Hi vọng chân thật rằng Trần Đức Thảo, nhà mác-xít và nhà hiện tượng luận đặc sắc, cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa.
Trần Đức Thảo sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917 tại Thái Bình, miền Bắc Việt Nam. Năm 1936, ông sang Pháp để theo đuổi việc nghiên cứu triết học của mình. Đó cũng là nơi ông gặp Sartre, Merleau–Ponty, và Jean Cavaillès – người đã giới thiệu triết học Husserl cho ông. Năm 1941–1942, dưới sự hướng dẫn của Cavaillès, Thảo đã bảo vệ luận án thạc sĩ về phương pháp hiện tượng luận của Husserl.
Độc lập với ảnh hưởng lớn của Merleau–Ponty, Thảo đã có cách tiếp cận khác với cách thức diễn giải thông thường về hiện tượng luận của Husserl từ một học thuyết về các bản thể vĩnh hằng trở thành một luận thuyết triết học về thời gian tính, về tính chủ đích của lịch sử, và về lịch sử phổ quát. Bởi vì, như Husserl thường nói: “Cái vĩnh hằng là một thời gian tuyệt đối, chính bản thân nó chỉ là một phương thức của thời gian”.
GS Trần Đức Thảo |
Cũng vào lúc ấy, các cuộc đối thoại dài giữa Sartre vào Thảo đã diễn ra. Các cuộc đối thoại này được tốc ký lại để dùng cho việc xuất bản. Thảo đã đưa phiên bản ghi chép riêng của ông về các cuộc đối thoại này khi ông khẳng định rằng lời mời của Sartre nhằm mục đích chứng minh rằng chủ nghĩa hiện sinh có thể cùng tồn tại hòa bình với chủ nghĩa Marx trên cùng một bình diện học thuyết.
Sartre đã tối thiểu hóa vai trò của chủ nghĩa Marx tới mức ông chỉ công nhận giá trị của nó trên bình diện chính trị và lịch sử xã hội. Sartre đề xuất chia sẻ vùng ảnh hưởng giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh, theo đó chủ nghĩa Marx có giá trị trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh có giá trị triết học thuần túy.
Thảo đã cố gắng chỉ cho Sartre thấy rằng, hoàn toàn trái ngược với nhận định của Sartre, chủ nghĩa Marx có giá trị về mặt triết học khi nó đề cập đến vấn đề nền tảng của mối quan hệ giữa ý thức và vật chất. Các cuộc đối thoại này với Sartre, cùng sự sụp đổ của chủ nghĩa phát–xít Đức, đã đặt ra sự lựa chọn dứt khoát giữa chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx.
Sartre và Merleau–Ponty đã lựa chọn chủ nghĩa hiện sinh. Còn Thảo, do những định hướng hiện tượng luận của mình, đã tuyệt giao với chủ nghĩa hiện sinh qua việc xuất bản tác phẩm Hiện tượng luận và Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Cũng chính vì định hướng hiện tượng luận này, việc lựa chọn chủ nghĩa Marx đã khiến Thảo cần phải loại bỏ hình thức duy tâm và các yếu tố siêu hình trong hiện tượng luận của cả Hegel lẫn Husserl để có thể giữ lại những yếu tố có giá trị của hai truyền thống hiện tượng luận này, nhằm giúp cho chủ nghĩa duy vật biện chứng có thể kiến tạo nên một giải pháp khoa học cho vấn đề tính chủ đích của ý thức.
Phân tích của Trần Đức Thảo về hiện tượng luận của Husserl, đặc biệt là các tác phẩm cuối đời của Husserl, Khủng hoảng và “Nguồn gốc của hình học”, đã đưa Thảo tới chỗ từ chối hoàn toàn cả hai truyền thống hiện tượng luận đó. Những kết quả thực tiễn trong các phân tích của Husserl không còn phù hợp với khung lý thuyết đã hình thành nên chúng.
