Theo Cổng thông tin Công an TP.HCM, ngày 22/2/2017, tại trụ sở Công an quận 6 – TP.HCM, Công an quận 6 tổ chức tọa đàm các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua điện thoại trên địa bàn quận 6 do đồng chí Thượng tá Dương Ngọc Thanh, Phó Trưởng Công an quận 6 chủ trì. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Quận ủy quận 6, đại diện Chỉ huy các Đội nghiệp vụ và Công an 14 phường thuộc Công an quận 6; đại diện lãnh đạo 20 Chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn quận 6...

Trung tá Nguyễn Đăng Hưng, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố, Công an quận 6 cho hay, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua điện thoại là sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet để gọi ngẫu nhiên vào các thuê bao cố định và giả danh là nhân viên tổng đàicCông ty viễn thông (chủ yếu là VNPT) thông báo chủ thuê bao nợ cước số tiền lớn, nếu không thanh toán sẽ bị cắt thuê bao hoặc chuyển sang Công an điều tra, xử lý. Khi bị hại phản ứng không có nợ tiền cước điện thoại thì lập tức được bọn chúng hướng dẫn họ bấm các phím số trên điện thoại cố định (thường là số “0” hoặc số “9”) để được  giải đáp thắc mắc. Thực tế các số này đã được chúng kết nối sẵn với hệ thống thiết bị viễn thông cùng tổng đài đã được thiết lập sẵn, nếu bị hại thực hiện theo hướng dẫn thì sẽ gặp các đối tượng xưng danh là cán bộ, điều tra viên của cơ quan điều tra Công an đang thụ lý điều tra vụ án rửa tiền, vụ án ma túy… mà bị hại là người có liên quan trực tiếp đến vụ án, buộc phải giữ máy để chất vấn làm rõ và yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối về cuộc điều tra, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giam. Tiếp theo đối tượng dò hỏi về nhân thân gia đình, lai lịch, số điện thoại di động, tài chính. Khi bị hại tiết lộ có những khoản tiền gởi tại Ngân hàng, thì bọn chúng sẽ vu khống đây là tiền do phạm tội mà có, được đồng bọn chuyển vào để rửa tiền, vì vậy yêu cầu bị hại phải chuyển ngay số tiền đó vào tài khoản của Ban chuyên án để giám định. Nếu bị hại chuyển tiền, bọn chúng sẽ nhanh chóng chuyển số tiền này qua nhiều tài khoản khác nhau và sử dụng các thẻ ghi nợ quốc tề rút tiền tại các trụ ATM trong và ngoài nước để chiếm đoạt.

Ngoài ra bọn tội phạm còn dùng thủ đoạn lừa đảo qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… để mạo danh, chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Từ năm 2014 đến nay, Công an quận 6 ghi nhận xảy ra 6 vụ lừa đảo qua điện thoại, tổng số tiền nạn nhân đã chuyển vào tài khoản của bọn tội phạm là 4 tỷ 226 triệu đồng. Lực lượng Công an đã phối hợp với các Ngân hàng kịp thời phong tỏa, ngăn chặn thu hồi được 2 tỷ 739 triệu đồng, số tiền bị bọn tội phạm chiếm đoạt là 1 tỉ 487 triệu đồng.

Tại buổi tọa đàm, Công an quận 6 ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua điện thoại và các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, vận động giúp nhân nhân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng chí Dương Ngọc Thanh, Phó Trưởng Công an quận 6 chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, lực lượng Công an 14 phường tham mưu cho chính quyền làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội để từng hộ gia đình luôn đề cao ý thức cảnh giác; lực lượng Cảnh sát khu vực thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ dân về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo qua điện thoại. Đồng thời, đề nghị các Ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong việc ngăn chặn, xử lý các vụ lừa đảo tài sản thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, cảnh báo khách hàng đến giao dịch và nhân viên phòng ngừa đối tượng lừa đảo qua điện thoại.