*Bài viết được Dân trí lược dịch theo trải nghiệm của cây viết James Ball từ trang The Guardian.
Vào một buổi sáng thứ hai, tôi tỉnh giấc với đôi mắt lờ đờ và chuẩn bị đi làm. Lúc này, tôi nhận được một thông báo từ chiếc điện thoại của mình, cảnh báo rằng thời gian sử dụng điện thoại trong tuần vừa qua của tôi đã tăng lên 60% với mức trung bình 19 giờ 24 phút mỗi ngày.
Tôi nhìn chằm chằm vào những con số đó một lúc. Nếu một người ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại của họ chỉ là 16 giờ. Như vậy, tôi đã dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại.
Do yêu cầu của công việc, tôi buộc phải dán mắt vào màn hình điện thoại trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, hơn 19 giờ có vẻ như là mức quá nhiều. Theo như thống kê từ iPhone, trong tuần trước, tôi đã nhận được không dưới 3.845 thông báo, mở khóa điện thoại 1.635 lần. Chính vì thế, tôi đã tự nhủ rằng bản thân phải tạm ngừng sử dụng smartphone một khoảng thời gian.
Dĩ nhiên, để không ảnh hưởng đến công việc, tôi vẫn phải truy cập Internet và làm việc thông qua máy tính xách tay. Tôi đã chuyển qua chiếc Nokia 105 - một mẫu điện thoại "cục gạch". Mẫu máy này chỉ được trang bị các tính năng cơ bản như nghe gọi, nhắn tin, nghe đài FM, bật đèn pin và chơi game Snake.
Ngày thử nghiệm
Trước khi bắt đầu khoảng thời gian 2 tuần không sử dụng smartphone, tôi muốn thử nghiệm trước một ngày để kiểm tra xem tác động của nó như thế nào. Tôi vẫn mang theo chiếc smartphone bên mình, nhưng không gắn SIM và thiết lập ở chế độ máy bay.
Tôi sử dụng chiếc Nokia 105. Nó rất nhỏ gọn, kích thước chỉ bằng 1/3, trọng lượng cũng chỉ bằng 1/4 chiếc iPhone mà tôi đang dùng. Tôi phát hiện ra rằng trong suốt ngày hôm đó, tôi đã liên tục mở màn hình smartphone để kiểm tra thông báo, khoảng 30 phút mỗi lần dù không còn gắn SIM trong máy.
Ngày đầu tiên
Ngày đầu tiên trôi qua khá dễ dàng, vì tôi hầu như không rời khỏi nhà. Cuộc sống của tôi cũng không có bất cứ xáo trộn nào.
Ngày thứ hai và ba
Trong chuyến đi làm vào buổi sáng, tôi nhận ra rằng trò chơi Snake không thú vị như tôi từng nghĩ. Không có smartphone đồng nghĩa rằng không có mạng xã hội, không có báo chí trực tuyến, không có podcast, không có sách nói hay nhạc. Để giảm bớt sự nhàm chán này, tôi quyết định sẽ mang theo một cuốn sách.
Ngày thứ tư
Hôm đó, tôi có một chuyến đi chơi với những người bạn. Khi đến một quán rượu, tôi bất ngờ phát hiện ra một chiếc Nokia 105 khác đã được đặt trên bàn. Ban đầu, tôi rất muốn tìm ra chủ nhân của chiếc điện thoại này để có thể chụp một bức hình kỷ niệm.
Tuy nhiên, những người bạn tôi lại nói rằng một chiếc điện thoại nhỏ, rẻ, không có Wi-Fi hay 3G như chiếc máy mà tôi đang sử dụng có thể là thiết bị của một kẻ buôn bán ma túy. Vì vậy, họ đã kiên quyết phản đối ý tưởng chụp hình của tôi.
Ngày thứ năm
Trải nghiệm nhắn tin trên một chiếc điện thoại "cục gạch" khó hơn nhiều so với những gì tôi nhớ. Để nhập liệu được chữ "S", tôi phải nhấn số 7 liên tục 4 lần. Hệ thống tiên đoán của bàn phím T9 cũng rất kém, có vẻ như nó chưa được cập nhật kể từ năm 1999.