Ý nghĩa, vốn bắt nguồn từ cấp độ tiền ý thức, không thể là kết quả của một cái tôi siêu nghiệm – một cái tôi cấu thành nên ý nghĩa về thế giới ở bên ngoài không gian và thời gian, mà là kết quả của ý thức bị chôn vùi trong tiến trình hình thành của nó trong lịch sử. Cái tôi siêu nghiệm của Husserl thực ra là ý thức thông thường của mỗi con người ở trong kinh nghiệm thông thường của chính anh ta. Thảo chỉ ra rằng, ở điểm này, Husserl đã hoàn toàn rơi vào chủ nghĩa tương đối, khi ông phát biểu rằng: “Người thương nhân trên thị trường có chân lý riêng về thị trường của chính anh ta”.
Tư tưởng của Husserl về sự cấu thành nên thế giới cùng với sự suy ngẫm về những bản chất vĩnh hằng hóa ra là chủ nghĩa hư vô – một thứ chủ nghĩa chứa đựng sự khủng hoảng của con người phương Tây, một sự khủng hoảng mà đến lượt nó đã sản sinh ra con người phi duy lý, con người hiện sinh, những người mà tuyên bố của họ là: chỉ có một ý nghĩa về đời sống, đó là sự thiếu ý nghĩa, hay khái niệm “hiện hữu hướng tới cái chết” (being unto death) của Heidegger.
Đối với Thảo, giải pháp cho sự khủng hoảng của con người phương Tây nằm trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, do vậy phần hai của cuốn sách Hiện tượng luận và Chủ nghĩa duy vật biện chứng có tên là “Biện chứng của vận động thực tế ”.
Cái mà Thảo nhấn mạnh ở đây là, sự suy xét của Husserl cần phải được lật ngược lại, bằng cách từ bỏ chủ nghĩa hình thức mang tính duy tâm của nó, và trên cơ sở đó xây dựng một tính duy lý mới – dựa trên sự nhấn mạnh vào các nội dung cụ thể của kinh nghiệm. Mối quan hệ giữa ý thức và vật chất, hình thành một cách có chủ đích, được giải thích bằng cách dẫn chứng đến cấp độ tiền ý thức của sự trải nghiệm của ý thức, được truyền tải bởi lao động của con người.
“Khái niệm sản xuất có xem xét toàn diện đến sự bí ẩn của ý thức, bởi vì đối tượng mà lao động của con người đang tác động tới sẽ mang lại ý nghĩa cho con người với tư cách là sản phẩm của con người”. Sự hiện thực hóa ý nghĩa rõ ràng không gì khác hơn là sự chuyển dịch biểu tượng của hoạt động vật chất trong quá trình sản xuất thành một hệ thống các hoạt động có ý thức, trong đó chủ thể chiếm đoạt khách thể về mặt ý thức, nhằm tái hiện khách thể trong ý thức của chính chủ thể.
“Đây là lý do thật sự để con người, vốn đang hiện hữu trong thế giới, kiến tạo nên thế giới trong sự mãnh liệt của kinh nghiệm sống trải của chính hắn”. Và tính đúng đắn của sự kiến tạo như vậy chỉ được đo lường bởi sức mạnh thực tiễn của phương thức sản xuất tạo ra nó. Thảo lưu ý rằng, quá trình nhân hóa tự nhiên thông qua lao động là cách thức mà vật chất trở nên có một đời sống, và qua đó hình thành giá trị của con người.
Trần Đức Thảo đã thẳng thắn thừa nhận rằng một sự diễn giải về chủ nghĩa Marx trong những điều kiện của tệ sùng bái cá nhân đã nhấn chìm Hiện tượng luận và Chủ nghĩa duy vật biện chứng trong việc đặt nội dung mang tính hiện tượng luận bên cạnh nội dung mang tính duy vật một cách vô vọng, và chính nó đã mở đường cho việc quay lại chủ nghĩa nhị nguyên duy tâm.
Sau đó, trong các nghiên cứu của mình vào những năm 1960–1970, Thảo đã phát hiện ra rằng, để tránh khỏi nguy cơ nói trên, ông đã phải tối thiểu hóa vai trò của hiện tượng luận, để có thể vượt qua sự đặt kề nhau hai nội dung đó. Những bài nghiên cứu này đã hình thành nên tác phẩm chính thứ hai của ông, Những nghiên cứu về nguồn gốc tiếng nói và ý thức.
