Hiện TP Hạ Long có 53 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 10 xã là: Dân Chủ, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Sơn Dương, Tân Dân, Bằng Cả, Quảng La, Đồng Lâm, Hòa Bình và Vũ Oai.

Để các xã này hoàn thành Chương trình 135, từ năm 2016 đến nay, TP Hạ Long đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia hưởng ứng thực hiện chương trình. Trong đó tập trung vào thực hiện 3 nội dung chính là: Đời sống, thu nhập; hạ tầng kinh tế - xã hội và văn hóa - xã hội. Theo đó, ở từng nội dung, thành phố đều phân công các đồng chí ủy biên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trực tiếp phụ trách từng địa bàn xã; thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị.

{keywords}
TP Hạ Long phấn đấu đến năm 2022 thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đầu tư xây mới Trạm Y tế xã Tân Dân, sửa chữa Trạm Y tế xã Đồng Sơn, Đồng Lâm và Kỳ Thượng với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Hiện cả 4 xã, thôn khó khăn đều có bác sĩ biên chế công tác tại Trạm y tế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 dự kiến đạt 100%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh tại các xã thuộc chương trình 135 đạt từ 99,5% đến 100%.

Đối với phát triển sản xuất, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho các mô hình gần 10 tỷ đồng với gần 400 người tham gia thực hiện dự án. Thông qua các mô hình nuôi lợn thương phẩm, nuôi trâu sinh sản, nuôi gà Lương Phượng thả vườn, trồng ba kích… thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều tăng thêm từ 5-10%/năm; bình quân mỗi năm có tới 70-75% số hộ tham gia mô hình thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố sẽ giảm 12%, tương đương với giảm trên 500 hộ nghèo và 615 hộ cận nghèo.

Thanh Hùng