4 thành phố vệ tinh
Đề xuất với Ban chỉ đạo TƯ xây dựng đề án tổ chức chính quyền đô thị, UBND TP.HCM cho biết, bộ máy chính quyền đô thị của TP được tổ chức thành hai cấp hoàn chỉnh gồm cấp TP và 4 thành phố vệ tinh trực thuộc TP.HCM, có nhiều đô thị bên trong một đô thị theo hướng tăng tính tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Theo mức độ đô thị hóa hiện nay, TP.HCM hình thành và phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn gồm: Địa bàn đã đô thị hóa, địa bàn đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn trong đô thị.
TP.HCM sẽ xây 4 thành phố vệ tinh. Ảnh:
Tá Lâm
Cụ thể, địa bàn đã đô thị hóa gồm 13 quận nội thành cũ là quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú. Trừ các quận 1, 3, 5, các quận còn lại phát triển tự phát và không được quy hoạch nên trong khoảng 10-15 năm, TP.HCM sẽ chỉnh trang đô thị, điều tiết lại dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Sau khi hoàn thành định hướng sẽ được tổ chức lại các đơn vị hành chính theo mô hình cấp chính quyền đô thị hoàn chỉnh.
Trước mắt, ở địa bàn này đối với cấp quận vẫn duy trì cấp hành chính như hiện nay (không tổ chức HĐND).
Đối với địa bàn đang đô thị hóa gồm 6 quận là quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè, có thể phân chia thành các khu đô thị độc lập kết nối với địa bàn đã đô thị hóa giúp nâng quy mô diện tích đô thị hóa gấp 4 lần so với hiện nay vào năm 2025.
Tại đây, sẽ thành lập 4 khu đô thị (hoặc gọi là thành phố) gồm Đông, Nam, Tây và Bắc. Mỗi khu đô thị là một cấp chính quyền đô thị trực thuộc chính quyền đô thị TP.HCM. Chính quyền 4 khu đô thị được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong ngân sách, xây dựng và quản lý, phát triển dịch vụ đô thị.
Khu đô thị Đông (hay TP Đông) gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích 211 km2 với trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao.
Khu đô thị Nam (hay TP Nam) gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích quận 8 (phần phía nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Ở đây sẽ phát triển dịch vụ cảng, gắn liền với các dịch vụ thương mại khác.
Khu đô thị Bắc (hay TP Bắc) gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn với diện tích 149 km2 sẽ phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao.
Khu đô thị Tây (hay TP Tây) gồm quận Bình Tân, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh với diện tích 191 km2. Đây là khu đô thị đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL.
Đối với địa bàn nông thôn trong đô thị gồm 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ có diện tích khoảng 1.300 km2. Ở địa bàn này, TP đề xuất với Trung ương đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo hướng: Chuyển cấp chính quyền huyện hiện nay thành cấp hành chính, tức là không tổ chức HĐND cấp huyện và không có cơ chế tự chủ ngân sách.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị tăng mức độ tự quản cho
TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm
"Áo quá chật"
Trước đề xuất này, tại hội thảo góp ý sửa đổi Hiến pháp chuyên đề về “chính quyền địa phương” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp tổ chức tuần trước, nhiều đại biểu cho rằng, để tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, ở chương 9 về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung một điều quy định: “Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong phạm vi được phân cấp theo quy định của luật. Việc phân cấp hoặc quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn làm tăng các khoản chi cho chính quyền địa phương thì phải kèm theo sự phân cấp nguồn thu và các nguồn lực tương ứng”.
Trả lời VietNamNet, PGS.TS Trương Đắc Linh - ĐH Luật TP.HCM nói, hoàn toàn đồng ý với đề xuất “chuỗi đô thị” của TP.HCM. Sửa Hiến pháp lần này chính là cơ hội vàng để đổi mới một cách cơ bản tổ chức chính quyền địa phương để những thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng có cơ hội tăng quyền tự quản.
Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thì nhận định TP.HCM đang mặc “áo quá chật” và đề nghị tăng mức độ tự quản cao hơn cũng như những thẩm quyền cao hơn cho TP.HCM về mặt tài chính, kinh tế, văn hóa…
“Vừa rồi, ta đã làm được một việc là thông qua luật Thủ đô. Có nghĩa là chúng ta xác định trong các đô thị ở Việt Nam có một đô thị đặc thù, đó là Hà Nội. Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị cả nước, chúng ta cũng nên có quy định pháp lý đặc thù cho phép TP.HCM thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Nếu không có cơ chế thích hợp thì sẽ cản trở, hạn chế hiệu quả phát triển của TP”, ông Nghĩa nói.
Theo ông, để TP.HCM không rơi vào “tự trị” khi được trao quyền lực to hơn, TP phải được bảo đảm có đủ người, đủ cán bộ có năng lực, có đạo đức để hành sự đúng những đặc quyền được giao.
Tá Lâm