“Nỗi sợ hãi chính là điều khó khăn nhất. Nhưng không phải vì sợ hãi mà ta không làm.” Với triết lý nghe tưởng giản dị này, Trần Lập cùng những người anh em trong ban nhạc Bức Tường đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để từng bước một trở thành ban nhạc rock thành công nhất tại Việt Nam cho tới nay.
Không ai biết phía sau những vinh quang ấy là vô vàn chìm nổi, bế tắc, có lúc suýt giải tán… cho đến khi Trần Lập chia sẻ những câu chuyện của mình trong cuốn tự truyện của anh “Bên kia Bức Tường”.
“Bên kia Bức Tường” được phôi thai từ những ghi chép vụn vặt của ban nhạc từ 18 năm trước. Có lẽ những người yêu mến Bức Tường đã từng đọc về những gian khổ phía sau ánh đèn sân khấu từ nhiều phần ghi chép “Bức Tường - Những năm tháng đẹp nhất” trên trang web của Trần Lập cũng như của ban nhạc.
Song nếu cầm trên tay cuốn sách của Nhã Nam, bạn đọc sẽ thấy được những lát cắt đó thật đầy đủ, chi tiết, là “nơi chúng tôi chấp nhận những thử thách khắc nghiệt”, đi trên con đường không hề giản đơn để tới được ngày vinh quang – Trần Lập chia sẻ. “Đối với một người nghệ sĩ cầm micro đứng trên sân khấu, anh ta cần cống hiến cho khán giả những điều tốt đẹp nhất. Còn phía bên kia là những gì chúng tôi phải vượt qua.”
Những năm tháng đẹp nhất đó – theo cách gọi của các anh – là những ngày đầu khởi nghiệp gian khổ nhất, tự thu âm, tự tìm nhà phát hành, tự làm cả những việc nhỏ nhặt như dán từng chiếc tem cho CD đầu tay của mình. Những kỷ niệm không thể nào quên là hình ảnh cả ban nhạc nằm bò ra sàn nhà để dán tem vào CD đầu tay hay “bao nhiêu buổi chầu chực, chờ đợi, hi vọng rồi thất vọng với hàng lô những cuộc hẹn hụt ở cổng VTV chờ ghi hình để phát sóng”, cả những lần ban nhạc vẫn cháy hết mình trong mưa tại những show diễn ngoài trời bất chấp nhạc cụ ngấm mưa hỏng hết “cát-xê nào cho lại?”.
Những kỷ niệm đó không chỉ như lời khích lệ với những ban nhạc rock trẻ đang kiếm tìm đường đi cho riêng mình, những người yêu rock không đủ dũng cảm để theo đuổi, mà những lát cắt đó còn là lời nhắn gửi tới tất cả các bạn trẻ, tất cả những người đang cảm thấy khó khăn trong cuộc sống hãy kiên trì trên con đường mình đã chọn, hãy tự nhủ “đường đến ngày vinh quang không còn xa vì khó khăn vẫn còn.” Nói thêm về lý do viết tự truyện, Trần Lập khẳng định: “Tôi trưởng thành hơn từ những chia sẻ của người khác. Sau hai mươi năm theo con đường âm nhạc, ngày hôm nay, sau những thăng trầm, được và mất, tôi muốn chia sẻ với mọi người con đường chúng tôi đã đi qua. Từ phía bên kia nhìn sang, hi vọng nó sẽ giúp ích cho một ai đó trên con đường theo đuổi ước mơ của mình.”
Nhưng “Bên kia Bức Tường” không chỉ là mảnh đất màu mỡ riêng cho câu chuyện khó khăn ngày khởi nghiệp, cuốn sách còn bao chứa trong mình đa dạng lát cắt cuộc sống khác không kém phần thú vị của thủ lĩnh Bức Tường. Đó là hồi ức thanh xuân của những người đã bước sang cái tuổi trung niên: Tuổi thơ thời bao cấp đặt gạch xếp hàng, nhảy tàu điện đi “chu du” khắp phố phường, hay những ngày bị nhốt một mình trong “một ngôi nhà nhiều góc khuất loang lổ”, sợ hãi “những tiếng cọt kẹt kinh dị vọng xuống từ căn gác xép lắm ngóc ngách tăm tối”. Rồi một thời sinh viên sôi nổi trong một giai đoạn đặc biệt, khi phong trào nhạc sinh viên sôi động lôi cuốn hàng triệu trái tim, là cái nôi thành hình nên ban nhạc rock chói sáng nhất.
