Cuộc chiến giao đồ ăn còn chưa đến giai đoạn tăng tốc thì thị trường chứng kiến một cái tên từ giã cuộc chiến là Lala, ngay trước thềm năm mới.
Ngay từ khi mới bắt đầu (cuối năm 2017), Lala đã ít nhiều gây được khó khăn cho những đối thủ như Now (vào lúc bấy giờ chưa có sự xuất hiện của GrabFood và Go-Food). Minh chứng là Now đã đưa ra một số thay đổi trong hoạt động trong khi trước đó thị trường cũng có vài cái tên giao đồ ăn khác như Vietnammm hay Loship, nhưng Now không hề bận tâm.
"Sao đổi ngôi" từ Lala sang thành Loship trên ứng dụng Momo.
Tuy nhiên, chỉ cách đây vài ngày, trang web và fanpage của Lala đều đột ngột không truy cập được. Cũng không thể tìm thấy trên các kho ứng dụng. Trên ứng dụng Momo cũng từng có thể order Lala thì nay đã có sự đổi ngôi từ Lala thành Loship.
Đến nay thì trang web của Lala đã có thể truy cập tuy nhiên không còn có thể order đồ ăn như trước nữa. Thay vào đó là trang giới thiệu về giải pháp dành cho nhà hàng. Như vậy đây là một sự thay đổi, một sự chuyển mình trước tình thế có vẻ khó khăn trước sự tấn công như vũ bão từ GrabFood và Go-Food.
Mới chỉ hoạt động vài tháng nhưng GrabFood và cả Go-Food thực sự phả hơi nóng vào các đối thủ với liên tục những khuyến mãi khủng dành cho người dùng từ 50.000 – 100.000 đồng cho mỗi đơn hàng.
Sau Lala, ai sẽ "mệt" với hầu bao tiền tấn của Grab?
Ra đời trước cả Lala, chưa từng khuyến mãi khủng kiểu đốt tiền như Lala nhưng cả Vietnammm và Loship vẫn đang âm thầm hoạt động. Điều đó cho thấy mỗi cuộc chơi đều có sân chơi đủ nhỏ, đủ riêng biệt để tránh cạnh tranh trực diện với các ông lớn.
Có lẽ sẽ tốt hơn nếu Ahamove giao đồ ăn ngay từ đầu thay vì "đẻ" thêm brand Lala vì vốn dĩ Ahamove đã và đang giao đồ ăn cho các shop
Nếu như Vietnammm vốn được cho rằng chủ yếu tập trung khai thác thị trường ngách là expat (những người làm việc văn phòng đến từ nước ngoài) thì định vị của Loship khá rõ ràng thông qua câu tagline "Mua và ship trà sữa cho bạn".
Trong khi đó, Lala đã chọn chiến thuật đối đầu trực tiếp với đối thủ mạnh. Cụ thể là họ khuyến mãi lên đến 80% cho người dùng mới, giá trị giảm tối đa là 80.000 đồng. Now cũng ra khuyến mãi tương tự và GrabFood thậm chí còn cho đến 100.000 đồng.
Hay như việc các thương hiệu như Gong Cha, Toocha, Tocotoco cứ lần lượt xoay vòng khuyến mãi khủng hết với Now thì sang Lala, hết Lala thì sang GrabFood. Với kiểu đánh này thì bên nào cũng sẽ mệt với hầu bao tiền tấn của Grab.
Chúng ta dễ dàng thấy rằng, từ ngày về với SEA, Foody (đơn vị chủ quản của Now) chưa gọi vốn thêm lần nào, thậm chí còn phải bỏ ngỏ thị trường Indonesia (Now ở Indonesia đã sáp nhập với PergiKuliner). Trong khi cả Foody khi được SEA mua lại 82% chỉ với 64 triệu USD (theo thông tin từ Deal Street Asia) còn Grab thì mỗi lần huy động tính bằng tỉ đô.
Lần huy động gần đây của Grab cũng lên tới 1,5 tỷ USD (từ SoftBank), nâng tổng vốn huy động được trong 6 năm lên 6,5 tỷ USD. Với nguồn tài chính dồi dào, chắc chắn Grab sẽ lại chơi chiêu bài cũ vốn đã thành công trong việc chặn bước Go-Viet ở thị trường 2 bánh tại Hà Nội.
Foody Indonesia sáp nhập với PergiKuliner.
Trở lại với Lala, sau sự thay đổi này nhiều khả năng là mô hình kinh doanh mới sẽ được tiếp quản bởi Ahamove bởi một số lý do: Cả hai cùng thuộc Scommerce, đơn hàng của Lala ngay từ đầu thực chất hoàn toàn được giao bởi shipper của Ahamove và khách hàng hiện có của Ahamove đa số là các cửa hàng vốn đã kinh doanh đồ ăn thức uống. Có chăng là nay họ sẽ được có thêm công cụ quản lý chuyên nghiệp hơn từ mô hình mới này.
Có lẽ sẽ tốt hơn nếu Ahamove giao đồ ăn ngay từ đầu thay vì "đẻ" thêm brand Lala vì vốn dĩ Ahamove đã và đang giao đồ ăn cho các shop.
Đại diện Lala từ chối bình luận các thông tin liên quan sự rút lui này và chỉ nói "Chúng tôi vẫn tham gia thị trường, theo một cách khác".