"Đề nghị đàm phán hoà bình để giải quyết căng thẳng tại Biển Đông của TQ chỉ là "xảo thuật". Trên thực tế, tham vọng lâu dài của TQ là hiện thực hoá đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, gặm sâu cả vào vùng đặc quyền kinh tế của VN và nhiều nước khác trong khu vực".
Đó là phân tích của TS Marvin C. Ott, một trong những nhà nghiên cứu Đông Á uy tín người Mỹ, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA.
TS Marvin C. Ott. Ảnh: Minh Ngọc |
Thủ thuật thường thấy của TQ
Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình căng thẳng tại Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và các tàu hộ tống giàn khoan của TQ gây hấn với các tàu VN đang làm nhiệm vụ?
Tiến sỹ Marvin C. Ott: Điều đầu tiên tôi muốn nói, là những gì vừa xảy ra là hoàn toàn có thể đoán trước. Quyết tâm của TQ nhằm kiểm soát các vùng đất và nước tại Biển Đông, theo cách nhìn của tôi, là rất rõ ràng trong suốt một thời gian dài.
Những gì xảy ra trong vài năm gần đây cho thấy, TQ đã nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân, không quân nhằm mở rộng quyền lực và kiểm soát tại Biển Đông. Trong một loạt các vụ việc như thế, thì đáng kể gần đây nhất là tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough.
Việc TQ đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, nhìn có vẻ khác, nhưng thực ra là cùng một kiểu vụ việc đã xảy ra với Philippines. Những vụ việc tiếp theo mà TQ gây ra có thể liên quan đến hàng loạt nước khác, nhưng có lẽ nhiều khả năng vẫn là với VN và Philippines.
Ông nói là đã xem các bức ảnh, đoạn video mà tàu TQ dùng vòi rồng tấn công tàu VN, rồi tàu TQ đâm vào tàu VN. Ông có bình luận gì về những hành động này?
Phải nói đây vẫn là những thủ thuật thường thấy, và có vẻ rất hiệu quả của phía TQ. Họ dường như muốn tránh sử dụng hoả lực, tránh sử dụng các loại vũ khí quân sự khi tìm cách mở rộng sự kiểm soát trên Biển Đông. Có lẽ TQ đã tính toán, rằng nếu họ sử dụng sức mạnh quân sự thì toàn bộ tình thế chiến lược sẽ bị thay đổi, nên họ thường sử dụng các biện pháp phi quân sự nhưng vẫn có tính cưỡng ép, kích động như đâm tàu, phun vòi rồng, sử dụng số lượng tàu lớn để uy hiếp đối phương... những biện pháp kiểu như vậy, để mở rộng tầm kiểm soát.
Tôi nghĩ rằng tại Đông Nam Á, VN hiểu TQ hơn bất cứ quốc gia nào. Có thể nói, ngay cả Mỹ cũng không hiểu bằng. Và VN không dễ bị mắc mưu. Nhưng hiểu là một chuyện, đối phó hiệu quả với TQ lại là chuyện khác vì sự chênh lệch lực lượng quá lớn giữa VN và TQ.
Philippines kiện TQ là khôn khéo
Vậy ông đánh giá như thế nào về cách xử lý cũng như sự kiềm chế của VN?
Giữa VN và TQ có sự chênh lệch lớn về sức mạnh quân sự. Nếu như VN phản ứng bằng cách cử tàu hải quân ra để ép tàu TQ phải rút lui, và nếu lại còn có xung đột nổ súng, thì hậu quả sẽ là rất xấu cho VN. Và VN đã không làm như vậy. VN đã làm những gì có thể, đã làm nổi bật vụ việc, thu hút sự chú ý của thế giới, đưa vấn đề ra các kênh ngoại giao nhằm tạo ra sự chú ý tối đa có thể của cộng đồng quốc tế đối với những gì đang diễn ra.
