- Viện sĩ Trần Đình Long đề nghị phải nâng cao vị trí, vai trò của Đảng, không phải chỉ chịu trách nhiệm trong Đảng mà phải là trách nhiệm trước những vấn đề lớn của đất nước.

Ngày 20/3, UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật sư, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Mỗi người dân đều phải có chỗ đứng trong Hiến pháp

Hầu hết các đại biểu đều phân tích nội dung quyền làm chủ của người dân, quyền lập hiến và các quyền tự do công dân.

GS Nguyễn Đăng Dung: Mọi người phải tìm ra chđứng trong bản Hiến pháp

GS Nguyễn Đăng Dung tha thiết, "bản Hiến pháp phải làm sao để có được sự tham gia của mọi người dân. Bởi ta phải mường tượng rằng bản Hiến pháp ra đời ngay khi chưa có chính quyền, chưa có nhà nước, không hề phân biệt gì, mọi người đều bình đẳng".

Theo ông Dung, dù nhân dân trao quyền đại diện cho QH song bởi QH đứng ở vị trí điều hành và chủ trì soạn Hiến pháp nên rất nhiều phần việc QH đã dành để viết cho chính mình. "Trong khi về bản chất thì mỗi người dân đều phải tìm ra chỗ đứng của chính mình trong bản Hiến pháp này. Bản Hiến pháp phải viết theo một cách nào đấy để thể hiện được sự đoàn kết của toàn dân", ông Dung nói.

Luật sư Lưu Văn Đạt cũng hồi tưởng lại, tư tưởng của Hồ Chủ tịch khi soạn Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định rằng dân chủ là chìa khóa của việc làm Hiến pháp.

"Dân chủ là dân làm chủ ở vị trí cao nhất. Những gì có lợi cho dân phải làm, cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Mọi người, trong đó có đảng viên, phải là công bộc của dân, nhà nước phải là của dân, do dân, vì dân. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và xem xét sửa Hiến pháp lần này phải đảm bảo điều đó", ông Đạt nhắc lại.

Ông Lưu Văn Đạt: Đảng phải hoạt động theo hệ thống pháp luật

Theo ông Đạt, Hiến pháp sửa đổi phải hết sức coi trọng định chế về dân chủ. Theo đó, ban soạn thảo không nên viết "nhà nước tạo điều kiện" mà phải là "nhà nước đảm bảo bằng pháp luật để dân thực hiện quyền dân chủ, quản lý nhà nước và xã hội bằng hai hình thức giám sát và phản biện".

Ông Đạt cũng cho rằng nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến. "QH chỉ giữ vai trò soạn thảo, còn người quyết định phải là nhân dân chứ không phải 500 đại biểu QH", ông Đạt khẳng định.

Cũng theo ông Đạt, việc Hiến pháp ghi rõ "công dân có quyền tự do ngôn luận, hội họp... theo quy định của pháp luật" thì chẳng khác nào một sự hạn chế. Bởi ghi như vậy sẽ dẫn đến những cách vận dụng khác nhau. Trong khi đáng lý ra các quyền đó sau khi đã được hiến định thì nên có các đạo luật cụ thể để áp dụng trong thực tế.

Giám sát theo luật nào?

Liên quan đến các nội dung về chế độ chính trị, ông Lưu Văn Đạt cho rằng, riêng điều 4 Hiến pháp có lẽ không nhất thiết phải đưa ra tranh luận. Mà điều quan trọng là Đảng phải định rõ những việc cần làm, còn luật pháp phải thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng theo khuôn khổ pháp luật.

"Nếu chỉ nói Đảng chịu sự giám sát của nhân dân thôi là chưa đủ. Giám sát theo luật nào, có phải theo luật Giám sát? Tôi tán thành các kiến nghị phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đã xác định vai trò lãnh đạo của Đảng với nhà nước và xã hội thì cũng phải đưa tổ chức đảng vào hoạt động theo quy định của pháp luật", ông Đạt đề xuất.

Ông Lù Văn Que nói thêm, nhân dân không bác bỏ điều 4 Hiến pháp và không phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Người dân mong muốn trong quá trình kiểm điểm phê bình và tự phê bình Đảng phải làm rõ đâu là "bộ phận không nhỏ". Nếu Đảng sửa chữa được khiếm khuyết trong nội tại thì người dân vẫn giữ niềm tin với Đảng.

Ông Trần Đình Long: Trách nhiệm của Đảng phải lớn hơn

Viện sĩ Trần Đình Long (ủy viên UB TƯ MTTQ Việt Nam) nói, "không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng trách nhiệm của Đảng phải lớn hơn. Tôi đề nghị phải nâng cao vị trí, vai trò của Đảng, không phải chỉ chịu trách nhiệm trong Đảng hay chịu trách nhiệm về những quyết định của mình mà phải là trách nhiệm trước những vấn đề lớn của đất nước", ông Long nói.

Các thành viên Mặt trận cũng tán thành đề xuất Chủ tịch nước phải đứng đầu Hội đồng Hiến pháp bởi chỉ có như vậy mới đảm bảo hiệu lực hoạt động của cơ quan này và góp phần giám sát ngược lại với QH.

Các ý kiến đóng góp sẽ được MTTQ tập hợp gửi Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng