(VietNamNet) - Đạo diễn nổi tiếng người Pháp gốc Việt nói gì về nhận xét "Rừng Na Uy" quá tập trung đến yếu tố tình dục?

Xem trước "Rừng Na Uy" qua ảnh
Rừng NaUy nóng rực!


Cảnh trong phim.

Buổi ra mắt Rừng Na Uy của đạo diễn Trần Anh Hùng tại Hà Nội tối 22/12 vừa qua thu hút sự chú ý đặc biệt của cả giới làm phim, báo giới cũng như những người yêu thích cuốn tiểu thuyết của Murakami. Sức lan toả của Rừng Na Uy đã khiến cho suất chiếu mở màn với sự góp mặt của đạo diễn Trần Anh Hùng trở nên rất nóng từ nhiều ngày trước đó. Nhiều người cố gắng để có được 1 tấm vé vào xem bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết họ đã thuộc nằm lòng.

Trước buổi chiếu, Trần Anh Hùng nhắn nhủ: "Các bạn hãy cố cười đi vì khi xem phim các bạn sẽ chẳng cười nổi đâu" để ám chỉ sức nặng của bộ phim, một câu chuyện tình đặc biệt và thê lương. Anh cũng không quên nói: "Nếu ai chưa yêu thì hãy yêu nhanh lên". Bộ phim sau đó cũng nhận được những nhận xét khác nhau. Trần Anh Hùng vừa dành cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn trước khi anh rời Hà Nội.

ĐD Trần Anh Hùng. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

- Bất cứ bộ phim được làm từ chất liệu văn học nổi tiếng đều là thách thức cực lớn với đạo diễn. Anh có nghĩ đến những thách thức mình sẽ gặp phải khi quyết định chuyển thể một cuốn tiểu thuyết đã có hàng triệu độc giả trên toàn thế giới như Rừng Na Uy
lên màn ảnh?

- Khi đọc cuốn sách, bạn có hình dung mờ mờ về cuốn phim bạn dự định làm với một bố cục nào đó. Đó là thách thức. Thách thức chính là ở việc làm phim chứ không phải là cuốn sách. Cuốn sách chỉ tạo nên nguồn cảm xúc cho mình. Có nhiều cuốn sách rất hay, đọc rất thích nhưng nó không hiện ra với những thử thách khi bạn dự định làm phim thì tôi không thích.
- Nhưng
Rừng Na Uy lại là một cuốn sách có nhiều thử thách với anh với tư cách một đạo diễn?

- Đúng vậy. Đó chính là sự thân mật giữa người đọc và người viết cũng như cuốn sách. Rừng Na Uy hết sức gần gũi. Làm sao để khi làm một cuốn phim nó tạo nên cảm giác đó, cảm giác mà mình không thể nói ra thành lời được. Bây giờ bạn đã xem phim rồi và chắc bạn nhớ sau cảnh làm tình giữa Reiko và Watanabe, Reiko cám ơn Watanabe đã trả lại cho cô khả năng tình dục để cô có thể bắt đầu một cuộc sống mới.

Sau cảnh đó, Watanabe xuất hiện trên cây và phía dưới là Reiko và Naoko. Nó tạo nên một giác rằng nhân vật đã làm hoà với đời sống để có thể tiếp tục sống, tiến tới một người khác để có thể nói Anh yêu em. Với cảnh này tôi đã phải suy nghĩ nhiều về chuyện phải quay như thế nào và lúc nào mới quay. Về mặt điện ảnh đó là một thử thách lớn.

- Anh đã mất tới 4 năm để thuyết phục nhà văn Murakami đồng ý cho anh chuyển thể cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông lên màn ảnh?

- Khi gặp Murakami, ông ta đưa ra 2 điều kiện. Thứ nhất là ông ta muốn đọc kịch bản trước và thứ hai là ông ấy muốn biết kinh phí bộ phim thế nào rồi sau đó mới trả lời. Trong thời gian đó mình phải làm việc với nhà sản xuất rồi đi gặp các đối tác xem họ có đồng ý bỏ chừng này tiền ra làm phim hay không. Khi có được con số cuối cùng rồi thì mới tới gặp nhà văn. Từ lúc bắt đầu tiếp xúc tới khi có kết quả cũng mất tới cả năm.
Sau khi đọc bản thảo kịch bản đầu tiên, Murakami viết ra rất nhiều suy nghĩ của mình về kịch bản của phim và sau đó lại đến lượt tôi viết ra những suy nghĩ của mình về những nhận xét ấy. Cuối cùng Murakami nói: Bây giờ Hùng cứ làm phim theo ý Hùng vì phim là phim mà sách là sách.
Mình chỉ mong cậu làm được một bộ phim tốt.

