- Một công trình như đường ống nước sông Đà 2 đảm bảo sức khỏe cho người dân thiết nghĩ Hà Nội cũng nên thận trọng mời những cơ quan khoa học vào cuộc phân tích một cách thấu đáo.

Theo thông cáo báo chí của Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) về kết quả triển khai công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp ống Gang dẻo – Dự án nước sông Đà, giai đoạn II, đúc rút kinh nghiệm từ việc thực hiện tuyến ống số 1, công ty Viwasupco đã thận trọng cân nhắc và quyết định lựa chọn vật liệu ống gang dẻo cho tuyến ống số 2 của Giai đoạn II.

Người dân không biết được Vinaconex đã mời và xét thầu từ bao giờ, có bao nhiêu nhà thầu nộp hồ sơ, song dưới góc độ là người dân, chúng tôi vô cùng băn khoăn.

{keywords}
Khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà 1

 

Dự án đường ống nước sông Đà 1 những hệ lụy vẫn còn đó, người dân thấp thỏm hàng ngày lo mất nước vì chất lượng đường ống cũng do Vinaconex chọn lựa nhà thầu với bao nhiêu tiêu chí chất lượng thì thực tế diễn ra thế nào ai cũng biết. Đến nay đã gần 20 lần vỡ đường ống và đang bị cơ quan công an vào cuộc điều tra . Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can 7 cán bộ thuộc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà, cùng một số đơn vị liên quan về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”

Theo thông tin của cuộc đấu thầu lần này, lý do để Viwasupco đưa ra để chấp thuận cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án đường ống dẫn nước sông Đà là vì giảm được chi phí 11,8%.

Thật ra trong lúc đất nước khó khăn, một án có số vốn gần 5.000 tỷ quả là lớn và tiết kiệm chi phí những gần 12% quả là không nhỏ.

Và cũng không phải sản phẩm nào của TQ cũng không đảm bảo chất lượng. Nhiều sản phẩm của họ sản xuất vẫn được thị trường thế giới chấp nhận.

Tuy nhiên, lại vẫn là tuy nhiên chúng ta đã có rất nhiều bài học làm ăn với Trung Quốc. Lúc đầu tưởng là tiết kiệm được ngân sách sau đó thực chất còn đắt hơn nhiều.

Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung không lạ gì với cách bỏ thầu của các tập đoàn, công ty của Trung Quốc. Bài học nhãn tiền của Hà Nội là tuyến đường sắt trên cao Hà Đông- Cát Linh vẫn còn đó. Thật ra cực chẳng đã “bỏ thì thương mà vương thì tội”.  Đến thời điểm cuối năm 2015, theo báo cáo của Bộ GTVT gửi Quốc hội cho biết dự án phải điều chỉnh vốn rất lớn với tính toán của tư vấn TEDI, được Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD , tức tăng gần 1,6 lần so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Và đến ngày 29-2 cho thấy, tổng thầu nợ các nhà thầu phụ khoảng 554 tỉ đồng, do bị nợ nên thầu phụ thiếu tiền thi công làm dự án chậm tiến độ. Và cho đến nay dự án chắc không thể đúng tiến độ vừa cam kết, mặc dù đã lùi nhiều lần.

Còn rất nhiều bài học cay đắng mà chúng ta đã từng làm ăn với nhà thầu Trung Quốc khác trong những năm qua. Bài học về xây dựng nhà máy gang thép, làm nhiệt điện hay xi măng lò đứng…chưa kể chuyện buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc, người dân bị nhiều phi vụ lừa đảo như trồng khoai, trồng sắn, mua cua, mua đĩa, mua rễ hồi hay móng trâu bò…

Mà không biết chất lượng đường ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (địa chỉ: Lạc Dương Bắc, thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đạt đấn mức nào mà được trúng thầu. Theo giáo sư Nguyễn Trọng Giảng - (chuyên gia luyện kim, Nguyên hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội) đặt vấn đề, chất lượng đường ống phải là quan tâm hàng đầu vì vậy luôn phải cảnh giác vì đường ống dẫn nước là rất quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, con người. Ông cũng nhấn mạnh về công nghệ gang dẻo "rất có thể có một số yếu tố nào đó không có lợi cho sức khỏe thì điều này hết sức nguy hiểm, hàm lượng chì có thể có, hàm lượng một số chất phóng xạ khác có thể có thì sao?"

Một công trình như đường ống nước Sông Đà 2 đảm bảo sức khỏe cho người dân thiết nghĩ Hà Nội cũng nên thận trọng mời những cơ quan khoa học vào cuộc phân tích một cách thấu đáo.

Rẻ mà tiến độ chậm, chất lượng kém thì người dân sẽ không đồng tình chứ chưa nói đến chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Trần Tâm