Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho hay, hiện thành phố đã giải quyết được 205.000 yêu cầu liên quan đến bản sao hộ tịch, đây là con số rất lớn, giải quyết được điểm nghẽn đáng kể cho người dân.
Trước đây, người dân cần đến nơi đăng ký ban đầu để được cấp lại bản sao hộ tịch, song hiện nay họ có thể đến bất kỳ quận huyện nào để đề nghị cấp loại giấy này.
Để cải tiến được thủ tục nêu trên, thành phố đã tận dụng cơ sở dữ liệu hiện có, thu gom lại thành kho dữ liệu dùng chung. Từ đó, chính quyền các địa phương đều có thể truy cập được dữ liệu nhằm xác thực bản sao hộ tịch cho người dân.
Theo bà Trinh, thành phố đang đề xuất để phối hợp với Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp nhằm triển khai cấp bản sao hộ tịch điện tử cho người dân thành phố.
Thông tin trên được nêu trong buổi họp báo do TP.HCM tổ chức, công bố Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM, diễn ra từ ngày 8/10 đến 14/10/2022.
Sự kiện nhằm phát động, phổ biến thông điệp của Chính phủ về chuyển đổi số, triển khai chiến lược quốc gia trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, thực hiện các hoạt động thiết thực hưởng ứng chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10).
Tại sự kiện, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tái khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là con đường nhanh nhất để phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Trong đó, chuyển đổi số lĩnh vực hành chính công được thành phố nhấn mạnh nhằm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Việc thay đổi hệ thống hành chính công cũng biến thành phố thành khách hàng lớn của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Việc đề ra bài toán và giải bài toán cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp, người dân, sẽ tạo thành mặt trận để phát triển chuyển đổi số.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định, việc tổ chức Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm trong kế hoạch hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, sự kiện sẽ được tổ chức thường niên nhằm đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số của thành phố, nhìn ra các giá trị nhận được và giới thiệu những giải pháp đã được triển khai hiệu quả.
Thành phố mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia đưa ra những lời giải hiệu quả cho các bài toán nêu ra. Việc này nhằm nâng cao năng suất, hiệu suất lao động để môi trường kinh doanh và làm việc tại TP.HCM ngày một hiệu quả hơn.
Trước đó, báo cáo tại sự kiện, bà Võ Thị Trung Trinh cho hay, hệ thống dữ liệu sẵn có của thành phố đã được đưa về kho dữ liệu dùng chung. Các dữ liệu này đang được dùng để phục vụ điều hành các văn bản hành chính, giáo dục, y tế.
Trong giai đoạn đại dịch, một số khâu của đề án đô thị thông minh của thành phố bị gián đoạn, song đến hiện nay đã triển khai đúng tiến độ đặt ra ban đầu.
Bà Chu Vân Hải, Phó giám đốc Sở KH-CN, thông tin, thành phố đang xây dựng mỗi quận, huyện một trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó có lãnh đạo tham gia chủ trì thực hiện.
Khi đi vào hoạt động, các trung tâm của quận huyện sẽ có hai vai trò: Xác định các công việc cần đổi mới sáng tạo tại địa phương, đồng thời đóng góp vào các hoạt động lớn của thành phố.
Hải Đăng