Ngày thứ sáu
Lần đầu tiên, tiếng chuông điện thoại của tôi vang lên trong văn phòng. Đó là nhạc chuông Nokia cũ, thứ mà đã rất lâu tôi mới được nghe. Điều này cũng khiến rất nhiều đồng nghiệp của tôi chú ý.
Ngày thứ bảy
Đến đây, tôi đã hoàn thành một nửa chặng đường. Tôi cũng nhận thấy được một số điểm tích cực như giấc ngủ của mình được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, tôi ghét việc phải rời xa chiếc smartphone của mình. Với nó, tôi có thể chia sẻ những điều thú vị hoặc ngớ ngẩn với hàng trăm người.
Ngày thứ tám
Lúc đó, tôi đang ở trong một quán rượu với một người bạn, chuẩn bị đi dự tiệc sinh nhật. Bất ngờ, nhạc chuông Nokia của tôi phát ra và nó rất lớn. Nhân viên pha chế nhanh chóng trấn an cả phòng: "Ồ vâng, xin lỗi, anh chàng đó đang sử dụng điện thoại từ những năm 1990 vì một lý do nào đó".
Ngày thứ chín
Tôi có một bữa tiệc sinh nhật gần ga Waterloo ở London. Tuy nhiên, khi đến nơi, tôi chợt nhận ra rằng mình hoàn toàn không biết vị trí chính xác của bữa tiệc ở đâu. Tôi đã phải đi vòng quanh và lang thang khoảng nửa giờ, cho đến khi tình cờ bắt gặp một người quen và được họ dẫn đến nơi.
Đây giống như một lời nhắc nhở rằng cuộc sống có thể trở nên khó khăn nếu không có smartphone. Smartphone đang ngày càng trở nên quan trọng, giúp chúng ta có thể dễ dàng giao tiếp xã hội, chỉ đường, thanh toán hóa đơn hay các chi phí khác.
Ngày thứ 10 và 11
Tôi đã nói chuyện với chuyên gia về chứng nghiện smartphone. Tiến sĩ Anna Lembke - người đứng đầu Phòng khám chẩn đoán kép tại Đại học Stanford - nói rằng chứng nghiện smartphone là hoàn toàn có thật.
"Với bất cứ một chất kích thích nào, hầu hết người sử dụng sẽ không bị nghiện. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10-15% người dùng có thể gặp rắc rối và có khả năng bị nghiện nặng. Sự bận tâm của tinh thần với điện thoại sẽ làm tăng khả năng mất tập trung và khả năng phản ứng", Lembke nói.
Ngày 12 và 13
Tôi nhận thấy bản thân có khả năng là một người nghiện sử dụng smartphone. Thậm chí, tôi cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi không có nó.
"Có những trường hợp mọi người trở nên quá phụ thuộc vào điện thoại và dẫn đến những thay đổi hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, những trường hợp cực đoan như vậy không nhiều", chuyên gia thần kinh học Dean Burnett chia sẻ.
Trong trường hợp của tôi, Burnett gợi ý rằng thuật ngữ phù hợp có thể không phải là nghiện ngập mà là sự phụ thuộc. Đối với tôi, smartphone không phải là nhu cầu, mà nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện có.
Ngày 14
Ngày cuối cùng không có gì quá đặc biệt và nó cũng trôi qua rất nhanh. Hai tuần qua, tôi có thể thấy những mặt tích cực mà tôi chưa từng có. Tôi chỉ phải sạc điện thoại ba lần trong hai tuần. Nó nhẹ và rẻ đến mức tôi có thể để nó ở bất cứ đâu mà không cần lo lắng.
Tuy vậy, tôi vẫn chỉ muốn quay trở lại cùng chiếc smartphone của mình với hàng loạt tiện ích như bản đồ, Google, khả năng nhanh chóng kiểm tra email hoặc gửi một ghi chú ngắn.
(Theo Dân Trí)