TQ thì muốn làm những việc như thế này mà chỉ tạo ra rất ít phản ứng, và họ cứ từ từ mở rộng vùng chiếm đóng. Nên rõ ràng cách phản ứng cần thiết của VN là tạo ra càng nhiều sự quan tâm chú ý của dư luận thì càng tốt.
Một bước đi cần thiết nữa cho VN, là tham vấn các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông, cụ thể là Philippines, Malaysia, và có thể là Brunei nữa, để cùng các quốc gia này đạt được một thoả thuận là sẽ cùng nhau tìm hướng giải quyết những tranh chấp về các vùng chồng lấn giữa các nước này, từ đó, tạo ra một mặt trận chung trong việc đối phó với TQ.
Một phần trong chiến thuật của TQ là "chia để trị". Họ muốn xử lý tranh chấp với VN riêng, với Philippines riêng, rồi có thể với Malaysia sau đây một thời gian... TQ không hề muốn các quốc gia Đông Nam Á là một tập thể thống nhất có cùng một quan điểm, một tiếng nói với TQ.
TQ cho rằng giàn khoan và tàu của họ đang hoạt động trong vùng nước của TQ. Trong khi nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế lại cho rằng, TQ không có quyền và cũng chẳng có lý do gì để đưa giàn khoan cùng tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của VN. Còn ông, ông nghĩ thế nào?
TQ thì luôn có lý do. Họ luôn cho rằng tất cả là thuộc về họ. Theo đánh giá của hầu như tất cả các chuyên gia luật pháp bên ngoài, đường lưỡi bò 9 đoạn mà TQ đưa ra không có giá trị gì trong luật pháp quốc tế. Nên nếu bạn hỏi bất cứ chuyên gia luật pháp độc lập là liệu TQ có quyền đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của VN hay không, các chuyên gia này sẽ nói là không.
Nhưng nếu bạn hỏi phía TQ, họ sẽ nói là có, "vì tất cả đều của chúng tôi". Nên theo tôi, cách mà Philippines thách thức tuyên bố đường lưỡi bò của TQ tại một toà án quốc tế là hành động rất khôn khéo và có ý nghĩa. Hầu như tất cả các luật sư quốc tế đều tin là Philippines sẽ thắng, dù vụ kiện sẽ mất vài năm. Và điều này sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định: đường lưỡi bò 9 đoạn của TQ là bất hợp pháp.
Việc Philippines kiện TQ có khả năng tạo ra lợi ích chung rất lớn cho các nước trong khu vực. TQ biết điều đó và tỏ thái độ rất thù địch trước hành động này của Philppines, nên tìm mọi cách để Philippines ngừng vụ kiện. Họ biết rằng, phán quyết pháp lý theo luật pháp quốc tế sẽ bóc trần sự thật, là yêu sách về đường lưỡi bò của TQ chẳng có cơ sở pháp lý gì.
Tàu Trung Quốc tiếp tục xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: TTO |
Xuống giọng để gây căng thẳng tiếp
Sau một loạt các hành động đơn phương và kích động, TQ lại bất thình lình tỏ ra xuống giọng, đề nghị VN đàm phán để giải quyết vụ việc một cách hoà bình. Ông nghĩ sao về động thái này của TQ?
Về mặt chiến thuật, một lần nữa phải nói đây là động thái rất "tinh quái" của phía TQ. Năm 2011, TQ và VN đã ký một thoả thuận kêu gọi giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp trên biển. Lúc đó truyền thông TQ, như tờ Thời báo Hoàn Cầu, đã bình luận rằng đây là một bước tiến đột phá, và từ nay, TQ và VN sẽ có thể giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình. Nhưng cũng ngay lúc đó, đã có nhiều người nói rằng họ hoài nghi và không tin TQ sẽ thực hiện thoả thuận với VN một cách nghiêm túc. Và sự hoài nghi đó giờ đã trở thành hiện thực.
