Tập đoàn lớn nhất Nhật Bản cũng cho biết đã báo cáo kết quả điều tra tới Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) của nước này.
Diễn biến mới xuất hiện trong bối cảnh Chủ tịch Toyota Akio Toyoda chuẩn bị đối mặt với một số làn sóng trái chiều, khi hai nhóm ủy quyền lớn của các cổ đông yêu cầu bỏ phiếu chống lại việc duy trì cháu trai của người sáng lập tập đoàn trong hội đồng quản trị.
Giá cổ phiếu của Toyota đã tăng gấp ba lần trong 5 năm qua, lên gần 3.800 yên (24 USD) trước khi giảm xuống do những rắc rối mới. Mức giá giao dịch hiện trên 3.000 yên (tương đương 20 USD), đồng nghĩa giá trị tập đoàn ô tô Nhật Bản đã mất khoảng 3 nghìn tỷ yên Nhật (tương đương 18 tỷ USD).
Ngoài Toyota, công ty con Daihatsu cũng vấp phải những bê bối liên quan tới chứng nhận sản phẩm. Để thay đổi tình hình, bộ máy lãnh đạo đã bị thay thế.
Hồi đầu năm nay, ông Soichiro Okudaira đã buộc phải từ chức Chủ tịch Daihatsu, nhường trọng trách lại cho ông Masahiro Inoue - người trước đó phụ trách hoạt động của Toyota tại thị trường Mỹ La tinh và Caribbean.
Trưởng nhóm xe điện Lexus Masanori Kuwata cũng được điều động sang Daihatsu làm Phó Chủ tịch điều hành.
Bên ngoài Toyota, nhiều công ty xe khác của Nhật Bản cũng đang trong quy trình xử lý bê bối lần này. Mới đây, 3 mẫu sản phẩm của Mazda và Yamaha đã được Chính phủ Nhật Bản cho phép nối lại hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, Honda và Suzuki cũng đã trải qua các đợt kiểm tra đối với những mẫu xe vướng vào bê bối. Tuy nhiên, không có sản phẩm nào của hai công ty này bị tạm dừng bán vì các mẫu xe bị ảnh hưởng đều đã ngừng sản xuất.
Theo Hà Nội mới