- Nhà văn đã xem phim của anh chưa?

- Ông ấy đã xem và rất thích.
- Buổi công chiếu phim
Rừng Na Uy của anh tại Hà Nội cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người làm phim. Sau buổi chiếu ra mắt, anh nhận được những phản hồi thế nào về bộ phim của mình?

- Chỉ có người nào thích bộ phim mới tới nói chuyện với tôi nên cũng khá là vui. Còn những người không thích phim của mình thì không có tới gặp để nói nên tôi cũng không biết. 
- Xem phim anh rõ ràng là nhân vật Midori được dành ít đất diễn hơn nhân vật Naoko. Nhiều người cũng không cảm thấy cá tính mạnh của Midori trong phim?

- Vì cô ta rất hiền và tôi cảm thấy Midori không có khả năng làm tổn thương ai. Sự mạnh mẽ của Midori được thể hiện qua lời nói. Chẳng hạn như khi cô ta nhìn thẳng vào Watanabe nói: Tớ muốn nếu cậu chọn tớ thì chỉ có tớ thôi. Cậu có hiểu tớ không? Sức mạnh thể hiện ở lời nói và ánh mắt chứ không phải cách vung tay vung chân như trong tiểu thuyết.

Tôi cho rằng Naoko và Midori chính là một người đàn bà mà Murakami đã tách ra làm hai. Midori chính là một người vợ còn Naoko không thể nào là một người vợ được. Naoko chỉ là một người tình thôi. Tình yêu rất ngắn, rất mạnh và rất độc. Nó như một loại thuốc độc vậy và người đàn ông luôn cần điều đó. Trong một người đàn bà luôn có hai tính cách như của Naoko và Midori, lúc thế này, lúc thế kia.

Đó cũng là nguyên nhân tạo nên những mâu thuẫn trong gia đình. Cảnh Watanabe và Midori nói chuyện giữa làn tuyết rơi là một đám cưới thật sự. Cảnh đó làm rõ ý Midori chính là một người vợ. Người vợ có khả năng vừa dạy người đàn ông thành chồng, vừa dạy người đàn ông thành một người cha và cũng là một người đàn bà có khả năng tha thứ. Midori có tất cả những điều đó.
- Anh hài lòng với diễn xuất của ai nhất trong bộ ba diễn viên chính?

- Tôi hài lòng về tất cả mọi người.
- Và tại sao việc chọn nữ diễn viên Rinko Kikuchi (Đề cử Oscar 2007 cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất) vào vai Naoko lại ảnh hưởng đến việc chọn các diễn viên chính còn lại trong phim?

- Vì lúc đầu tôi không nghĩ Rinko hợp với vai Naoko. Cô ta rất muốn đóng vai đó và nhiều lần xin quay thử nhưng tôi luôn từ chối. Trong thời gian đó tôi cũng mất tới cả 6 tháng đi chọn diễn viên. Phút cuối tôi thấy vẫn thiếu một diễn viên có đủ khả năng vào vai Naoko nên đồng ý để Rinko đến thử vai. Và tôi thấy cô ấy diễn thật tuyệt vời. Khi quyết định chọn Rinko, tôi phải thay thế các diễn viên khác để các nhân vật trong phim thật hài hoà với nhau.
- Rừng Na Uy cũng giống như các bộ phim trước của anh, rất được chăm chút cho từng cảnh quay. Có cảm giác anh quá chú ý đến việc tạo nên những cảnh quay đẹp và tập trung quá nhiều đến yếu tố tình dục trong phim?

- Vì thực tế câu chuyện này toàn là tình dục, từ đầu đến cuối toàn là làm tình với nhau, có cái gì khác? Làm tình với một người, làm tình với hai người, làm tình với người lớn tuổi, làm tình với người nhỏ tuổi, làm tình với một cô bé buồn, làm tình với một cô bé vui... Vấn đề chính của phim là Naoko không thể làm tình được, còn chuyện gì khác trong cuốn sách?