Những phân tích của Trần Đức Thảo được chia thành ba phần: (1) những nguồn gốc của ý thức thông qua động tác chỉ dẫn, (2) sự ra đời của tiếng nói và sự chế tác công cụ, và (3) chủ nghĩa Marx và luận phân tâm. Chúng ta sẽ tóm tắt hai phần đầu tiên, những nội dung này thực sự cho thấy những đóng góp đặc sắc của Thảo cho các lĩnh vực nhân chủng học, ngôn ngữ học, và tất nhiên là cả triết học.
Những nghiên cứu của Thảo về nguồn gốc của ý thức đã chỉ ra rằng ý thức phụ thuộc vào sự phát triển của tiếng nói, mà đến lượt nó, tiếng nói được hình thành bởi lao động của con người trong quá trình phát triển của các điều kiện vật chất – chính những yếu tố đã làm cho lao động cá nhân trở thành lao động xã hội.
Sự chuyển dịch từ tâm lý động vật sang ý thức của con người chịu tác động của giai đoạn Người vượn. Cái phân biệt Người vượn với động vật là dấu hiệu chỉ dẫn – cái cấu thành nên hình thái nguyên thủy của ý thức. Dấu hiệu chỉ dẫn bao gồm động tác chỉ tới một đối tượng có khoảng cách “tương đối” xa, và qua đó thiết lập mối quan hệ giữa chủ thể (Người vượn) với khách thể độc lập ở bên ngoài.
Độc giả sẽ nhận ra ở đây một biến thể của luận đề hiện tượng luận của Thảo về tính chủ đích của ý thức, một luận đề khẳng định rằng ý thức luôn luôn là ý thức về một đối tượng nhất định. Động vật không có khả năng chỉ trỏ hay chỉ dẫn bất kỳ thứ gì, bất kể khoảng cách giữa chúng với các đối tượng là gần hay xa.
Tuy vậy, ở cấp độ Người vượn, các động tác chỉ dẫn – chỉ hướng cho sự rượt đuổi trong cuộc đi săn – được sử dụng để điều phối sự vận động của nhóm trong các cuộc đi săn. Do vậy, động tác chỉ dẫn vẫn còn là một động tác mang tính tự nhiên và phi ý thức do nó chỉ xuất hiện trong một điều kiện sinh học tức thì.
Động tác chỉ dẫn mang tính phi ý thức này sẽ trở thành ý thức khi các thành viên của cuộc đi săn không những chỉ dẫn cho các thành viên khác mà còn chỉ dẫn cho chính mình, có nghĩa là động tác mang tính vật chất này đã tiến hóa từ hình thức đường thẳng (chỉ ra đối tượng cho những thành viên khác) lên hình thức đường tròn (chỉ dẫn lại cho chính mình với tư cách là thành viên của nhóm đi săn).
Do vậy, sự tương tác lẫn nhau của động tác chỉ dẫn là nền tảng không chỉ cho quá trình ý thức, mà quan trọng hơn là cho quá trình tự ý thức. Mối quan hệ vật chất khách quan của con người với môi trường bao gồm một ý nghĩa được trải nghiệm tức thì, trước khi nó phát triển thành cấp độ ý thức – một cấp độ mang hình thức tiếng nói.
Do vậy, tồn tại tiếng nói của đời sống thực tế – một thứ tiếng nói phát triển từ các điều kiện vật chất của đời sống xã hội. Tiếng nói không mang tính tùy tiện. Tiếng nói là đơn vị tạo thành ý thức. Ý thức là tiếng nói, đầu tiên là ở cấp độ tiền chủ đề, hay ý thức rõ ràng, khi kinh nghiệm sống trải về các điều kiện vật chất bị gián đoạn, qua đó tạo ra một trạng thái tạm dừng, một sự tạm dừng mà rõ ràng là đã cho phép ý thức có thể xem xét hoặc phản ánh kinh nghiệm sống trải đó.
