Quốc hội Trung Quốc đang nhóm họp với trọng tâm là thông qua lãnh đạo mới. Nhiều mong đợi được đặt ra nhưng chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy đội ngũ mới sẽ giảm nhiệt trong chính sách đối ngoại - vốn khiến nhiều nước láng giềng bất an gần đây.
Trước các đại biểu quốc hội ở Bắc Kinh, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh cảnh báo, nước này đã gửi đi "một tín hiệu quan trọng" với khu vực rằng, họ sẽ phản ứng "dứt khoát" đối với những hành động khiêu khích về tranh chấp lãnh thổ. Theo giới phân tích, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ tiếp tục "phản ứng quyết đoán" trong chiến thuật ngoại giao. Trung Quốc đã hoàn thiện cách tiếp cận này trong các tranh chấp hàng hải hiện nay ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trong con mắt của Bắc Kinh, điều đó làm hài lòng áp lực trong nước đòi hỏi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn phù hợp với vị thế cường quốc kinh tế, trong khi vẫn khăng khăng cố bám đuổi giọng điệu phát triển hòa bình. Dĩ nhiên, chiến thuật ấy không phải lúc nào cũng chinh phục được lòng tin trong khu vực, nhiều nước đã hoài nghi, thậm chí gạt bỏ khái niệm trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Nói xuôi làm ngược
Bế tắc kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền một nhóm đảo ở Hoa Đông là ví dụ rõ ràng cho cách tiếp cận này.
Tháng 9, chính phủ Nhật Bản đã mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông. Nhật Bản nói, việc mua đảo nhằm ngăn chặn vị thị trưởng Tokyo theo quan điểm cứng rắn muốn thực hiện kế hoạch xây dựng tại đó.
Ảnh: Getty Images
Bắc Kinh giải thích động thái này là sự phản bội lại thỏa thuận giữa hai nước về việc giữ nguyên trạng, gác tranh chấp. Liên tiếp trong các tháng sau đó, các hành động trả đũa của Trung Quốc đã khiến căng thẳng ở Hoa Đông lên đến đỉnh điểm.
Các biện pháp ấy được báo chí Trung Quốc gọi là "cú đấm kép" trải rộng từ khẩu chiến - khi các nhà lãnh đạo coi việc Nhật mua đảo là "trò hề" và thề "không lùi dù chỉ một tấc" - tới các áp lực kinh tế, những cuộc biểu tình chống Nhật quy mô lớn và diễn tập hải quân rầm rộ ở Hoa Đông.
Cuộc chơi đã thay đổi khi Bắc Kinh tuyên bố đường cơ sở lãnh thổ của họ xung quanh quần đảo, một động thái khiến Senkaku/Điếu Ngư trở nên hợp pháp dưới sự quản lý của Trung Quốc. Vừa tuyên bố xong, Trung Quốc bắt đầu phái các tàu thực thi pháp luật thường xuyên tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo, trực tiếp thách thức quyền kiểm soát thực tế của Nhật trong suốt 40 năm qua.
Nhưng Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Họ lấn tới hơn khi điều động máy bay giám sát trực tiếp khu vực tranh chấp, và Nhật phản ứng bằng cách đưa máy bay chiến đấu chặn lại. Theo Nhật Bản, hải quân và không quân Trung Quốc đã tăng cường nhiệm vụ giám sát và diễn tập ở Hoa Đông, thậm chí còn khóa rađa trên tài sản quân sự của Nhật. Dĩ nhiên, Trung Quốc phủ nhận điều này.
Bất chấp những hành động này, quan chức ở Bắc Kinh vẫn nhiều lần khẳng định rằng, Tokyo châm ngòi cho mọi rắc rối và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Giờ đây, các nhà phân tích ở Bắc Kinh cho rằng, chiếc hộp kỳ bí đã mở ra, và khó có thể quay trở lại thỏa thuận ngầm vốn giữ gìn hòa bình ở Hoa Đông nhiều thập niên nay.
Tạo dựng hiện trạng mới
Hành động tương tự được sử dụng một lần nữa đối với Philippines xung quanh tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào tháng 4/2012. Khi Manila phản ứng bằng việc gửi một tàu chiến, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để tăng cường yêu sách chủ quyền của họ với bãi cạn bằng cách điều động các tàu thực thi pháp luật ra khu vực, mở rộng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đơn phương trên vùng biển xung quanh bãi cạn; kiểm soát chặt chẽ hoa quả nhiệt đới nhập khẩu từ Philippines và ngừng các tour du lịch; thậm chí phong tỏa lối ra vào vùng đầm phá ở bãi cạn ngăn không cho ngư dân Philippines kiếm sống.
Bằng cách duy trì các chuyến tuần tra thực thi pháp luật thường xuyên và ngăn cản ngư dân Philippines tiến vào bãi cạn, Trung Quốc đã tạo lập được một hiện trạng mới có lợi cho mình.
Cũng tại Biển Đông, Trung Quốc đã gấp rút nâng cấp địa vị hành chính của cái gọi là thành phố Tam Sa với chức năng quản lý hầu như toàn bộ Biển Đông; thiết lập một tiền đồn quân sự tại đó. Công cuộc mở rộng và xây dựng "Tam Sa" vẫn tiếp tục. Sau khi được chính quyền trung ương cung cấp 10 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ USD) để xây dựng "Tam Sa", quan chức nơi đây nói rằng, họ đang có những kế hoạch xây thêm nhiều cảng, mở sòng bạc...
Bằng mọi tính toán, lãnh đạo mới của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo lập phản ứng của Trung Quốc với các tranh chấp hàng hải. Ông phụ trách một nhóm an ninh hàng hải thành lập giữa năm 2012, sau đó là "Văn phòng phản ứng khủng hoảng Điếu Ngư" vào tháng 9. Sau khi trở thành tổng bí thư Trung Quốc, tuyên bố của ông đã chính thức hóa chiến thuật phản ứng quả quyết gây hấn khi nhấn mạnh tầm quan trọng của "phát triển hòa bình" nhưng cũng khẳng định không dung thứ với ai làm tổn hại đến "chủ quyền, an ninh và phát triển các lợi ích" của Trung Quốc.
Khó có thể nói rằng, Bắc Kinh cần tìm đến các rắc rối bên ngoài trong khi họ còn vướng bận giải quyết những thách thức trong nước. Nhưng không may là, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giảm nhiệt trong chính sách đối ngoại "phản ứng quyết đoán". Như bà Phúc Oánh nói: "Khi đối mặt với các hành động khiêu khích, dân Trung Quốc hy vọng Trung Quốc thậm chí sẽ quả quyết hơn".
Thái An (theo CNN)