Công bố mức gia tăng lớn cho quân sự, các quan chức tại Bắc Kinh và giới ngoại giao Trung Quốc cố gắng thuyết phục các nước châu Á - Thái Bình Dương với thông điệp: Đừng hoảng hốt.

Trung Quốc đã tuyên bố ngân sách quốc phòng, vốn cao thứ hai thế giới sau Mỹ, sẽ tăng 11,2% trong năm nay, đạt 106,4 tỉ USD, sau mức tăng 12,7% năm ngoái. Như vậy trong suốt hai thập niên, chi phí quân sự Trung Quốc hầu như đều tăng ở hai con số.

Ảnh: AP
Chương trình hiện đại hóa quân sự hao tiền tốn của làm cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc trở nên hùng mạnh nhất châu Á, khoảng cách với các quốc gia khu vực sẽ tiếp tục rộng mở trừ phi nền kinh tế Trung Quốc chững lại.

Các hành xử quả quyết của Bắc Kinh ở các hòn đảo và khu vực hàng hải rộng lớn hơn mà họ tuyên bố chủ quyền (chồng lấn với các nước châu Á khác) ở những vùng biển giàu năng lượng khiến rất nhiều nước láng giềng (nằm trong số đó là đồng minh của Mỹ) phải lo lắng "rào giậu" chống lại khả năng đe dọa từ Trung Quốc. Họ tự củng cố lực lượng quốc phòng và phát triển quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ cũng như các nước khác.

Điều này xảy ra khi Trung Quốc tin rằng, họ đủ mạnh để đàm phán từ vị thế nước lớn với các quốc gia nhỏ hơn, nhưng rất quan trọng, các nước có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Trong số này có Indonesia dù không tuyên bố chủ quyền với bất kỳ hòn đảo tranh chấp nào ở Biển Đông, nhưng có vùng đặc quyền kinh tế chồng chéo với khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và những hình thái kiểm soát khác. Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% Biển Đông - trái tim hàng hải của Đông Nam Á.

Sự "rào giậu" của các nước láng giềng với Trung Quốc cũng đang xảy ra khi Bắc Kinh thiếu các đồng minh hay đối tác an ninh gần gũi trong khu vực. Mặc dù các lực lượng vũ trang Mỹ đang cắt giảm mạnh trong giai đoạn tiết kiệm chi tiêu ngân sách, thì Mỹ vẫn có một mạng lưới đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác mà nước này có thể làm việc để xây dựng khả năng đối trọng với Trung Quốc.

Mặc dù đã và đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu với gần như mọi quốc gia chính ở châu Á, cũng là nhà đầu tư ngày càng quan trọng, nhà cung cấp viện trợ và du lịch lớn, Trung Quốc vẫn tạo ra sự quan ngại hơn là tin tưởng ở nhiều nơi trong khu vực.

Điều này có thể xuất hiện cuộc chạy đua tăng tốc quân sự gây mất ổn định. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), với xu thế hiện nay, chi tiêu quốc phòng châu Á có thể vượt qua châu Âu. Công bố tài liệu điều tra "Cán cân quân sự hàng năm" hôm 7/3, IISS nhấn mạnh, phương Tây đang giảm chi tiêu quốc phòng "châu Á đang ngày càng quân sự hoá, như một kết quả của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chiến lược không chắc chắn".

IISS cho hay, các ưu tiên chiến lược của lực lượng vũ trang Trung Quốc "đang mở rộng từ phòng thủ biên giới sang trình diễn sức mạnh ở Đông Á và xa hơn thế, nhằm bảo đảm an ninh thông suốt các tuyến đường biển". IISS cảnh báo, quản lý căng thẳng ở Biển Đông "sẽ ngày càng có nhiều thách thức".

Công bố ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2012 tại họp báo ngày 4/3, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh khẳng định "giới hạn sức mạnh quân sự Trung Quốc hoàn toàn là đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và không đặt ra mối đe dọa gì với bất kể quốc gia nào".

Dĩ nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức về sự kiểm soát ở Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải, thì với các nước khu vực, đây chỉ là lời an ủi vô nghĩa. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở rộng xa hơn bất kỳ nơi nào khác. Hiện tại, chiến lược của họ dường như để ngăn chặn đầu tư nước ngoài trong khai thác phát triển dầu khí ở những khu vực xảy ra tuyến bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.

Nhiều tàu chiến hiện đại, máy bay chiến đấu và vũ khí tối tân của Trung Quốc đã đi vào hoạt động có thể được sử dụng để thực thi các tuyên bố chủ quyền ngoài khơi của Trung Quốc như tàu sân bay, tàu đổ bộ mới và tàu hộ tống.

Hôm 9/3, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đưa tin, tàu sân bay của Liên Xô mà Trung Quốc nâng cấp với khoảng 2.000 thuỷ thủ có thể chứa 30 máy bay chiến đấu và trực thăng. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng, con tàu này sẽ hoạt động ở Biển Đông. Báo cũng trích dẫn một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc khẳng định, nước này cần xây dựng ít nhất ba tàu sân bay của riêng mình.

4 trong số các tàu đổ bộ trọng tải lớn đã đi vào hoạt động. Mỗi tàu có thể mang theo 800 quân cũng như xe bọc thép, trực thăng... Các tàu này có thể được dùng để đưa quân Trung Quốc tới các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Công việc thiết kế các tàu tấn công đổ bộ lớn hơn được cho là đã bắt đầu.

"Điểm dừng" có thể xuất hiện nếu Bắc Kinh nghĩ rằng, họ có ưu thế quân sự lấn át đối phương và rằng đàm phán cũng như áp lực không thành công để khiến đối phương chấp thuận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sau đó có thể dùng vũ lực để đánh bật các đối phương có cạnh tranh chủ quyền ra khỏi khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Thái An (theo Japantimes)

Tranh chấp hàng hải, TQ 'doạ' Nhật, 'nạt' Mỹ
Hãng Tân hoa xã đưa tin, Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát hàng hải ở một nhóm đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông để bảo vệ quyền lãnh thổ.
 
TQ lọt top nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới
Theo một viện nghiên cứu của Thụy Điển, Trung Quốc giờ đây là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu thế giới sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh.
 
TQ: Tăng chi tiêu quốc phòng không đủ để dọa ai
Nữ Đại sứ mới của Bắc Kinh tại Manila tuyên bố, Trung Quốc không có ý định xâm chiếm hay sử dụng sức mạnh quân sự để can thiệp vào vấn đề của các nước láng giềng.
 
TQ sẵn sàng đưa tàu sân bay tuần tra Biển Đông
Quân đội Trung Quốc tiết lộ ý định đưa con tàu sân bay đầu tiên - tàu Varyag - đi vào hoạt động trong năm nay sau khi hoàn tất nhiều cuộc thử nghiệm. 
 
Nhật Bản lo ngại về ngân sách quốc phòng Trung Quốc
Nhật Bản hôm qua đã bày tỏ sự lo lắng về mức tăng ngân sách quốc phòng lên con số kỷ lục 100 tỷ USD của Trung Quốc.