-Những con đường đắt đỏ nhất tại trung tâm TP.HCM có giá thị trường trên dưới 1 tỷ/m2. Tuy nhiên, nếu áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất, theo bảng giá đất quy định hiện tại, thì mức giá được áp chưa đến 200 triệu đồng/m2. Đằng sau nghịch lý này là nhiều vấn đề bất cập khác xung quanh việc ban hành bảng giá đất.

Giá đất quy định quá thấp so với thực tế

Theo Luật Đất đai, bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong trường hợp tính tiền sử dụng đất. Đây cũng là cơ sở để tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trên thực tế, bảng giá đất áp dụng tại TP.HCM hiện cũng chỉ bằng khoảng 30% giá đất thị trường. Trong đó, giá đất cao nhất thuộc về các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1). Sau khi đã vận dụng tột khung thì đất tại 3 con đường này chỉ có giá 162 triệu đồng/m2.

Nếu áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất khu vực 1 (cao nhất) là 1,2 lần, theo quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k), thì giá đất ở của 3 con đường này cũng chỉ là 194,4 triệu đồng/m2. Con số thấp hơn rất nhiều so với giá đất thị trường là trên 1 tỷ đồng/m2.

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 30/2017/QĐ-UBND để điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở tại một số khu vực trên địa bàn thành phố. Mặc dù vậy, tình trạng chênh lệch quá lớn giữa khung giá đất theo quy định và giá thị trường không có nhiều cải thiện.

Đơn cử, tại một số con đường trung tâm quận Phú Nhuận như Hồng Hà, Nguyễn Công Hoan, mức giá theo quyết định trên chỉ dao động từ 13,8 - 30 triệu đồng/m2. Hay tại đường Nguyễn Thị Định (quận 2) chỉ được định giá từ 7,5 - 9,8 triệu đồng/m2; đường Song Hành đoạn từ Trần Não đến Mai Chí Thọ giá 15 triệu đồng/m2. Mức giá theo quyết định mới này chỉ rơi vào khoảng 20% so với mức giá giao dịch trên thị trường.

Làm kéo dài tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nguyên nhân có sự chênh lệch trên là do hiện nay, khung giá đất do Chính phủ ban hành có hiệu lực 5 năm. Bảng giá đất do địa phương ban hành không được vượt quá mức tối đa so với mức tối đa của khung này 30%, và không được thấp hơn mức tối thiểu.

Quy định này cũng không tạo được điều kiện để TP.HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành bảng giá đất theo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, kể cả sau khi đã áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm.

Việc định giá đất thấp hơn thực tế là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, tăng khiếu kiện của dân về giá đất. Giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều lần so với thực tế cũng làm Nhà nước thất thu một lượng lớn tiền thuế.

Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận, về lâu dài, các công ty sở hữu hoặc đóng trụ sở trên các khu đất khi chuyển qua cổ phần thì mức giá trên không phù hợp. Nguồn lợi có nguy cơ chảy vào túi của những người nắm quyền doanh nghiệp đó.

Do đó, để đưa giá đất về đúng giá trị thực, HoREA nói rằng cần bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần. Đồng thời, giao toàn quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để đảm bảo thực hiện nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Diệu Thủy

TP.HCM ra quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất

TP.HCM ra quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất

TP.HCM tìm cách huy động 20.000 tỷ của dân để làm hạ tầng

TP.HCM tìm cách huy động 20.000 tỷ của dân để làm hạ tầng

Hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, thành phố đang lên đề án huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để phát triển giao thông.