Cuối năm 2011, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cho hàng ngàn giáo viên tiếng Anh (GVTA) đang dạy ở các bậc học tham dự khảo sát trình độ tiếng Anh theo chuẩn châu Âu (FCE).
Một lớp ôn thi cho giáo viên Anh văn các trường THCS, THPT do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức |
Một GVTA ở Q.5 thuộc nhóm chưa đạt chuẩn hoang mang cho biết:
“Lo lắng đầu tiên của hầu hết GV là việc đi học lại sẽ mất thời gian, gây xáo trộn đến công việc, cuộc sống. Kế nữa là chi phí khảo sát lại (hơn 40 USD/lần), chi phí học lại đều cao… Tuy nhiên, những lo lắng trên chỉ là thứ yếu so với điều tiếng của dư luận. Ngay khi vừa có kết quả, các GV ở những tổ khác đã tò mò hỏi, cô này, thầy kia có bị “out” (không đạt). Chỉ cần một vài đồng nghiệp biết “cô A. thi rớt” là học trò, phụ huynh cũng sẽ biết. Chúng tôi không trốn tránh sự thật nhưng lòng chẳng thể nào bình yên”.
Sở GD-ĐT cũng đã lường trước áp lực tinh thần đè nặng những GV chưa đạt, nên đã khẳng định tính bảo mật của kết quả.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đã chỉ đạo: các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để GV chưa đạt chuẩn tiếp tục giảng dạy nhưng được bố trí thời gian đi học nâng cao trình độ và dự thi lại cho tới khi được công nhận đạt chuẩn. Khi nhà trường nhận được kết quả thi của GV, ban giám hiệu các trường chỉ được phép thông báo trực tiếp cho GV dự thi và lưu trong hồ sơ quản lý để xếp lớp dạy cho phù hợp, không được công bố rộng rãi, không lấy tiêu chí điểm chuẩn dự thi để xếp thi đua, không làm cho những GV chưa đạt chuẩn hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín của GV.
Thế nhưng, vì sao nhiều GVTA vẫn có cảm giác mệt mỏi trong những ngày qua? Nhiều GV thắc mắc: mỗi GV có một mã số để tra kết quả, nhưng không hiểu sao chuyện rớt của họ trở thành chuyện của cả trường, khiến cho GV phải đối diện với áp lực từ phía học trò, đồng nghiệp và có cảm giác bị phân biệt đối xử.
Do phải “bảo mật thông tin” nên Sở GD-ĐT TP.HCM đã không công bố số liệu toàn thành có bao nhiêu % GVTA đạt chuẩn FCE.
Theo một nguồn tin của chúng tôi, phần lớn GV không đủ điểm vì khả năng nghe nói, đọc hiểu còn yếu.
Toàn bộ GVTA tiểu học của Q.4 tham gia đợt khảo sát chỉ có ba người đủ chuẩn. Ở Q.10, GVTA bậc THCS của toàn quận đạt yêu cầu khảo sát cũng chưa đến 10 người.
Hiệu phó của một trường THPT ở Q.Bình Thạnh lo lắng khi nghe thông tin hầu hết GV của trường đều trượt.
Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức - cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: Kết luận của đợt khảo sát cho thấy, đội ngũ GVTA của TP nắm vững chuyên môn căn bản, tuy nhiên, hai kỹ năng nghe - nói còn yếu.
Còn theo lý giải của nhiều GV, sở dĩ số GV… rụng như sung vì cách đánh giá GV bằng đề thi và tiêu chuẩn của châu Âu.
Một GV của trường THPT Trưng Vương kể: Thời gian GV phải tham gia khảo sát rơi vào cao điểm ôn tập cho HS thi học kỳ I nên nhiều GV không thể tập trung lo ôn thi.
Bên cạnh đó, lâu nay GVTA được đào tạo ở các trường sư phạm theo chuẩn khác với chuẩn của FCE, chương trình giảng dạy lại không đòi hỏi GV gắt gao về kỹ năng nghe - nói, khiến hai kỹ năng này dần dà bị mai một.
Sau đợt khảo sát, nhiều GV lo lắng: sau đợt học bồi dưỡng, nếu vẫn chưa đạt chuẩn thì liệu có bị cho thôi việc hay cắt thi đua? Nếu bị loại, cuộc sống của GV và gia đình sẽ ra sao? Ngay cả những nhà quản lý cũng có những nỗi niềm riêng, có bao nhiêu hay bấy nhiêu, vì GVTA nếu không đi dạy cũng dễ tìm việc làm khác với thu nhập cao gấp nhiều lần so với lương nghề giáo.
Cô Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cho biết: “Trường chỉ có một GV đạt chuẩn trong số ba người được khảo sát. Trong khi đó, trường có chín lớp tăng cường tiếng Anh và 28 lớp tiếng Anh tự chọn, nhưng chỉ có bốn GVTA cơ hữu, trong đó có một cô vừa nghỉ thai sản. Trường không đủ người để kham hết nên phải thỉnh giảng thêm hai GV".
Một GVTA đang giảng dạy tại Q.8 đề xuất: Chưa biết đợt khảo sát sắp tới dành cho GV chưa đạt chuẩn sẽ diễn ra khi nào, nhưng hy vọng sẽ được tổ chức vào dịp hè để GV có thời gian ôn luyện kỹ lưỡng hơn.
Ông Văn Công Sang cho biết: “Hiện Sở GD-ĐT đang tiến hành lựa chọn đơn vị đào tạo cho GV chưa đạt chuẩn với tiêu chí GV đứng lớp phải có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương, 1/3 GV đứng lớp là người bản xứ. Chúng ta bắt buộc phải đổi mới rốt ráo để nâng cao chất lượng chứ không thể làm theo kiểu cũ, GV dạy cho có dạy. Nhưng thời điểm để chấm dứt việc GV không đạt chuẩn đứng lớp chưa thể nói lúc này. Bắt đầu từ đợt tuyển GVTA tới, Sở chủ trương ưu tiên cho ứng viên có chứng chỉ FCE”.
Hiện, nhiều GV không chỉ lo lắng vì chưa đạt chuẩn mà họ còn băn khoăn với nhiều câu hỏi: đợt khảo sát kế tiếp GV phải tự bỏ tiền ra ôn tập, chi phí khảo sát cũng do GV “tự lo” hay được Sở GD-ĐT hỗ trợ? Bao giờ sẽ tiến hành khảo sát cho những GV chưa đạt chuẩn? Việc hỗ trợ cho những GV “vừa học, vừa làm” sẽ như thế nào?
Trong đợt khảo sát vừa qua, hơn 700 GVTA tiểu học tham gia kiểm tra năng lực ngôn ngữ của Anh văn Hội Việt Mỹ. Đây là bài thi xếp lớp tiếng Anh của nhà xuất bản Oxford, bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng... Bên cạnh đó, hơn 1.000 GVTA bậc THCS và THPT của một số quận dự kỳ thi chứng chỉ First Certificate in English (FCE) của Tổ chức đánh giá chất lượng thuộc Trường ĐH Cambridge tại Việt Nam (Cambridge ESOL). Theo quy định, GV bậc THCS phải đạt trình độ B2 (60-74 điểm) và giáo viên THPT phải đạt C1 (75-89 điểm) mới “đủ chuẩn”. |
(Theo Phụ nữ TPHCM)