- Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cho biết, Bắc Kinh đã triển khai các tàu hải giám ở quần đảo Trường Sa, nhưng nói rằng, Trung Quốc không có kế hoạch thiết lập sự hiện diện quân sự ở khu vực tranh chấp.

Gmanews đưa tin, nói với báo chí ở Manila hôm nay, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu khẳng định rằng, nước này không vi phạm bất cứ thỏa thuận nào hiện hành với ASEAN liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông – vùng biển được coi là giàu tài nguyên dầu khí.

"Chúng tôi không có ý định xâm chiếm một trong những hòn đảo”, vị đại sứ nói. “Chúng tôi muốn làm rõ rằng, những vật liệu đó phục vụ cho công tác thăm dò trong khu vực, và đó không phải là các tàu quân sự mà là tàu thăm dò”.

Ông Lưu còn nhấn mạnh, chính phủ Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và để cho các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề theo cách của họ thông qua các biện pháp hòa bình. Ông nói, lợi ích của Mỹ trong khu vực là trong thương mại hàng hải và hòa bình, ổn định.

Lại nói tiếng “hòa bình”

Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho hay, Manila quan ngại về sự hiện diện và các hoạt động ngày càng gia tăng của nhiều tàu quân sự Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Trong công hàm phản đối gần đây gửi tới đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, DFA đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về việc nhận thấy một tàu hải giám Trung Quốc và các tàu hải quân của quân đội nước này ở vùng lân cận Iroquois Reef-Amy Douglas Bank ở Biển Đông – thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Tàu hải giám Trung Quốc Ảnh: People daily

Gặp gỡ với báo chí, ông Lưu nói rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông không hề gặp tranh cãi cho tới sau Thế chiến II và sau đó là đầu những năm 70. Giống như các quan chức Trung Quốc khác, vị đại sứ khẳng định, Bắc Kinh vẫn giữ cam kết với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN ký kết vào tháng 11/2002. DOC tìm cách duy trì tình trạng hiện tại ở khu vực tranh chấp, và ngăn chặn việc các bên tuyên bố chủ quyền tiến hành những hoạt động quân sự sẽ ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định ở khu vực tranh chấp.

"Các biện pháp hòa bình là chọn lựa duy nhất của Trung Quốc và chúng tôi khẳng định tiến hành tham vấn hòa bình với các đối tác, các láng giềng – những nước cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Nam Sa”, ông Lưu nói (Trung Quốc gọi Trường Sa là Nam Sa).

Theo vị này, sự hiện diện của tàu hải giám ở Biển Đông không vi phạm DOC, rằng “mọi thứ đã được tiến hành trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh, Trung Quốc muốn các bên liên quan “tìm ra giải pháp thực tế để làm dịu căng thẳng. Tôi không muốn vấn đề này là một rào cản trong thế hệ của chúng ta. Tôi nghĩ quan điểm này sẽ được chia sẻ bởi các đồng sự của tôi ở DFA”.

Chuyện tàu hải giám

Không chỉ có Philippines phản đối về các vụ việc liên quan tới tàu hải giám Trung Quốc. Vào cuối tháng 5, Việt Nam cũng lên tiếng chuyện này.

Hôm 27/5, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của PVN đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo chiều ngày 29/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định: Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại và cản trở hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo bà Nguyễn Phương Nga thì: “Đây hoàn toàn không phải khu vực tranh chấp, càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý. Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp".

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã khẳng định: “Với một đất nước có sự quản lý chặt chẽ như Trung Quốc, việc cấp dưới đi ngược lại ý kiến cấp trên là điều khó xảy ra. Vụ tàu Bình Minh 02 nghiêm trọng ở chỗ trước đây Trung Quốc cũng đã đâm tàu và cắt cáp rồi, nhưng khu vực xảy ra là ở vùng ngoài 200 hải lý hoặc vùng tranh chấp. Còn đây là vào rất sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, không phải tàu cá đâm tàu cá mà là tàu chấp pháp xử lý một tàu dân sự trong vùng biển Việt Nam. Thứ ba, đó là hành vi bạo lực”.

Lực lượng hải giám là một trong năm tổ chức thực thi pháp luật biển của Trung Quốc đang được gia tăng không ngừng cả quy mô lẫn kích cỡ. Theo phân tích của Strategy Pages, một trang tin chuyên về quân sự của Mỹ thì, Trung Quốc đang thiên về xu hướng sử dụng các tàu phi quân sự hoặc bán quân sự (kiểu như tàu hải giám) để quấy nhiễu các tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế hoặc các vùng biển tranh chấp; rằng, cách tiếp cận này ít có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang và tạo sự dễ dàng khi Trung Quốc muốn tuyên bố họ là nạn nhân.

Thái An