Đối với Trần Đức Thảo, nguồn gốc của loài người, cụ thể là khoảnh khắc mà Người vượn trở thành con người, trùng khớp với quá trình chế tác dụng cụ thành công cụ. Những con khỉ thông minh nhất của loài khỉ tiến hóa nhất, ví dụ như những con tinh tinh, chỉ có thể sử dụng đôi tay của chúng, và chúng chỉ tiến hành thao tác với các đối tượng bên ngoài nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học tức thời của chúng.
Ở đây, Thảo đã chỉ ra sự khác biệt lớn đầy sống động giữa dụng cụ và công cụ. Động vật không bao giờ coi dụng cụ như là một đối tượng độc lập và ở bên ngoài chúng. Động vật chỉ hành động do nhu cầu sinh học thôi thúc, và do đó nó không thể trừu tượng hóa cái khoảnh khắc của lao động nhằm thỏa mãn nhu cầu đó thành một yếu tố trung gian giữa chính bản thân nó với cái đối tượng của nhu cầu của nó.
Cái đối tượng của nhu cầu sinh học luôn chiếm vị trí trung tâm trong trường cảm giác của động vật. Do vậy, động vật không bao giờ vượt quá cấp độ thao tác bằng tay trực tiếp và lập tức, vì toàn bộ trường vận động của nó không cho phép xuất hiện một đối tượng thứ hai, hay nói cách khác là không cho phép xuất hiện cái trung giới – yếu tố nền tảng cấu thành nên ý thức.
Tuy nhiên, đối với con người, đối tượng mà nhu cầu của con người nhắm tới đã được chuyển hóa thông qua việc chuyển hóa công cụ thành một đối tượng của lao động. Do vậy, lao động sản xuất – cái đánh dấu sự bắt đầu của hoạt động mang tính người, và qua đó là sự chuyển hóa từ tự nhiên lên văn hóa, chỉ có thể hiện thực hóa khi Người vượn vượt qua được điểm khởi đầu đơn giản. Ở trình độ này, con người có khả năng trừu tượng hóa sự tồn tại của đối tượng vắng mặt cho chính nó, đồng thời nó cũng có thể tạo ra các ý niệm và hình thức cụ thể để thao tác trên công cụ.
Sự chuyển dịch từ dấu hiệu chỉ dẫn trực tiếp của cái ở đây thành dấu hiệu chỉ dẫn gián tiếp của cái vắng mặt là hình thức đầu tiên của ý thức và sự biểu đạt ý thức. Hai yếu tố này đã “giải phóng bộ não”, giúp con người vượt qua những giới hạn của hoàn cảnh hiện tại vốn luôn giam cầm động vật.
Tuy vậy, sau một sự phát triển biện chứng nhất định, hai yếu tố đó, bên cạnh việc cho phép con người thoát khỏi hiện thực, đã giới hạn chính con người vào quá trình xây dựng biểu tượng bằng cách phủ định hiện thực của đời sống con người. Do vậy, chủ nghĩa duy tâm đã được sản sinh ra trong sự chuyển hóa của các quá trình xây dựng biểu tượng đó thành những nguyên lý, và do đó đã phủ định tính hiện thực của đối tượng. Vì thế, theo Thảo, chủ nghĩa duy tâm này một lần nữa phải được lật ngược trở lại.
Những năm sau, khi đi tới chỗ tự xem xét lại tác phẩm này, Trần Đức Thảo thừa nhận rằng ông đã bị bế tắc trong chủ nghĩa hình thức thuần túy của sự kết hợp ba chiều về “cái này” (“cái này” ở đây hoặc “cái này” vắng mặt) (ký hiệu là T) trong vận động (M) của hình thái (F). Vào cùng thời điểm đó, sự phát triển của các yếu tố này có thể đã cho phép đề cập đến sự phát triển của các cấu trúc ký hiệu khác nhau của ngôn ngữ như chúng đã bắt đầu, đối với nhân loại, hay ở một đứa trẻ.
