Hãy tạm rời xa chiếc điện thoại hoặc iPad để tận hưởng khoảng thời gian quý báu bên bàn ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Đó là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để tổ ấm của bạn không biến thành ‘tổ lạnh’.

Nỗi niềm ‘tổ lạnh’

Ngày nay, cảnh tượng con trẻ cắm cúi vào các thiết bị điện tử mọi lúc mọi nơi hoặc trò chuyện với người giúp việc nhiều hơn với cha mẹ, ông bà đã trở nên hết sức phổ biến. Cuộc sống càng hiện đại, thời gian cả gia đình dành cho các hoạt động chung ngày càng ít hơn.

Theo PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, để đáp ứng điều kiện cần cho sự gắn kết, mỗi thành viên cần dành ít nhất 1 giờ chất lượng mỗi ngày cho gia đình và cùng ăn tối với nhau ít nhất 3 lần/tuần. Tuy nhiên, theo một khảo sát của báo Tuổi Trẻ gần đây, có đến gần 87% trong số 38.362 độc giả không dành đủ thời gian cho gia đình, đặc biệt tới gần 57% chỉ dành dưới 20 phút mỗi ngày.

Còn với câu hỏi thời gian cho bữa ăn gia đình, trong 22.848 độc giả tham gia khảo sát, hơn 87% dành thời gian ăn tối với gia đình ít hơn 3 buổi/tuần, đáng chú ý là có tới 60% cho biết họ ăn tối với gia đình duy nhất 1 lần/tuần. Con số này cho thấy rất nhiều người đang biến tổ ấm của mình thành ‘tổ lạnh’…

{keywords}

Cần dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho các hoạt động gắn kết gia đình

Gắn kết gia đình - dễ hay khó?

“Nhịp sống hiện đại tạo nên một số ảnh hưởng tiêu cực lên sự gắn kết gia đình, tuy nhiên nếu bạn thực sự đặt hạnh phúc gia đình lên vị trí ưu tiên hàng đầu thì việc tạo ra “chất keo” gắn kết gia đình không hề khó như bạn nghĩ” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, tại các nước có chỉ số hạnh phúc cao như Hà Lan, các bậc cha mẹ luôn chủ động sắp xếp thời gian dành cho con cái, thậm chí sẵn sàng chọn làm công việc bán thời gian để có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Các số liệu thống kê cho thấy hầu hết trẻ em Hà Lan (90%) đều được ăn bữa chính cùng bố mẹ, tỷ lệ này vượt xa nhiều nước phát triển khác. Đặc biệt, ở lứa tuổi dậy thì - giai đoạn tối quan trọng trong sự phát triển tâm sinh lý - các thanh thiếu niên Hà Lan cũng thường xuyên được trò chuyện, tâm tình với bố mẹ. Ở các gia đình Hà Lan, khoảng cách giữa bố mẹ và con cái rất gần vì hầu hết mọi việc xảy ra trong cuộc sống, họ đều có thể chia sẻ cùng nhau.

{keywords}

Quan tâm, chăm sóc nhau là nền tảng của hạnh phúc gia đình

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng các gia đình Việt hoàn toàn có thể áp dụng một số bí quyết gắn kết của người Hà Lan. “Bạn không nhất thiết phải chọn công việc bán thời gian để chăm sóc gia đình như cách nhiều bậc cha mẹ Hà Lan thường làm. Tuy nhiên, hãy sắp xếp khéo léo để dành mỗi ngày ít nhất 1 giờ toàn tâm toàn ý cho gia đình. Với những gia đình bận rộn, có thể chia nhỏ 1 giờ quý báu ấy ra thành những khoảng 20 phút khác nhau. Đó có thể là 20 phút cùng nhau ăn bữa sáng, uống ly sữa trước khi rời nhà đi làm, đi học; 20 phút xem chương trình truyền hình cả nhà yêu thích sau bữa tối; hoặc 20 phút cùng bàn bạc về việc mua sắm đồ dùng gia đình hoặc kế hoạch nghỉ mát...”.

Hãy thường xuyên cùng nhau thực hành những nguyên tắc tưởng chừng đơn giản này, bạn và gia đình sẽ tìm thấy bí ẩn hạnh phúc gia đình thực sự không nằm đâu xa…


Bài trắc nghiệm tâm lý với 10 câu hỏi đơn giản được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tư vấn thực hiện sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra mức độ gắn kết hiện tại của gia đình bạn và liệu có hoạt động nào cần thiết cho sự gắn kết gia đình nhưng đã vô tình bị lãng quên trong mái ấm của mình. Làm bài khảo sát tại: http://quiz.ganketgiadinh.com/

Kim Cúc