Cái chuyện TQ nói đàm phán hoà bình hay những thứ kiểu như vậy chỉ là xảo thuật của phía TQ. Ý đồ chiến lược của TQ, cái mà họ muốn, theo đánh giá của tôi là hiện thực hoá đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, gặm sâu cả vào vùng đặc quyền kinh tế của VN và nhiều nước khác trong khu vực. Và TQ dự định thực hiện mục tiêu biến đường lưỡi bò này thành biên giới lãnh thổ được công nhận trong dài hạn.
Như thế, tất cả các khu vực nằm trong đường lưỡi bò đó sẽ trở thành một phần của TQ, do TQ kiểm soát, và cả thế giới công nhận khu vực đó trên thực tế thuộc về TQ. Đó là mục ý định chiến lược của họ và TQ thực hiện chiến thuật "gặm nhấm", từng bước từng bước mở rộng sự kiểm soát thực tế.
Nhưng để tránh vấp phải sự phản ứng rộng lớn và mạnh mẽ, mỗi lần họ thực hiện hành động mở rộng kiểm soát như ở bãi cạn Scarborough hay như việc đưa giàn khoan vào khu vực đặc quyền kinh tế của VN, thì TQ lại để một giai đoạn tỏ ra mềm mỏng. Mỗi khi có sự việc xảy ra, các bên trở nên căng thẳng sẵn sàng phản ứng, thì TQ lại cố tỏ vẻ làm dịu tình hình trước khi bắt đầu một hành động gây căng thẳng mới. Đó chính là chiến thuật căng - dịu "vừa đấm vừa xoa" gặm nhấm từng phần mà TQ thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Trong trường hợp cụ thể hiện nay, về cơ bản, việc TQ tuyên bố muốn giải quyết qua đàm phán hoà bình có thể còn là do họ muốn "câu giờ" để có thời gian cố định dàn khoan tại điểm mà họ muốn. Nếu bạn hỏi giới lãnh đạo của TQ, là liệu TQ có muốn giải quyết vấn đề một cách hoà bình, thì họ sẽ nói là có. Họ sẽ nói: "À, chúng tôi muốn có một thoả thuận ngoại giao. Nhưng tất các các nước quanh Biển Đông phải đồng ý với những yêu sách chủ quyền của chúng tôi mà không được phản kháng gì". Theo tôi, quan điểm của TQ là chỉ khi tất cả các nước chấp nhận điều đó, thì mới có một khu vực hoà bình.
Nếu TQ cứ tiếp tục những hành động khiêu khích như thế này, thì họ phải đối mặt với những hậu quả gì?
Rõ ràng là TQ đã làm mất lòng tin khi hành động như thế này. Từ góc nhìn của các nhà quan sát quốc tế, sau vụ việc Đảo Vành Khăn (Mischief Reef) vào giữa những năm 90, khi việc TQ chiếm đóng, xây dựng các công trình quân sự ở đây bị phát hiện, thì các nước ASEAN đã có phản ứng mạnh mẽ bằng các tuyên bố ngoại giao và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước hành động của TQ. TQ phản ứng lại bằng cách không rút khỏi Đảo Vành Khăn, vẫn tiếp tục việc xây dựng, nhưng lại nói: đừng lo ngại. Họ đẩy mạnh phương thức được gọi là "tấn công ru ngủ" (charm offensive) với cả Đông Nam Á.
Và trong suốt khoảng 15 năm sau đó, các nhà ngoại giao, lãnh đạo cao cấp của TQ đi đến đâu cũng nói về phát triển kinh tế, trỗi dậy hoà bình, hợp tác phát triển... TQ cũng đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, nối khu vực này với vùng Trung Nam TQ như kiểu tạo thành một khối kinh tế thống nhất.
