Một trong những định hướng của Nghị quyết Đảng bộ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020 là, tạo bước đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cụ thể là hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, từ các nguồn vốn của các Chương trình 135 và 30a, huyện Trà Bồng đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hàng nghìn hộ dân, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Điển hình, huyện Trà Bồng đã hỗ trợ các xã, các hộ dân thực hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả được thị trường ưa chuộng tiêu thụ, như: Chuối tiêu, thanh long ruột đỏ; cam, bưởi da xanh, bơ, dứa… Cùng với đó, huyện triển khai hỗ trợ cây, con giống phù hợp, phân công cán bộ khuyến nông triển khai tập huấn chuyển giao, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất.

{keywords}
Trà Bồng: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để sớm thoát nghèo. 

Gia đình chị Uyên, ở thôn Bình Đông, xã Trà Bình, trước đây là hộ nghèo sau khi được hướng dẫn, tham gia các khóa tập huấn đã cùng gia đình chủ động cải tạo vườn đồi hoang sơ trở thành vườn cây ăn quả xanh tốt, với đủ loại cây trồng, như mít, mãng cầu, cam, quýt, bưởi, chanh không hạt, dừa xiêm… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Uyên cho biết, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, cùng với học hỏi trên mạng và tham quan các mô hình ở phía Nam, nên gia đình chị đã chọn những giống cây ăn quả phù hợp. Cây ăn quả ở đây không những đạt năng suất cao, mà trái cây còn ngon, ngọt như các vùng chuyên canh trái cây miền Nam.

Gia đình anh Hồ Sơn, thôn 5, xã Trà Thủy cũng nhờ Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ mới thoát nghèo được cấp 6 con lợn nái và kinh phí làm chuồng trại. Đến nay, đàn lợn giống đã sinh sản, mang lại cho anh Sơn nguồn thu nhập ổn định. 

Cùng với hỗ trợ sản xuất, huyện Trà Bồng cũng chú trọng đầu tư hệ thống điện - trường - trạm - chợ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đến nay, các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn đều được bê tông hóa; 95% người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; hàng chục công trình nước sạch phục vụ cuộc sống sinh hoạt của bà con cũng được xây dựng; 74% phòng học vùng miền núi được xây dựng kiên cố…

Các chương trình chính sách tín dụng, chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cũng được tích cực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống cho bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, tổng doanh số cho vay các chương trình đã đạt gần 135 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 29,02%.

Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng cho biết, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đến nay, đời sống Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng được xây dựng, cải tạo khang trang. Huyện đã đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người về xây dựng nông thôn mới. Đó chính là tiền đề để huyện Trà Bồng tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nền kinh tế của huyện, phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện Trà Bồng thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Hồng Nhì
Ảnh: Nguyễn Hằng