Một bài viết gần đây đăng trên Want China Times đã xem xét sự trỗi dậy của quân đội và các khả năng quân sự Trung Quốc - hiện tại và tương lai. Bài nhấn mạnh: "Trong khi tiếp tục mua sắm thêm nhiều vũ khí hiện đại, thì Trung Quốc vẫn mất ít nhất 30 năm nữa để cạnh tranh với Mỹ và trở thành quân đội mạnh nhất thế giới".
Ảnh: wordpress |
Nếu nhìn vào một số lĩnh vực mà lực lượng Trung Quốc đang hoạt động, không phải mặt nào họ cũng coi Mỹ là đối thủ chính.
Về lực lượng trên bộ, Trung Á hiện khá ổn với Bắc Kinh, không có thách thức trực
tiếp nào trong lúc này. Quan hệ Nga - Trung khá gần gũi và cũng không có hoặc
rất ít nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc.
Ngoài lực lượng gìn giữ hòa bình thông qua LHQ, Trung Quốc dường như không có ý định triển khai bộ binh và càng không muốn chống lại lực lượng Mỹ. Sẽ là lãng phí tài nguyên rất lớn cho lực lượng bộ binh khi mà Trung Quốc chưa nhìn thấy đối thủ trong tương lai gần. Rõ ràng, Bắc Kinh vẫn đang hiện đại hóa các tài sản trên bộ, nhưng không phải ở tốc độ như các lực lượng khác, nơi phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Phép thử thực tế
Về lực lượng trên biển, đây là lĩnh vực mà Bắc Kinh đã tốn nhiều tâm sức và tiền bạc. Nước cạnh tranh mạnh với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông là Philippines có rất ít tài sản hàng hải. Các tàu tốt nhất quốc đảo này hiện có là tàu tuần duyên cũ của Mỹ - nghĩa là khó theo kịp các tàu khu trục mới nhất hay tên lửa của Trung Quốc.
Trong khi đó, tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lại hoàn toàn khác. Hải quân Nhật là một trong những lực lượng tốt nhất của châu Á. Tại thời điểm này, Hải quân Nhật cân xứng với Trung Quốc trên cơ sở kỹ năng, đào tạo và sự hiện đại.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng tên lửa của Bắc Kinh, cùng tên lửa đạn đạo chống hạm lớp mới, ngân sách quân sự ngày một tăng, sự tập trung đầu tư vào máy bay chiến đấu thế hệ 5, tăng tốc đầu tư hải quân... thì Nhật sẽ khó giữ vững lợi thế.
Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc luôn tuyên bố không định hay cố gắng theo kịp Mỹ về số lượng tàu chiến hay tàu sân bay. Quân đội Trung Quốc - ít nhất vào lúc này - đang tập trung nhiều hơn ở các khu vực quanh chuỗi đảo thứ nhất. Trong khi đó, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ lại tập trung vào việc triển khai sức mạnh toàn cầu. Hai sứ mệnh này hoàn toàn khác nhau.
Điều này giải thích vì sao việc hiểu rõ chiến lược "chống tiếp cận" mà Trung Quốc hướng tới là rất quan trọng. Bắc Kinh muốn gây khó khăn cho Mỹ trong tình huống xảy ra xung đột. Tại sao phải phát triển nhóm tàu sân bay với chi phí hàng tỉ USD chế tạo và duy trì nếu Trung Quốc có thể sử dụng số lượng lớn tên lửa hành trình và đạn đạo, tàu ngầm hiện đại, hay các tài sản khác ít giá trị hơn để giữ chân Mỹ tránh xa khỏi các khu vực tranh chấp?
Thái An (theo Diplomat)