Những năm 2007, 2008, nếu những quan chức như tôi, khi đó vẫn còn đang làm cho Chính phủ Mỹ, mà tới các nước ở Đông Nam Á và đề cập tới tham vọng chiến lược của TQ, thì sẽ có không ít ý kiến cho rằng: không nên lo lắng, rằng TQ đang cư xử rất ổn; rằng TQ nói muốn quan hệ hoà bình cùng có lợi với Đông Nam Á, muốn phát triển kinh tế; và rằng mọi việc đang rất tốt. Nhưng tất cả sau đó đã thay đổi. TQ tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự. Rồi sau đó xảy ra một loạt vụ việc: TQ quấy rối tàu cá, cắt cáp thăm dò của của VN; gây sự với Philippines...
Năm 2010, VN đăng cai Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội và lần đầu tiên đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của diễn đàn này. Đây cũng là lần đầu tiên ngoại trưởng Mỹ tham dự một diễn đàn như vậy. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khi đó đã phát biểu về vấn đề Biển Đông nhận được sự ủng hộ của bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN.
Còn bộ trưởng ngoại giao TQ Dương Khiết Trì đã phản ứng rất tức giận. Và từ thời điểm đó, mọi việc đã thay đổi. Cách hành xử "tấn công ru ngủ" của TQ không còn nữa. Và lúc này, tham vọng bên trong của TQ đã lộ rõ khỏi cái vỏ bọc êm ái bên ngoài.
Nếu tôi là một nhà chiến lược của TQ, tôi sẽ nghiêm túc đặt ra câu hỏi về cách hành xử hiện nay của quốc gia mình, vì những năm 2007, 2008, về cơ bản TQ có bạn khắp Đông Nam Á. Nhưng mọi việc đã thay đổi, các nước trong khu vực hiện đều rất lo ngại TQ.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, những mối quan hệ và hình ảnh mà TQ tạo dựng tại khu vực đã nhanh chóng bị thay đổi theo hướng tiêu cực. Đó là hậu quả do chính TQ đã gây ra. Chỉ có TQ mà thôi. Điều tương tự cũng diễn ra ở phía Bắc, ở vùng Biển Hoa Đông.
Chỉ TQ là hành động nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng... Về mặt ngoại giao, đây là cách làm rất nguy hiểm. Họ đã tạo ra những mối lo ngại thực sự. Nếu nói đó là sự thù địch thì có thể hơi quá, nhưng rõ ràng TQ đang từng bước mở rộng phạm vi chiếm đóng và kiểm soát trên thực tế. Và mỗi lần mở rộng như thế, họ lại tạo ra thêm sự phản ứng tiêu cực.
Nên nếu tôi là một nhà chiến lược của TQ, tôi sẽ cân bằng điều này như thế nào? Liệu việc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của VN có đáng đánh đổi lấy sự căng thẳng nghiêm trọng với Hà Nội hay không? Chúng ta đều có thể tự đưa ra câu trả lời!
Minh Ngọc (thực hiện)
Tiến sỹ Marvin C. Ott là chuyên gia phân tích chiến lược, một trong những nhà nghiên cứu Đông Á hàng đầu thế giới và là giáo sư tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Đại học John Hopkin, Đại học quốc gia về Chiến tranh. Marvin C. Ott cũng thường xuất hiện trên kênh truyền hình CNN với tư cách bình luận viên về các vấn đề của châu Á. Trước đây, ông từng là Chuyên gia phân tích cao cấp về Đông Á của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), Phó giám đốc nhân sự của Uỷ ban giám sát các hoạt động tình báo thuộc Thượng viện Mỹ. |
>> Bài liên quan: Các triều đại TQ xâm phạm Việt Nam đều bại/ VN thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?/ Kiện TQ, cơ hội thắng của Việt Nam đến đâu?/ Hồn dân tộc nghìn năm không chịu khuất!/ Biển Đông: Việt Nam chỉ có một con đường/ Trung Quốc muốn “nắn gân” lại Việt Nam
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho Fanpage của Tuần Việt Nam.