Đào tạo theo từng nhóm nghề
Tỉnh Trà Vinh hiện có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Ngoài các cơ sở đào tạo chính quy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn còn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ; các hợp tác xã,…
Trà Vinh đẩy mạnh vận động xã hội hóa trong đào tạo nghề. |
Sau hơn 09 năm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Trà Vinh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 15.310 lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 51,3 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ đào tạo cho 61 lao động khuyết tật.
Riêng nguồn vốn xã hội hóa thông qua doanh nghiệp, doanh nghiệp, làng nghề đã đào tạo thường xuyên cho hơn 48.700 lao động. Từ đó đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 45% vào cuối năm 2015 lên 57% năm 2018. Các mô hình đào tạo nghề đạt hiệu quả như: mô hình dạy nghề chăn nuôi, thú y; mô hình trồng rau màu dưới đồng ruộng tại huyện Châu Thành; các lớp dạy nghề xây dựng, may công nghiệp, sơ chế thủy hải sản…
Cụ thể, Trà Vinh đã tiến hành triển khai thực hiện các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng nhóm nghề ở địa phương, như: Mô hình dạy nghề Trồng đậu phộng, nuôi tôm sú tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang; mô hình dạy nghề Chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã của huyện Cầu Ngang, Cầu Kè; mô hình dạy nghề Trồng rau màu dưới đồng ruộng của lao động nông thôn tham gia học nghề tại xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành; đồng thời, thường xuyên cử cán bộ phòng chuyên môn theo dõi, kiểm tra các cơ sở đào tạo nhằm đôn đốc, thực hiện đúng các chính sách của hoạt động dạy nghề đối với đời sống của người lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, còn phát sóng định kỳ, mỗi tháng 02 kỳ, phát hành trên 435 cuốn cẩm nang phổ biến chủ trương chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn và các quy định pháp luật về dạy nghề; phát hành 5.000 Tờ rơi tuyên truyền và triển khai được trên 105 cuộc tuyên truyền tư vấn có hơn 5.300 lượt người tham dự.
Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%
Tuy nhiên do phần lớn người dân tộc là nghèo với cận nghèo cho nên còn gặp rất nhiều khó khăn, cho nên việc sắp xếp bố trí thời gian dạy các lớp dạy nghề cho người dân nông thôn nói chung, người Khmer nói riêng được tổ chức linh hoạt. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hiện nay mới đáp ứng đủ một số nghề, còn một số nghề đang bị bỏ trống.
Để tiếp tục nâng cao trình độ của người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Trà Vinh phấn đấu đạt chỉ tiêu tuyển sinh trình độ sơ cấp nghề và dưới 03 tháng là 2.200 lao động, qua đó, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 26,5%.
Đồng thời, đưa ra các biện pháp tổ chức thực hiện, như: kiện toàn cơ cấu, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo; tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá công tác đào tạo nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; thực hiện có hiệu quả và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương và tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được học nghề để chất lượng lao động.
Ngọc Anh