Sở Y tế TP.HCM đang lấy ý kiến cho Đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TP.HCM hiện có 31 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới), phân bố chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, chủ yếu sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

TP.HCM có 133 bệnh viện, là lợi thế về đầu ra cho sản phẩm dược.

Theo Sở Y tế TP.HCM, công nghiệp dược có tiềm năng trở thành mũi nhọn của kinh tế thành phố. Thành phố có lợi thế về nguồn nhân lực dược hàng đầu. Các doanh nghiệp dược tư nhân đã đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, thuốc sinh học, thuốc dược liệu... 

Bên cạnh đó, thành phố có lợi thế về thị trường đầu ra với 133 bệnh viện, hơn 1.200 doanh nghiệp buôn bán và hơn 6.500 nhà thuốc cũng như đầu mối xuất khẩu. 

Tuy nhiên, đa số nhà máy tại thành phố chỉ sản xuất mặt hàng thuốc thông thường mang tính trùng lặp, nhiều nhà máy sản xuất cùng một hoạt chất, nguyên liệu chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Hầu hết nhà máy chưa phát huy hết công suất, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Giá thành các sản phẩm thuốc sản xuất tại TP thường cao nên không có lợi thế trong đấu thầu. Tình hình cấp số đăng ký tại Cục Dược còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc của doanh nghiệp. Các nhà máy sản xuất hiện nằm rải rác..

Sở Y tế TP.HCM xây dựng lộ trình thực hiện xây dựng khu công nghiệp dược với ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu (năm 2022-2025): xây dựng kế hoạch, ban hành cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính, thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi với các nhà máy, xác định loại hình sản phẩm và tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao. 

Giai đoạn hai (năm 2025-2030): triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược, từng bước đưa vào hoạt động thực tế. 

Giai đoạn ba (năm 2030-2045): tập trung đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối - liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các nhà máy.

Đề án đặt mục tiêu hình thành ít nhất một khu công nghiệp dược tại TP.HCM; lựa chọn thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất từ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực y dược.

Khu công nghiệp dược tập trung sản xuất các thuốc phát minh (hoặc chuyển giao công nghệ), thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm, sản phẩm y sinh kỹ thuật cao... phục vụ nhu cầu trong chẩn đoán và điều trị trong nước. Từ đó, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng đến xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về giá và chất lượng.

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Người mỏi mòn chờ mổ, người đi mua từng kim tiêm, gói băng gạcTình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế … đang xảy ra tại một số bệnh viện trên cả nước. Điều này gây không ít khó khăn cho người bệnh.