Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phủ nhận cáo buộc về việc tàu của họ đã đâm tàu cá Việt Nam. Vị này thậm chí còn tráo trở vu cáo Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: topnews |
Phát ngôn viên họ Hồng lớn tiếng cáo buộc tàu cá Việt Nam “đã xâm nhập bất hợp pháp quần đảo Tam Sa của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”, thúc giục Việt Nam ngừng đánh bắt cá trái phép ở nơi mà họ gọi là quần đảo Tây Sa.
Cái gọi là “quần đảo Tây Sa” trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bất chấp sự thật đó, ông Lỗi nói nhà chức trách Trung Quốc “có quyền thực hiện các biện pháp tư pháp”. Ông Lỗi còn lớn tiếng yêu cầu phía Việt Nam “quản lý ngư dân, ngừng đánh bắt cá trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa”.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên nói rằng: "Các cáo buộc của Việt Nam là hoàn toàn xa sự thật. Một tàu cá Việt Nam đã trái phép đi vào khu vực thuộc quần đảo Tây Sa, vi phạm chủ quyền cũng như luật pháp Trung Quốc".
Thực tế là, vào ngày 20/5, tàu cá số hiệu QNg 90917 TS của tỉnh Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản.
Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào tàu cá QNg 90917 TS gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu. Về phản ứng của Việt Nam trước sự việc này, ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết:
“Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc.
"Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự".
Bất chấp sự chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết vùng biển, kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển nước khác.
Thái An tổng hợp