Như VietNamNet đã đưa, khoảng 11h ngày 21/4, tại khu vực Nam Đầm Vạc, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), khi hai thợ sửa chữa điều hòa đang bơm ga vào cục nóng trên mái nhà đã xảy ra vụ nổ kèm lửa bùng phát.
Sau tiếng nổ lớn, mái tôn của ngôi nhà bị thủng, 2 người bị thương nặng. Được đưa đi cấp cứu, anh Khuất Quang Hiệu (SN 1995, trú tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã tử vong sau đó.
Lãnh đạo UBND phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho hay, quá trình bơm và sửa gas điều hòa đã xảy ra tình trạng nổ khí gas.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ xác định việc bơm ga, kiểm tra cục nóng điều hòa của kĩ thuật viên có đúng kỹ thuật hay không, nguyên nhân chính xác dẫn tới nổ có phải là nổ khí ga hay còn nguyên nhân khác để xem xét làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Đồng thời, khi xác định nguyên nhân gây ra vụ nổ sẽ là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc này.
Trường hợp vụ việc xác định có lỗi của đơn vị sử dụng lao động, vi phạm quy định về an toàn lao động khi không tập huấn nghiệp vụ, nhân viên không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo thì có thể xem xét trách nhiệm liên quan đến vi phạm về an toàn lao động.
Nếu hậu quả nghiêm trọng, có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động theo Điều 295 BLHS.
Còn trường hợp không chứng minh được lỗi của đơn vị sử dụng lao động hoặc hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng, vấn đề hình sự sẽ không được đặt ra, tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích: Cơ quan chức năng sẽ làm rõ thợ sửa điều hòa gặp tai nạn có ký hợp đồng lao động hay không, có đóng bảo hiểm hay không, để từ đó xác định quyền lợi và trách nhiệm khi tai nạn lao động xảy ra.
Trước tiên, đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ người lao động trong việc chi trả các chi phí cứu chữa, có thể hỗ trợ chủ nhà và thỏa thuận bồi thường với chủ nhà về những thiệt hại vật chất.
Trong trường hợp giữa chủ nhà và công ty này không thỏa thuận được với nhau, có thể đưa sự việc ra cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại.
Còn hậu quả của vụ tai nạn này có nghiêm trọng hay không, có lỗi của đơn vị sử dụng lao động hay không là vấn đề quan trọng để xác định vụ việc có xử lý bằng chế tài hình sự theo Điều 295 BLHS hay không.
Vẫn theo luật sư, Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ thỏa thuận giữa gia chủ và đơn vị bảo dưỡng điều hòa này được thực hiện như thế nào. Trường hợp không có thỏa thuận, thiệt hại sẽ được xác định là thiệt hại ngoài hợp đồng.
Pháp luật quy định khí ga là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà gây thiệt hại cho người khác thì dù không có lỗi vẫn phải bồi thường thiệt hại. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xác định có phải là nổ khí ga hay không, nếu làm nổ khí ga thì đây là khí ga của bên chủ nhà hay của bên bảo dưỡng điều hòa.
Nếu khí ga là do bên bảo dưỡng điều hòa mang đến, vụ nổ khí ga là do nhân viên có lỗi thì chủ nhà không phải chịu trách nhiệm, thậm chí có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do vụ nổ gây ra.
Còn trường hợp vụ nổ khí ga là do khí ga có trong cục nóng của gia chủ phát nổ gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của nhân viên sửa chữa, nhân viên sửa chữa không có lỗi, lúc này chủ nhà phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
“Đây là vụ việc hi hữu khi cục nóng điều hòa phát nổ. Việc xác định nguyên nhân không chỉ làm căn cứ để giải quyết trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan mà còn là vấn đề quan trọng để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động có thể xảy ra khi mùa nắng nóng đang đến gần”, ông Đặng Văn Cường cho hay.