Còn nói đến cái đẹp. Cái đẹp trong điện ảnh là vì nó đúng, đúng với nhân vật, đúng với cảm xúc, đúng với câu chuyện, đúng với nội dung. Nó như một tiếng vang trong đó và tạo ra một cảm giác đẹp. Tôi không bao giờ quan tâm đến việc làm ra một bộ phim đẹp nhưng cái gì được đặt đúng chỗ thì nó đúng. Chẳng ai đi xem phim chỉ để xem cái đẹp cả.

- Nhưng tình dục đâu phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến bi kịch của các nhân vật trong Rừng Na Uy?

- Đó là nguyên nhân duy nhất. Watanabe yêu phải một người không có khả năng làm tình mà khổ hơn nữa là chỉ có khả năng làm tình một lần. Khi Naoko đẩy Watanabe ra và biến mất cũng chính là lúc Watanabe yêu Naoko nhất. Sau này, khi Watanabe hiểu lý do vì sao Naoko lại như vậy thì Watanabe mới cho mình nhiệm vụ cứu Naoko. Vì thế Watanabe không thể đón nhận tình yêu của Midori dành cho mình. Nếu đón nhận tình cảm của Midori thì có nghĩa là Watanabe bỏ rơi Naoko.

Khi Naoko chết, Watanabe nghĩ rằng mình không cứu được Naoko và mình có tội. Còn vấn đề của Reiko là gì? Cũng là tình dục. Khi Watanabe ngủ với Reiko là anh đã trả lại khả năng tình dục cho Reiko để cô trở lại với một cuộc đời mới, cũng là lúc Watanabe thấy lòng mình nhẹ hơn một chút. Cái Watanabe không thể làm được cho Naoko thì đã làm cho Reiko. Khi nhân vật đã làm lành với cuộc sống thì lúc đó Watanabe mới có khả năng nói với Midori rằng anh yêu cô.

Rừng Na Uy đâu chỉ có tình dục


Dịch giả Trịnh Lữ, người dịch cuốn Rừng Na Uy của Murakami sang tiếng Việt cũng có mặt trong buổi chiếu ra mắt phim. Dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ với VietNamNet về sự khác nhau giữa cuốn tiểu thuyết và phiên bản điện ảnh của phim.

Xem phim lần đầu thì cảm nhận của tôi là người làm phim có vẻ cảm nhận về cuốn sách không giống như người dịch. Tôi thấy với bộ phim này, có vẻ mọi thứ hơi đơn giản quá. Nguyên nhân dẫn đến bi kịch của các nhân vật dường như chỉ bắt nguồn từ chuyện tình dục không được thoả mãn. Trong khi đó, bối cảnh xã hội nước Nhật lúc đó đưa đến nguyên cớ nhân vật như vậy thì không thể hiện rõ.

Về xây dựng nhân vật: Naoko và Midori trong phim không như mình trông đợi. Nhân vật nào cũng có vẻ đèm đẹp, xinh xinh, vừa phải và không khác biệt về tâm lý. Nhân vật Midori trong cuốn tiểu thuyết rất hay và mạnh mẽ chứ không nhờ nhờ, mờ mờ như vậy. Naoko thì hơi già và sắc sảo hơn quá so với nhân vật được mô tả trong chuyện.

Bộ phim này cũng tập trung quá nhiều quá về mặt tình dục trong khi có những chi tiết trong truyện có thể bộc lộ tính cách nhân vật hay thì người làm phim lại không chọn. Truyện là tác phẩm văn học nên người ta cảm thụ được nhiều cái sâu sắc hơn. Trong khi xem phim lại thấy hơi bị đơn giản hoá nhiều, chưa động được đến chiều sâu của tác phẩm văn học.

Rừng Na Uy đâu chỉ có tình dục! Tôi thấy đạo diễn hơi mê mải chú tâm đến việc tạo nên những khuôn hình đẹp nên chưa làm rõ đến tính cách nhân vật. Lúc dựng lại những cảnh nóng như vậy thì hình như đạo diễn nghĩ rằng chỉ có tình dục mới cứu rỗi được người ta mà khi tiếp cận với cuốn sách thì tôi không thấy như vậy. Vì thế khi xem phim tôi thấy không thoả đáng lắm dù rằng trước khi xem phim tôi cũng không kỳ vọng nhiều.
Điểm được của phim theo tôi: Rừng Na Uy là phiên bản hình ảnh đẹp của cuốn tiểu thuyết.

Hạnh Phương