp khó khăn, bên cạnh tập trung vào việc cải thiện tính minh bạch, tính linh hoạt và khả năng phục hồi, các doanh nghiệp trong ngành cũng định hướng và đào tạo lại đội ngũ nhân sự của mình để tối ưu hóa khả năng làm việc từ xa và tận dụng tối đa các công nghệ tiên tiến như AI. Khi thế giới và Việt Nam đã đi qua nửa chặng đường của năm 2022, nhiều vấn đề nói trên vẫn còn là câu chuyện lớn của ngành công nghệ, tuy nhiên có một điểm khác biệt quan trọng: doanh nghiệp hiện có cơ hội giải quyết những thách thức này một cách có chủ đích, đặt nền móng vững chắc cho sự đổi mới và tăng trưởng trong tương lai.
Vietnam Report