Vĩnh Phúc có ưu thế hơn trong ngành ô tô so với các địa phương khác khi có tới 3 doanh nghiệp sản xuất láp ráp xe ô tô, là Toyota, Honda và Daewoo Bus.
(1) Toyota Motor Việt Nam (TMV). TMV đầu tư vào Vĩnh Phúc từ năm 1995, luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng nhà máy của Công ty đạt trên 70.000 xe/năm. Số lượng lao động của Công ty đã lên tới hơn 1.900 người và 8.800 nhân viên làm việc tại 74 đại lý/chi nhánh đại lý và Trạm dịch vụ ủy quyền Toyota cả nước. Nhờ hoạt động của xưởng Dập năm 2013 và Trung tâm xuất khẩu phụ tùng ô tô năm 2007, cũng như đẩy mạnh hoạt động để nâng cao nội địa hóa tại nhà máy, TMV đã đạt nội địa hóa xe từ 19% đến 37%, tùy theo từng mẫu xe. Hiện nay, trong các NCC lĩnh vực chế tạo đã có 6 NCC Việt Nam ở lớp 1 tham gia được vào chuỗi cung ứng cho TMV, 3 Công ty cung cấp linh kiện cơ khí và 3 Công ty cung cấp linh kiện nhựa.
Như vậy, tỉnh đã có Công ty Cosmos là NCC lớp 1 về linh kiện dập cho TMV từ năm 2017, tuy nhiên sản lượng cung ứng còn rất thấp. Bên cạnh đó, ở lớp cung ứng cấp 2 đã có Công ty Thành Thắng sản xuất các chi tiết kim loại cho ghế xe và thùng chứa nhiên liệu cho Toyota Boshoku, là NCC lớp 1 của TMV; và Công ty Thiện Mỹ cung cấp phần xi mạ các sản phẩm nhựa cho NCC lớp 1 của TMV là Công ty Nhựa Hà Nội. Sản phẩm ghế, vỏ bọc ghế ô tô của Toyota Boshoku để phục vụ TMV và một số nhà máy Toyota trên thế giới, với doanh thu bình quân khoảng 2500 tỷ đồng/năm.
Trong các năm qua, TMV đã có nhiều hoạt động phát triển hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước, như hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý, giới thiệu đơn vị, chuyên gia nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp này. Đặc biệt, TMV cũng đã cử các chuyên gia của mình tới đánh giá, hỗ trợ để doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu, trong đó bao gồm cả hoạt động chuyển giao sản xuất. Tuy vậy, so sản lượng của TMV quá thấp, các NCC Việt Nam chưa có động lực để phát triển để trở thành NCC cấp 1 của TMV.
Bảo Bảo