Trước kia để bổ sung nội dung cho một tựa game có sẵn, các nhà làm game thường dùng khái niệm "bản mở rộng" (expansion). Nhưng lớp game thủ ngày nay chắc hẳn cảm thấy quen thuộc hơn với thuật ngữ "DLC" - viết tắt của "downloadable content" hay "nội dung có thể tải về được". Về bản chất chúng không khác gì nhau, tuy nhiên DLC thường có dung lượng nhỏ, đa dạng và không nhất thiết phải liên quan tới cốt truyện hay gameplay của trò chơi, ví dụ như các DLC bổ sung trang phục cho nhân vật.

 

Chính vì vậy, nhiều hãng phát triển bắt đầu lạm dụng DLC như một hình thức thu lợi nhuận bằng cách phát hành càng nhiều càng tốt thay vì chăm chút cho sản phẩm chính. Thậm chí đã có trường hợp game phát hành cùng với cả DLC ngay trên đĩa, nhưng người chơi buộc phải bỏ thêm tiền mới mở khóa được phần nội dung ẩn đó.

DLC thường có giá dao động trong khoảng 10 đến 20 USD tùy thuộc vào khối lượng nội dung, còn cao hơn mức đó sẽ rơi vào tầm cỡ một bản mở rộng (expansion). Về số lượng, những tựa game bán hàng tá trang phục cho nhân vật dưới dạng DLC trong vòng đời của mình sẽ cho ra mắt khoảng vài chục DLC là nhiều nhất.

Những tựa game phát hành nhiều DLC thường bị cộng đồng game thủ nhìn vào với ánh mắt kì thị, nhưng vẫn tồn tại trường hợp ngoại lệ khi một sản phẩm đi kèm không chỉ hàng chục mà lên tới cả trăm bản DLC mà vẫn được đông đảo fan hâm mộ vui vẻ chấp nhận. Chúng ta đang nói tới dòng game mô phỏng tàu hỏa Train Simulator.

Tìm kiếm cái tên Train Simulator 2016 trên Steam, các bạn sẽ thấy nó bao gồm tổng cộng 230 gói DLC tất cả, mỗi trong số chúng còn có giá không hề rẻ chút nào khi rơi vào khoảng từ 20-40 USD. Thử đưa toàn bộ 230 DLC vào giỏ hàng với khuyến mải giảm giá đến 40%, người chơi vẫn phải bỏ ra khoản tiền chóng mặt là hơn 3000 USD (tương đương 67 triệu VND).

Danh sách DLC dài tới 3 trang của Train Simulator 2016 trên Steam.

Tại sao một tựa game có vẻ tham lam như vậy lại không hề bị cộng đồng game thủ tẩy chay? Thực chất toàn bộ số DLC này đã được phát hành trải dài xuyên suốt series Train Simulator chứ không chỉ dành riêng cho phiên bản 2016. Là một tựa game mô phỏng tàu hỏa rất chi tiết với đủ mẫu mã từ tàu chạy than cho tới siêu tốc đệm từ trường, mỗi DLC phía trên chứa một mẫu nhất định với khối lượng nội dung khá lớn, lý do mà hãng phát triển không thể đưa tất cả chúng vào trong game. Dù sao thì đối với người chơi thông thường thì nhiều khả năng những mẫu tàu mặc định là đã đủ để "nghịch ngợm" thoải mái.

 

Ngoài ra, Train Simulator không hề phát hành một phiên bản game mới hàng năm như cái tên của nó gợi ý mà thực chất, hãng Dovetail Games chỉ cập nhật chỉnh sửa lỗi, thêm vào một số tính năng mới trước khi đổi tên trò chơi thành 2015, 2016... mà thôi. Như vậy xem ra Train Simulator còn đỡ tốn kém hơn Call of Duty rất nhiều đấy chứ?

Theo Trí Thức Trẻ