Với những người yêu nhạc cổ điển Toyota Concert như là một dịp lễ hội vì Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam luôn có những bất ngờ cho người nghe.
Nếu như các năm trước các nghệ sĩ tham gia Toyota Concert là người Việt thì năm nay có một nghệ sĩ khách mời là nghệ sĩ nước ngoài Grace Ho, một người không quá xa lạ vì cô đã đến Việt Nam vài lần trong một số Festival âm nhạc cổ điển.
Tác phẩm buổi diễn cũng khá đặc biệt, Double Concerto của Brahms. Đây không phải là concerto đầu tiên cho hai nhạc cụ trong thời kỳ cổ điển, trước đây đã có Concertante Sinfonia cho violin và viola của Mozart, Triple Concerto của Beethoven. Tuy nhiên Brahms đã xử lý sự phối hợp giữa violin và cello theo một cách đặc biệt, khiến chúng trở thành một “siêu nhạc cụ” có một quãng âm rộng từ rất thấp cho đến rất cao.
Lí do đằng sau cách sáng tác này do hoàn cảnh ra đời cũng rất đặc biệt của tác phẩm, khi mối quan hệ khăng khít giữa ông và nghệ sĩ violin vĩ đại Joachim bị trục trặc, ông muốn dùng âm nhạc để nói lên suy nghĩ của mình, với cello là hiện thân của Brahms, còn violin là hiện thân của Joachim. Việc kết hợp hai nhạc cụ làm một như muốn thể hiện mối quan hệ giữa Brahms và Joachim. Vì vậy để thể hiện hai tác phẩm này, các nghệ sĩ solo phải phối hợp với nhau rất tốt.
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam những năm gần đây dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên trong đêm diễn Toyota, có lẽ do sự phức tạp trong sáng tác của Brahms nên âm thanh tổng thể của dàn nhạc nhiều đoạn chưa thuyết phục được người nghe. Trong khi đó trong phần hai, dàn nhạc chơi giao hưởng của Beethoven rất xuất sắc do đây là một tác phẩm khá quen thuộc đã được biểu diễn khá nhiều lần.
Trong dàn nhạc chơi nổi bật nhất là Hoàng Tùng oboe và Hồng Ánh flute, Hoàng Tùng là một trong những tài năng xuất sắc của dàn nhạc khi anh cũng từng có những buổi diễn với vai trò nghệ sĩ solo với các dàn nhạc trên thế giới và giành nhiều giải thưởng khác nhau, bộ gõ trong buổi hòa nhạc rất xuất sắc.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji, Grace Ho và Bùi Công Duy |
Tâm điểm của buổi hoà nhạc là hai nghệ sĩ solo cho tác phẩm Double Concerto, như đã phân tích ở trên, tiếng đàn của hai nghệ sĩ cần tương đồng để có thể kết hợp tạo thành một “siêu nhạc cụ”.
Bản concerto này là tác phẩm cho dàn nhạc cuối cùng của Brahms, cũng như các tác phẩm khác phần âm thanh cho dàn nhạc rất dày, vì thế đòi hỏi nhạc công phải có một tiếng đàn khoẻ và có phần nam tính để không bị dàn nhạc lấn át. Trong một vài trường đoạn cao trào, âm thanh của Grace bị chìm vào dàn nhạc, tuy nhiên Bùi Công Duy với kinh nghiệm biểu diễn sân khấu đã nhanh chóng kéo Grace trở lại.
Sự căng thẳng, trầm tĩnh của cello cùng tiếng êm dịu, ngọt ngào của violin kết hợp âm thanh hùng tráng của dàn nhạc tạo thành bầu không khí đầy cảm xúc lôi cuốn khán giả trong suốt buổi diễn. Điều thú vị của buổi hoà nhạc là bè cello thấp thể hiện sự mạnh mẽ do một nữ nghệ sĩ thể hiện, trong khi bè cao violin thể hiện sự duyên dáng, trẻ trung lại do nghệ sĩ nam đảm trách.
Double Concerto của Brahms là một tác phẩm tương đối khó về mặt kỹ thuật cho cả dàn nhạc lẫn nghệ sĩ solo cùng với sự phức tạp về mặt nội dung. So với các buổi hoà nhạc Toyota trước đây chương trình chỉ là các tiểu phẩm trích đoạn, tuy dễ nghe với phần lớn khán giả nhưng lại có phần nhàm chán với những người yêu thích các tác phẩm lớn. Việc dàn dựng một tác phẩm khó như Double Concerto của Brahms trong buổi hoà nhạc Toyota vừa rồi có thể coi là một thành công. Khán giả Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào sự trưởng thành của thế hệ các nghệ sĩ cổ điển trẻ của Việt Nam.
Hoàng Việt