Hồi đó, với nhiều người, có được chiếc xe gắn máy bình thường đi lại là chuyện không đơn giản, thì chị đã là chủ nhân của một chiếc tay ga cáu cạnh.
Rồi sau này, khi điện thoại Iphone, máy tính bảng chỉ mới loáng thoáng xuất hiện trên thị trường, chị đã sử dụng rất thạo. Tôi ghé nhà chơi, thấy mặt chị rạng rỡ, mắt long lanh, giọng đầy tự hào: "Ổng" thương chị lắm, gửi tiền về chị xài không hết. Còn thứ gì tối tân, hiện đại, "ổng" canh me vừa xuất hiện trên thị trường là mua tặng chị ngay”. “Ổng” là chồng chị, một Việt kiều Canada lớn hơn chị nhiều tuổi. Hai người quen nhau trong một chuyến “ổng” về thăm quê. Lúc ấy, dù đang có người yêu học cùng lớp nhưng biết “ổng” thương mình, chị đã chia tay người yêu.
Cưới xong, vợ chồng chị vẫn sống cảnh ai đâu ở yên đấy, chưa tính chuyện đoàn tụ. Chị nhắc chuyện vợ chồng sum họp trong những lần “ổng” về là bị cằn nhằn, bảo cứ đợi một thời gian. Không có “ổng” bên cạnh nhưng chị được bù đắp bởi một cuộc sống dư dả, tự do. Giấc mơ thời nghèo khó chị hay nghĩ đến, nay thực hiện như trở bàn tay: đưa gia đình đi du lịch khắp nơi, sửa lại nhà, mua sắm những vật dụng giá trị. Những lúc thấy trong lòng trống trải, chị khỏa lấp bằng cách tìm đến cuộc vui nơi quán xá, phòng trà, tạo thêm các mối quan hệ bạn bè. Rồi chị có thai, “ổng” lập tức về nước, phán như đinh đóng cột: “Nếu con trai, sinh xong anh đưa qua đoàn tụ”. Chị ngỡ ngàng, lờ mờ nhận ra lý do “ổng” đến với mình, nhưng chị thây kệ vì cũng… lỡ rồi.
Ảnh minh họa |
Cơ địa yếu, chị bị sẩy thai. Từ nửa vòng trái đất, “ổng” gọi về giận dữ, quy kết: “Cô ham chơi, thích đàn đúm, nhảy nhót nên con mới không “ở” được”. Cũng từ đó, “ổng” quản lý chị chặt hơn. “Chị không dám đi đâu ra khỏi nhà em à, suốt ngày quẩn quanh trong bốn bức tường để “trực” điện thoại” - chị cười héo hắt. Phải điện thoại về số máy bàn cố định, gặp vợ, “ổng” mới yên lòng và mới gửi tiền về. Mà chị thì đâu biết khi nào “ổng” sẽ gọi!
Sống như bị giam lỏng suốt bốn năm trời, với những cú gọi bất kể giữa đêm, khi mờ sáng. Rồi chị lại có thai. Con gái chào đời, nỗi lo của chị thành sự thật: “ổng” cần một đứa con trai! “Ổng” không còn nói đến chuyện bảo lãnh hai mẹ con sang đó nữa. Tiền bạc vẫn đều đặn gửi về nhưng chừng mực hơn trước. Về sau, trong những lần hiếm hoi điện thoại, “ổng” tuyệt nhiên không nhắc chuyện quay về với chị. Có lại sự tự do nhưng chị vẫn cứ sống khép kín. Phần phải chăm con nhỏ, phần chị không thấy vui nữa với những cuộc bù khú cùng bạn bè. Chị nhận ra, sau mỗi cuộc vui ấy, lòng chị thêm trống trải, cô quạnh.
“Vọng phu” phía trời Tây thêm ba năm, chị coi như “ổng” đã chết. “Chị cũng chết theo luôn rồi em” - chị khóc: “Niềm tin, nỗi trông mong vợ chồng con cái sum vầy đã tàn lụi”. Mười năm chồng vợ, số lần gặp gỡ không đủ đếm hết mấy đầu ngón tay, chị ngẫm lại, thấy thứ vật chất chị bấu víu lâu nay sao quá phù du; trong khi cảm giác đơn độc, chơi vơi, thèm khát hạnh phúc thì ngày càng đậm đặc.
Có lần, vợ chồng tôi mời chị sang chơi, bảo có món rau tập tàng mà chị thích. Ngồi dùng bữa, mặt chị rầu rầu, hỏi vu vơ: “Hạnh phúc là gì vậy bây?”, rồi tự trả lời luôn: “Như vợ chồng bây phải không?”. Hồi đó, mỗi khi gặp tôi, chị đều hãnh diện bày vẽ: “Em bỏ người yêu đi, chị nói “ổng” tìm cho một mối bên ấy. Đàn bà, phải biết đâu là phước đâu là khổ để không lầm đường lạc lối. Phải có một chỗ dựa vững chắc em ạ”. Chẳng thế, những lần lớp phổ thông tổ chức họp mặt, chị áo quần lụa là, sang trọng, nước hoa thơm phức thì ngược lại, người cũ đưa vợ đến trên chiếc xe cũ kỹ, thoạt nhìn cô ấy toát ra “mùi” vất vả, khổ nhọc. Nhiều người bạn ghé tai chị nói nhỏ: “Bà thật có phước. Nếu xưa kia bà lấy hắn, chắc cũng “thảm hại” như cô ấy, đâu được như vầy!”.
…Mới đây, chị hỏi tôi có nên ly hôn không. Nằm gác tay lên trán, chị nói vu vơ, biết cởi bỏ mối quan hệ hữu danh vô thực, cũng là biết tự tìm lấy cái phước cho mình.
(Theo PNO)