Sau những thăng trầm trên con đường âm nhạc, nếm trải nhiều vinh quang và cay đắng, thấu hiểu bản chất hào nhoáng đôi khi giả tạo của showbiz, anh bình thản nhìn lại nhiều thất bại cũng như suy ngẫm về âm nhạc và bản chất của sáng tạo. Bằng tấm lòng của mình, anh công bằng nhìn nhận thực trạng rock Việt hiện nay cũng như kèm với đó là nỗi lòng đau đáu về tương lai của rock Việt.
Đó còn là những mảng ghép cuộc sống đầy màu sắc của riêng anh: những cung đường khám phá và trải nghiệm, thú chơi mô tô độc đáo, sở thích xăm mình bất chấp định kiến, tình yêu với café… Những mảng màu sáng tối đó tập hợp trong những trang tự truyện vẽ nên một Trần Lập chân thành, dũng cảm sống với đam mê của mình “hành động đi đến tận cùng của những khả năng thực tế” để có thể “chuyển động không ngừng và có giá trị, thay vì thụ động và nhợt nhạt sống mà thôi”.
Việt Quỳnh
Đoạn trích từ tác phẩm “Bên kia bức tường”: Tôi chỉ là người bước tới những cung đường gắn liền với những hoàn cảnh nhất định. Đi riết thành quen, thành nghiện mà không thể dừng. Loanh quanh gần nhà thì không thể có nhiều chất liệu sáng tác tốt, vốn sống không đượm thì sáng tạo chẳng đủ lập lòe. Đi để cảm nhận và gật gù trong những góc nhìn của riêng mình cho nên không chỉ để sáng tác, đi là để thực sự sống. Trong cái tư tưởng ấy, với tôi đó là sự tự do để có thêm sáng tạo. Nếu như mình dày công hiện thực hóa được ước mơ và dày công vun đắp cho sự nghiệp ấy như một công trình đã hoàn thiện, có lẽ mình sẽ tự mãn. Bo mình trong danh tiếng và những quan niệm, góc nhìn cũ kỹ thì ý tưởng rồi cũng sẽ cạn kiệt. Khi âm nhạc không còn là ước mơ duy nhất nữa rồi mà lòng vẫn muốn xây nó cao hơn thì phải đổi thay. Thay vì chỉ mãi cố công trèo hẳn lên nó, tôi phải đứng ở góc rộng ra để nhìn về. Một công trình lớn vẫn có thể thấy được từ phía xa. Ở phía ấy chắc chắn góc nhìn sẽ phải khác. Và thế là tôi lên đường. Tôi tin vào những giọt nước mắt của sáng tạo. Nó chảy ra bên ngoài hay bên trong, hình thù thế nào không quan trọng. Nó là những nỗi đau của những người chấp nhận dấn thân trong nghệ thuật. Dù đi đến sự thành công hay ngậm ngùi với kết quả không như mong đợi, họ vẫn chấp nhận với nghề nghiệp của mình. Họ có những mất mát riêng nhưng họ có những sự tự do mà những người bình thường không thể có được. Trước sau thì họ sẽ vẫn bằng mọi cơ hội để chấp nhận cuộc sống đặc biệt và để sự tự do là bản năng tự thoát ra trong sự bó hẹp của hoàn cảnh. Đứng yên trong khi vạn vật chuyển động thì khó rồi. Mỗi ngày một khác, không tìm ra sự tự do trong hoàn cảnh khó để có thể luôn mỉm cười được, thà chết còn hơn. |