Nhưng một sự kết hợp thuần túy máy móc, thực hiện gần như hoàn toàn ở trong đường chân trời của chủ nghĩa duy vật biện chứng, được kỳ vọng là kết nối được khoảng cách giữa động vật và con người. Do đó, Thảo kết luận rằng ông đã nhầm lẫn hai hình thức hoàn toàn khác nhau giữa sự hình thành cấu trúc bán ngôn ngữ – động tác chỉ dẫn của Người vượn, với ngôn ngữ hoàn chỉnh – vốn chỉ riêng có ở con người, trong một sự diễn giải đơn nhất và thiếu chính xác về ngôn ngữ.
Tóm lại, từ những năm 1960–1970 tới đầu những năm 1980, Thảo đã lẫn lộn giữa các dấu hiệu chỉ dẫn của Người vượn với ngôn ngữ của con người nguyên thủy, và do đó, cũng trên bình diện dấu hiệu này, ông đã bỏ qua sự khác biệt căn bản giữa con vật thông minh nhất với con người nguyên thủy nhất bằng cách quy giản tính đặc thù của ngôn ngữ con người thành sự phát triển của một sự kết hợp giản đơn giữa các dấu hiệu cảm xúc và dấu hiệu chỉ dẫn. Thảo thừa nhận rằng sự quy giản này là do chịu ảnh hưởng của siêu hình học mang tính cơ giới luận, một thứ siêu hình học từ chối sự thống nhất biện chứng của lịch sử loài người, tước bỏ nhân tính, và do đó, tước bỏ ý nghĩa thực của nhân tính ( ).
Thảo đã thẳng thắn thừa nhận rằng nghiên cứu thứ ba, “Chủ nghĩa Marx và luận phân tâm”, đã được viết ra chủ yếu dựa trên tinh thần thỏa hiệp với thời đại. Những sự kiện của năm 1968 ( ) đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới trí thức cộng sản, những người suy nghĩ một cách ngây thơ rằng luận phân tâm sẽ hứa hẹn soi sáng những bí ẩn của ngôn ngữ. Thảo đã nhanh chóng nhận ra rằng luận phân tâm sẽ không giúp được gì cho sự nghiên cứu về vấn đề hình thành câu nói có ngữ pháp.
Những hạn chế nói trên đã tồn tại trong tác phẩm Những nghiên cứu về nguồn gốc tiếng nói và ý thức. Trần Đức Thảo đã cố gắng sửa chữa sai lầm đó trong tác phẩm Hiện tượng luận và Chủ nghĩa duy vật biện chứng bằng cách tối thiểu hóa, thậm chí phủ nhận hiện tượng luận, để tiến hành phương pháp tiếp cận hoàn toàn mang tính biện chứng về nguồn gốc của ý thức, một sự tiếp cận giúp loại bỏ được chủ nghĩa chủ quan hiện tượng luận. Thảo thừa nhận, sự phủ nhận này là một sự lựa chọn để phản ứng với khuynh hướng chính trị đang giáo điều hóa chủ nghĩa Marx thông qua “cách mạng văn hóa vô sản”.
Vào thời điểm đó, Trần Đức Thảo có thể tự giải phóng mình khỏi mọi sự cấm kỵ triết học bằng cách phát triển tri thức về con người trên cơ sở phục hồi tính thống nhất biện chứng, trên cả lý thuyết lẫn hành động, đối với sự nhận thức toàn diện về lịch sử thế giới.
Trần Đức Thảo trở lại Pháp vào tháng Chín năm 1991, cư trú tại Paris để làm mới mình bằng một nghiên cứu đầy say mê, với mục tiêu thống nhất khoa học và triết học – một sự thống nhất được khởi đầu bằng những nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển của ý thức đi cùng với sử tính của thế giới. Được làm phong phú bởi những đóng góp từ các nghiên cứu về Husserl trong giai đoạn thứ ba, Thảo bắt đầu viết một cách say mê, với cảm nhận trực giác chính xác là ông còn rất ít thời gian để dành cho cuốn sách thứ ba của mình. Cuốn sách này đã không được hoàn thành, vì Trần Đức Thảo đã qua đời một cách đầy bi kịch do một cú ngã vào ngày 24 tháng 4 năm 1993. Ông thọ 76 tuổi.
