- Sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra tới mức có nguy cơ thoát khỏi tầm kiểm soát, Trung Quốc đã siết chặt lại và chuyển sang một chiến thuật ngoại giao sắc bén để giảm thiểu các thiệt hại mà cuộc xung đột Senkaku/Điếu Ngư có thể gây ra đối với nền kinh tế đang chững và công cuộc chuyển giao lãnh đạo nhạy cảm.
Trong khi quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đang ở mức rất thấp, Trung Quốc quyết định tiến một bước về phía trước bằng việc tổ chức một buổi lễ quy mô nhỏ kỷ niệm 40 năm nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là Giả Khánh Lâm đã tham dự cùng với một số quan chức khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp tương đối rõ tới Tokyo khi không cấp phép bay cho chiếc chuyên cơ lẽ ra sẽ đưa chủ tịch Tập đoàn Toyota tới Trung Quốc. Một người Nhật khác đã thay thế để tham dự sự kiện này, và tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, hai bên đã có cuộc gặp riêng và xuất hiện qua loa trước công chúng.
Về quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật gọi là Senkaku, tờ Asahi Shimbun của Nhật cho biết: một nhóm gồm rất nhiều tàu tuần tra của Trung Quốc đã nằm trong tầm giám sát của khoảng một nửa hạm đội tuần duyên của Nhật.
Các cuộc biểu tình diễn ra trên hơn 80 thành phố được cho là cách mà lãnh đạo Trung Quốc đẩy làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng trào nhằm tránh các chỉ trích nhằm vào đảng cầm quyền trong giai đoạn chuyển giao quyền lực dự kiến diễn ra vào đại hội đảng lần thứ 18, bắt đầu từ ngày 8/11 tới đây. Nhưng mặt khác, các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng các cuộc biểu tình này cũng có nguy cơ quay lại đe dọa chính quyền Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng cách thức mà Bắc Kinh xử lý cuộc tranh chấp này, bị thúc đẩy thêm bởi quyết định của Tokyo mua lại của tư nhân 3 trong số 5 hòn đảo tại đây, cho thấy tính chất tương thuộc về kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật, và cả những giới hạn về biên độ hành động của giới lãnh đạo.
Đảo Điếu Ngư/ Senkacu - tâm điểm tranh cãi giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay |
Trên tạp chí Tuần báo Thế kỷ của Trung Quốc, bà Hu viết: Đó sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế đang lung lay của Trung Quốc.
Năm ngoái, khi toàn bộ đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc chững lại thì đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc lại tăng 16%. Tổ chức Ngoại thương của Nhật cho biết năm 2011, Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc 12,6 tỉ USD, so với đầu tư 14,7 tỷ USD vào Mỹ
Một nhà nghiên cứu tại Viên Khoa học Xã hội Trung Quốc là Piao Guangji kết luận: Nếu như đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm thì không chỉ Trung Quốc mà toàn bộ châu Á sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các cuộc biểu tình chống Nhật được tổ chức theo cách nào, và ai đứng đằng sau chuỗi sự kiện.
Nhìn lại trình tự sự việc sẽ thấy, ngay sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại đảo, các cuộc biểu tình lập tức nổ ra tại Bắc Kinh và các thành phố khác. Sau đó biểu tình lan rộng ra và đạt đỉnh điểm vào dịp kỷ niệm Sự cố Phụng Thiên, dẫn tới việc quân đội Nhật chiếm đóng Mãn Châu vào ngày 18/9/1931. Ngay sau đó, hoạt động biểu tình bị chấm dứt.
Tuy nhiên, việc chấm dứt các cuộc biểu tình không đồng nghĩa rằng cơn thịnh nộ nhằm vào Nhật Bản cũng nguôi.
Trong một cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng 9, các học giả phương Tây đã hết sức sửng sốt trước thái độ thù địch sâu sắc mà các chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc thể hiện về phía Nhật.
Phó giáo sư DeLury thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Yonsei ở Seoul, cho biết đã có người nói tới chuyện “xung đột” để dạy cho Nhật Bản một bài học vì đã có hành động không thể chấp nhận được, đó là chiếm đoạt vùng lãnh thổ mà Trung Quốc cho là từ xa xưa đã thuộc về họ.
Một cựu quan chức ngoại giao là Ren Xiao từng công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo nhận định: Với việc lớp lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ sớm tiếp quản quyền lực toàn diện, và Nhật có thể sẽ có một chính quyền bảo thủ khi đảng Dân chủ Tự do thắng thế và cựu Thủ tướng có quan điểm ‘diều hâu’ Shinzo Abe trở lại vào năm sau, việc hạ bớt căng thẳng giữa đôi bên vẫn là điều xa vời.
“Tôi nghĩ là ít khả năng lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ nhượng bộ” - ông Ren nói. Hiện ông đang là giáo sư về ngành chính sách quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Ông Ren nói thêm: “(Nếu thắng cử) chính quyền của Đảng Tự do Dân chủ tại Nhật cũng sẽ như vậy. Đó là lý do vì sao tôi lại quan ngại về quan hệ Trung - Nhật”.
- Lê Thu (lược dịch từ New York Times)