- Đó là quan điểm của Phó chủ tịch TP.HCM Hứa Ngọc Thuận tại cuộc họp tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2014 diễn ra chiều 28/3.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận trao đổi với Thiếu tướng Phan Anh Minh bên hành lang cuộc họp. Ảnh: Tá Lâm |
Sở dĩ ông Thuận nói như thế vì tại cuộc họp này, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM đề nghị UBND TP nói rõ việc quy hoạch vùng tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.
"Qua trao đổi với các quận huyện, họ cho rằng không muốn gom các điểm kinh doanh ngành nghề nhạy cảm về một khu vực vì sợ nở rộ các phố đèn đỏ, thay vào đó các quận huyện muốn tiếp tục thực hiện chỉ thị của UBND TP là không cho đăng ký mới", ông Minh nói.
Trả lời ông Minh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, TP không có chủ trương gom các cơ sở kinh doanh nhạy cảm trên địa bàn lại để thành lập phố đèn đỏ. Thay vào đó, TP đang có đề án quy hoạch lại các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm để quản lý chặt chẽ hơn và ngăn chặn tệ nạn xã hội phát sinh.
Ngoài ra, để quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, ông Thuận cho biết, TP sẽ không tăng các điểm kinh doanh ngành nghề nhạy cảm và giao cho chủ tịch UBND các quận huyện cấp phép, quản lý chứ không phải Sở Văn hóa như trước đây.
Cũng tại cuộc họp này, báo cáo tổng kết 3 tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2014 (từ 15/12/2013 đến 28/2/2014), Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh khẳng định, Công an TP đã đánh mạnh vào các loại tội phạm, nhất là tội phạm cướp giật, băng nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê và các đường dây mua bán ma túy… để bảo vệ bình yên cho người dân.
Kết quả, trong 3 tháng cao điểm, trên địa bàn TP xảy ra 1155 vụ phạm pháp hình sự, giảm 76 vụ so với cùng kỳ.
Đánh giá đợt ra quân trấn áp tội phạm dịp tết Nguyên đán đã kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, nhất là số vụ cướp giật trên địa bàn TP, khiến tội phạm không có cơ hội gây án và không để xảy ra các vụ án gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, ông Minh cũng khẳng định, vẫn còn hạn chế.
Trong đó, điểm đáng chú ý là tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm chung tuy có cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (cả nước tỷ lệ điều tra khám phá đạt 77% so với TP.HCM là hơn 67%), tỷ lệ khám phá án xâm hại tài sản chưa đạt yêu cầu…
Một tồn tại nữa là tình hình vận chuyển ma túy, vận chuyển vũ khí tự chế qua đường hàng không đang diễn biến phức tạp (đã phát hiện 3 vụ vận chuyển vũ khí tự chế, 3 vụ trung chuyển heroin với số lượng lớn vào Việt Nam và ra nước ngoài).
Do đó, thời gian tới, Công an TP sẽ tăng cường trấn áp tội phạm, nhất là những vùng trọng điểm giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cũng yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh với tội phạm. “Nơi nào để xảy ra tình hình bất ổn thì nơi đó lãnh đạo cao nhất phải chịu trách nhiệm”, ông Thuận nêu quan điểm của UBND TP.
TP HCM có 30.000 cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, gồm 19.705 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, phòng cho thuê...); 750 cơ sở karaoke, phòng thu âm; 25 quán bar, vũ trường; 943 nhà hàng, quán ăn có tiếp viên nữ; 134 cơ sở massage, tẩm quất, spa, day ấn huyệt, 805 điểm hớt tóc thanh nữ, hớt tóc nam (cắt tóc, gội đầu máy lạnh...) và hơn 7.600 quán cà phê, giải khát. |