Trần Đức Thảo và tôi đã cộng tác rất tích cực với nhau trong khoảng một năm, trước cái chết đột ngột của ông. Tôi đã dịch các bài nghiên cứu của ông ngay sau khi ông gửi cho tôi, với niềm hi vọng rằng cuốn sách sắp ra đời sẽ phần nào đó cải thiện tình trạng tài chính tồi tệ của ông, đồng thời là một chúc thư triết học cuối cùng mà ông để lại cho hậu thế. Chúc thư này gồm 3 tiểu luận và 2 phụ lục. Một trong những tiểu luận đó cùng với hai phụ lục sẽ được trình bày dưới đây.
Tiểu luận thứ nhất đã thiết lập một logic biện chứng đối lập hoàn toàn với logic hình thức. Sự thiết lập này khiến người ta có ấn tượng ban đầu rằng logic biện chứng mang tính đối lập cao với lối tư duy truyền thống. Logic hình thức, với nền tảng của nó là “ba quy luật của tư duy”, cho rằng khoảnh khắc hiện tại là bất động, do đó sự vận động sẽ cấu thành nên sự chuyển qua từ khoảnh khắc bất động này tới khoảnh khắc bất động kế tiếp.
Quan điểm này đã dẫn tới hệ quả là logic hình thức có thể không chính xác khi phản ánh thực tiễn, khi mà sự vận động là sự kế thừa các khoảnh khắc. Một khái niệm mang tính siêu hình như vậy về sự vật, hiện tượng sẽ là không phù hợp, vì đó là một cách suy nghĩ đặt sự vật, hiện tượng ở bên ngoài thời gian, bên ngoài dòng chảy thời gian. Để chống lại quan điểm siêu hình học sai lầm cho rằng một sự vật chỉ có thể tồn tại hoặc không tồn tại, Heraclite đã tuyên bố một điều trái ngược: “Một vật vừa tồn tại vừa không tồn tại, vì nó chuyển biến”.
Logic hình thức này, cùng với quan điểm về sự tiếp nối các khoảnh khắc của nó, cũng bị Hegel bác bỏ khi ông từ chối việc loại bỏ cái trung giới. Logic hình thức khẳng định rằng một sự vật chỉ có thể là A hoặc –A, không có cái trung giới. Hegel cho rằng vẫn tồn tại cái trung giới. A chính là cái trung giới thứ ba đó, vì A vừa có thể là A vừa có thể là – A. Do đó, A chính là cái trung giới thứ ba mà người ta muốn loại bỏ.
Công thức của Heraclite, được kế thừa bởi Hegel, “Mọi vật vừa tồn tại đồng thời vừa không tồn tại”, đã được giản lược hóa theo cách thức khiến cho công thức này tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc, vì nó khiến người ta nghĩ rằng cách thức suy nghĩ trên nền tảng của logic biện chứng sẽ đối lập với cảm quan thông thường. Do vậy, hai logic này, mặc dù đối lập nhau, phải được tổng hợp lại, để tạo ra sự cân bằng giữa thực tiễn và cảm quan thông thường.
Theo Thảo, nhiệm vụ này đã được Husserl tiếp tục, và được thực hiện bởi lý thuyết của Husserl về vận động thời gian trong Thời hiện tại sống động. Nhiệm vụ này Husserl để lại cho hậu thế hoàn thành. Nó chứa đựng sự diễn giải tổng quát mang tính biện chứng về lịch sử loài người.
Theo Husserl, thời gian thực không phải là thời gian được phân định bởi cái đồng hồ như Aristotle từng tuyên bố trong định nghĩa nổi tiếng của ông: “Thời gian là sự đo lường chuyển động, diễn ra từ thời điểm trước đến thời điểm sau”, một định nghĩa mà cho đến tận Husserl vẫn chưa từng bị thách thức.
Khái niệm thời gian của Aristotle đã tạo nên khái niệm khoảnh khắc, một khoảnh khắc bất động, và sự vận động một lần nữa trở nên khó hiểu, vì làm sao mà sự vận động có thể được hình thành bằng các khoảnh khắc bất động được?!
