Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho biết, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 là xây dựng TP.HCM thành một trung tâm lớn về giáo dục – đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, TP sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm phát triển nhanh và bền vững ở tất cả các cấp học, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém và bất cập như hiện nay. Theo ông Chương, TP sẽ đề cao đạo đức và trách nhiệm đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới toàn diện nội dung và phương thức giáo dục.
Để trở thành trung tâm giáo dục lớn ở Đông Nam Á, TP sẽ tăng cường liên kết
quốc tế, trao đổi và học tập kinh nghiệm để nâng cao hệ thống giáo dục và đào
tạo. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng
Anh để đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu; đào tạo giáo viên dạy Toán và
các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, tiếp tục thí điểm tuyển dụng giáo viên
bản ngữ đến dạy tại các trường phổ thông…
Hiện TP đang hoàn thiện việc qui hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo diện tích
đất bình quân bậc tiểu học đạt 49.127 m2 trên một trường học và quân bình 4,57
m2 trên một học sinh.
Mỗi năm TP bố trí ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục bình quân gần 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, các trường trung học đều có phòng thực hành thí nghiệm, phòng máy tính nối mạng, phòng thiết bị nghe nhìn với trang thiết bị hiện đại…
Tuy nhiên, ông Chương cũng khẳng định trước các đại biểu, TP.HCM cũng không nằm ngoài quy luật ở đâu có trường chất lượng cao thì tâm lý người dân đổ xô cho con em theo học nên vẫn tồn tại việc chạy vào trường chất lượng cao....Mặc dù, TP đã có qui định trong tuyển sinh là học sinh ở địa bàn nào thì thi tuyển ở địa bàn đó nhưng lại dẫn đến tình trạng người dân đối phó như chuyển hộ khẩu đến các quận có trường chất lượng cao.
“Đây là vấn đề có thực. Cần phải nâng chất lượng giáo dục của các trường lên mới mong chấm dứt được tình trạng này” - ông Chương nói.
Ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, song song với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông TP.HCM cần có chính sách, chế độ mới cho giáo viên mạnh mẽ hơn nữa để tạo sự hấp dẫn của nghề giáo viên và những hoạt động liên quan đến giáo dục.
“Cần phải có một hệ thống thang bảng lương riêng cho giáo viên. Nếu chúng ta có một hệ thống thang bảng lương riêng thì rất có thể là khi quyết định các chính sách thì nó không bị vướng vào việc so sánh lương ở các ngành khác”, ông nói.
- Tá Lâm