- Sau cơn mưa lớn vào ngày 13/10, hàng loạt điểm ngập mới đã phát sinh trong nghi vấn về sự ẩu thả của các dự án có chức năng cải thiện hạ tầng đô thị.

Mưa to, đường tử thần xuất hiện
Sáng 13/10, tại TP.HCM, cơn mưa tầm tã kéo dài hơn 2g đã gây ngập nhiều tuyến đường trong thành phố. Trong các tuyến đường bị ngập, đường Phan Đình Phùng (P.2, Q.Phú Nhuận) đang trong tình trạng rất nguy hiểm.


Trong khi Chương trình chống ngập trọng điểm đang trễ hẹn thì Dự án nâng cấp đô thị đã kịp khiến người dân TP.HCM ở nhiều nơi lâm vào cảnh… chạy trời không khỏi nước.

Sau cơn mưa, đường lại 'gớm'

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho đến thời điểm hiện tại toàn thành phố còn 45 điểm ngập, giảm 13 điểm so với thời điểm đầu năm 2011. Tuy nhiên, tình trạng phát sinh các điểm ngập mới vẫn liên tục xảy ra.

Điển hình như cơn mưa tầm tã kéo dài hơn 2 giờ vào sáng ngày 13/10, tại TP.HCM, đã gây ngập nhiều tuyến đường trong thành phố.

Người dân sụp hố té ngã mỗi khi mưa lớn tại TP.HCM là chuyện không hiếm

Cơn mưa một lần nữa biến nhiều tuyến đường cả vùng ven lẫn trung tâm TP.HCM như Luỹ Bán Bích, Trường Chinh, Bà Hom, Phan Đình Phùng… trở thành cạm bẫy với người dân khi lưu thông.

Theo ghi nhận của VetNamNet, trong cả ngày sau cơn mưa lớn, mặt đường Phan Đình Phùng bị bong tróc thảm hại.

Suốt từ đoạn chân cầu Kiệu đến đoạn giáp ngã tư Phú Nhuận, mặt đường xuất hiện hàng loạt vết nứt và hố sâu hoắm gây nguy hiểm cho người đi đường.

Khoảng một giờ sau khi xảy ra hiện tượng trên, công nhân đã có mặt dùng xe ba gác chở đá đến san lấp các 'hố tử thần'.

Tuy nhiên, dưới áp lực nước quá lớn phun ra từ các đường ống lên mặt đường, các vết nứt có nguy cơ tạo ra hố sâu vẫn tiếp tục xuất hiện.

Có nơi, một xe ba gác chở đầy đá không đủ để san lấp buộc phải mở nắp cống thoát nước giữa lòng đường và dựng hàng loạt cọc và biển báo nguy hiểm.

Cùng chung số phận với đường Phan Đình Phùng là đường Bà Hom, quận 6 nối vòng xoay Phú Lâm với Liên tỉnh lộ 10.

Anh Lê Duy Tùng (24 tuổi), lưu thông qua tuyến đường này cho biết: “Đã hơn 1 tuần nay, cứ sau trận mưa lớn là nhiều đoạn trên đường Bà Hom lại trở thành “biển nước” khiến người điều khiển xe máy rồng rắn nhau… dắt bộ. Nghe nói tuyến đường này nằm trong khu vực thi công sự án nâng cấp đô thị mà tôi không hiểu sao các ông ấy càng nâng thì đường lại càng ngập”.

Ngoài đường Phan Đình Phùng, đường Trường Chinh đoạn từ giao lộ Trường Chinh- Cộng Hoà đến đoạn Trường Chinh - Lý Thường Kiệt tuy không ngập sâu đến nỗi làm chết máy xe, nhưng lại khiến các hộ dân sinh sống hai bên đường 'lãnh đủ' vì nước ngoài đường bị bánh xe ô tô qua lại hất vào.

Chống ngập, ngập thêm

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng ban Quản lý hệ thống thoát nước của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho hay: “Một số nhà thầu hiện nay khi thi công đã xâm hại vào hệ thống cống thoát nước. Trung tâm đã thị sát và phối hợp thanh tra chuyên ngành lập biên bản nhiều trường hợp, yêu cầu khắc phục, song hết thời hạn quy định, một số chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chây ỳ không thực hiện. Việc này khiến cho sau mỗi trận mưa lớn một số tuyến đường lại ngập nặng”.

'Tác phẩm' của cơn mưa ngày 13/10 hay sự cẩu thả của đơn vị thi công?

Nhận được kiến nghị của trung tâm về vấn đề này, UBND TPHCM đã chỉ đạo xử lý rốt ráo các vị trí thoát nước bị xâm hại nhưng đến nay nhiều đơn vị xâm hại hệ thống thoát nước vẫn làm ngơ.

Cũng theo đánh giá của trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, đứng đầu danh sách gây ngập phải kể đến là Dự án nâng cấp đô thị vốn được triể khai từ năm 2004.

Dự án này bắt đầu trong sự kỳ vọng và tán thành của người dân thành phố nhưng sau một thời gian đi vào thi công đã cho thấy hàng loạt kịch bản đáng buồn.

Theo đó, trong quá trình thi công dự án, các đơn vị thi công đã bơm nước lẫn bùn đất vào hệ thống thoát nước, làm hư hỏng hầm ga, cắt đứt các cống băng. Ngoài ra sau khi thi công, các đơn vị còn không nạo vét tuyến cống hiện hữu…

Kết quả là 21 vị trí cống thoát nước không thoát nước được, gây ngập hàng loạt ở nhiều nơi mỗi khi mưa lớn.

Cùng kịch bản thi công gây ngập, dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè cũng khiến xuất hiện 13 vị trí ngập trên địa bàn quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận...

Điển hình như trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), tuyến đường tiếp nối với đường Phan Đình Phùng về hướng quận Phú Nhuận, Gò Vấp, đơn vị thi công cũng đã từng làm sụp cống vòm và thay thế bằng tuyến cống D600 dẫn đến giảm tiết diện dòng chảy và gây ngập.

Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải xét lại, trên thực tế các dự án chống ngập tại TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn do nguồn vốn đầu tư quá lớn.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, tổng vốn đầu tư dự kiến cho các dự án chống ngập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011 - 2015 vào khoảng 14.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách thành phố mới cân đối được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Vừa qua, sau khi xem xét nắm bắt tình hình, UBND TP.HCM đã triệu tập các Ban ngành trực thuộc báo cáo tiến độ triển khai Chương trình chống ngập trên địa bàn thành phố ngay trong tháng 10.

Hy vọng, chỉ có những biện pháp xử lý quyết liệt với nhà thầu thi công vi phạm, may ra người dân thành phố mới thôi lâm vào cảnh khốn khổ mỗi khi mưa xuống.

Quốc Quang