Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện, khai thác tối đa, hiệu quả các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống Covid-19.
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong vừa có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Phong, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Qua ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình thực tế, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ TP 4 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, về giải pháp bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân.
Theo TP.HCM, hiện nay, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam.
Ngoài ra, có tình trạng nông dân các tỉnh đã tổ chức trồng trọt, thậm chí đã gần thu hoạch sản phẩm phải phá bỏ giữa chừng vì nhận thấy không thể tiêu thụ sản phẩm được như thời gian qua. Việc này gây nên nguy cơ ngừng sản xuất cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm về sau.
Qua đó, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.
Vẫn còn tình trạng chưa thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hoá tại các chốt kiểm soát giữa các tỉnh, thành phố khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường.
Tuần qua, Quốc lộ 1, cầu vượt Sóng Thần kẹt cứng vì Bình Dương siết kiểm tra tại chốt |
Chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh; xây dựng luồng, tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông tại các chốt kiểm soát, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm.
Cũng theo TP.HCM, trong tình hình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải pháp xử lý tạm thời trong thời gian ngắn là cho phép doanh nghiệp có thể thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu nhưng chất lượng không thay đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất.
TP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn thành phố về miễn giảm lãi suất vốn vay và các gói tín dụng ưu đãi… nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Về nhóm giải pháp thứ hai là tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến.
TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành, hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí chủ yếu bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch TP.HCM đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và ngân hàng gỡ khó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất |
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất 3 tại chỗ giảm chi phí như: giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vắc xin...
Nhóm giải pháp thứ ba là chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng:
Kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022 (thay vì hết tháng 12/2021 như dự thảo). Với doanh nghiệp dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Nhằm mở rộng phạm vi doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ, thành phố kiến nghị điều chỉnh điều kiện về tổng doanh thu năm 2021 để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 200 tỷ thành 300 tỷ.
Tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021; riêng đối với các doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%.
Kiến nghị cho phép doanh nghiệp được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.
Khai thác tối đa công nghệ trong phòng, chống dịch
Thứ tư, về nhóm giảm pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch:
Theo TP.HCM, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu, triển khai công tác phòng, chống dịch còn chưa hiệu quả do có quá nhiều ứng dụng với tên tương tự nhau, chức năng trùng lắp, chồng chéo, không đồng bộ cơ sở dữ liệu; một số ứng dụng còn nhiều lỗi, dữ liệu chậm cập nhật và chỉ thật sự hiệu quả khi đa số người dân cài đặt và bật ứng dụng liên tục.
TP.HCM đề nghị các bộ, ngành khai thác tối đa công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 |
Qua đó, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện, khai thác tối đa, hiệu quả các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống Covid-19 đang có hiện nay như: khai báo y tế điện tử, mã QR; cổng đăng ký, xác nhận tiêm chủng, hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Liên thông, sử dụng thống nhất một mã QR của cá nhân, tổ chức giữa các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác khai báo y tế điện tử; kiểm soát lưu thông, truy vết.
Liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
"UBND TP.HCM kính mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét giải quyết để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, cùng TP và cả nước vượt qua đại dịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép", công văn nêu.
Hồ Văn
TP.HCM đề xuất cấp gần 28 nghìn tỷ hỗ trợ người gặp khó khăn do Covid-19
Theo UBND TP.HCM, qua rà soát, TP có số hộ lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 1.580.110 hộ; số người lao động nghèo dự kiến hỗ trợ 4.740.330 người với tổng kinh phí gần 28 nghìn tỷ đồng.