Ngược lại, đối với Husserl: “Cái Hiện tại đang vận động (hay là, Hiện tại sống động), là cái Hiện tại của khoảnh khắc đang chuyển động, đã từng chuyển động trong quá khứ, và sẽ tiếp tục chuyển động trong tương lai. Cái hiện tại, cái tiếp tục của quá khứ, và cái đường chân trời sống động của tương lai, cả ba cái này được phác thảo trong cái phóng chiếu vào tương lai, diễn ra một cách chủ ý ‘vào cùng một thời điểm’, cái ‘một thời điểm’ luôn vận động”.
Theo Thảo, với thời gian mang tính hiện tượng luận, thì thời gian không còn được coi là chiều thứ tư của không gian, và do đó chúng ta có thể xây dựng lại lịch sử một cách hiệu quả, trong đó lịch sử được coi như là một phép đo lường về nhân tính với tất cả sự phong phú của các quan hệ của đời sống hiện thực, thay vì coi lịch sử như là sự trừu tượng hóa các quan hệ nhân quả tuyến tính.
Do vậy, Trần Đức Thảo đã ứng dụng Lý thuyết về Thời hiện tại sống động như là một lý thuyết mà tự nó có thể bao hàm được cá nhân tính vào các khoa học, đặc biệt là sinh học.
Một lần nữa, Thảo đã phát hiện ra rằng Aristotle đã sai lầm khi ông cho rằng: “Khoa học chỉ đề cập tới cái chung, sự tồn tại chỉ đề cập tới cái riêng”. Trong suốt 3.000 năm, luận đề này của Aristotle vẫn tồn tại bền vững, khi mà khoa học về sự tồn tại của cái riêng không bao giờ được đề cập đến một cách thực sự, mặc dù ứng dụng thực tiễn của khoa học thì đã đề cập đến sự tồn tại này. Do vậy, cái chung và cái riêng cần phải được kết hợp với nhau.
Khoa học sẽ không bao giờ hiểu thấu sự tồn tại hoặc hiểu thấu cá nhân tính, khi mà cá nhân tính của sự tồn tại này bị quy giản đến mức trừu tượng. Thảo cho rằng, Hiện tại sống động là cái hiện hữu trước tiên và là nền tảng cho sự tồn tại của cá nhân tính cụ thể, vào từng khoảnh khắc, trong sự vận động của thời gian; hay là, trong sự vận động hướng nội của một khoảnh khắc cụ thể, tồn tại một quãng hướng tới sự kết thúc khoảnh khắc này, cái quãng này bao gồm chính khoảnh khắc đó trong trạng thái chuyển qua của nó tới khoảnh khắc kế tiếp.
Dấu hiệu của biện chứng nội tại của Thời hiện tại sống động có thể tìm thấy trong phân tích về sự vận động thời gian mang tính sinh học. Chúng ta sẽ không đi sâu vào sự phân tích này. Chỉ cần nhắc lại nguyên văn lời của Thảo, rằng: “Vào mỗi khoảnh khắc, khi cá nhân tính mang tính sinh học trỗi dậy như là một hệ thống các chức năng được thừa hưởng từ quá khứ, một sự thừa hưởng được hình thành bởi sự lắng đọng trong quá khứ của nó và vẫn được Hiện thực giữ lại, và tiếp tục hòa trộn với cái Bây giờ, thì cá nhân tính mang tính sinh học đó sẽ kích thích quá trình chuyển hóa chức năng trong tương lai”.
Hi vọng chân thật rằng Trần Đức Thảo, nhà mác-xít và nhà hiện tượng luận đặc sắc, cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa.
Daniel J. Herman
--
*Bài viết được trích từ sách Triết gia Trần Đức Thảo: Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm, 603-616, Nxb Đại học Huế, 2016. Bài viết do Nguyễn Trung Kiên dịch từ bản tiếng Anh “Dialectical logic as the General logic of Temporalization”. In: A–T. Tymieniecka (ed.) (2015). Analecta Husserliana, Vol. XLVI, p. 147 – 154. Dordrecht: Kluwer Academic Publishers, 1995. URL = <http://www.viet–studies.info/TDThao/TDThao_DJHerman.htm/>. Tên bài do người dịch tạm đặt.