Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là một nhiệm vụ trọng tâm nằm trong khuôn khổ Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương. Đây cũng chính là cơ hội để các chủ thể, Hợp tác xã, Doanh nghiệp và Công ty phát triển các giá trị sản phẩm, tạo được thương hiệu, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở từng địa phương.

Đến ngày 31/12/2022, Trà Vinh đã có 184 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó, 09 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 38 sản phẩm đạt 4 sao; 137 sản phẩm 3 sao), của 118 chủ thể (72 hộ kinh doanh; 20 công ty, 05 doanh nghiệp; 19 hợp tác xã và 02 tổ hợp tác).

Một trong những sản phẩm OCOP của Trà Vinh

Năm ngoái, mặc dù tình hình kinh tế của tỉnh có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự chủ động của địa phương và chủ thể (Công ty, Doanh nghiệp, Hợp tác xã, THT và cơ sở,…) nên trong năm 2021 Trà Vinh có nhiều sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ngày 22/8/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1693/QĐ-UBND công nhận kết quả đánh giá, phân hạng phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2022, gồm: 28 sản phẩm, (trong đó có 07 sản phẩm đạt hạng 04 sao, 21 sản phẩm đạt hạng 03 sao) của 25 chủ thể gồm: 13 hộ kinh doanh, 05 công ty và 05 hợp tác xã, 01 tổ hợp tác và 01 doanh nghiệp.

Với kết quả trên cho thấy, sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng và có nhiều tiềm năng để phát triển, đây được xem là cơ hội mở rộng thị trường và mang lại nhiều giá trị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm OCOP được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao và 04 sao, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị từ 03 năm (36 tháng). Cũng tại Quyết định số 1693/QĐ-UBND ngày 22/8/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện một số nhiệm vụ: (1) Thực hiện công bố công khai sản phẩm và tổ chức trao Giấy chứng nhận các sản phẩm được công nhận phân hạng; (2) Hướng dẫn các chủ thể sản xuất, kinh doanh thực hiện việc sử dụng, in dán nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm được công nhận đúng quy định hiện hành; (3) Thực hiện kiểm tra sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm, đề xuất xử lý các chủ thể vi phạm sử dụng nhãn hiệu OCOP và các quy định khác của pháp luật; (4) Thông báo, hướng dẫn các chủ thể đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm theo kế hoạch và Chu trình OCOP; (5) Tổ chức nâng cấp, hoàn thiện nâng cấp, đánh giá, phân hạng sao sản phẩm theo quy định.

Dự kiến đến năm 2025, tổng sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có khoảng 30% xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, có khoảng 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…

Trong quá trình triển khai, tỉnh Trà Vinh rút ra rằng, để sản phẩm OCOP ngày càng được lan tỏa, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương. Cùng với đó cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP đến các chủ thể, Hợp tác xã, Doanh nghiệp và Công ty.

Yến Hưng