Tấm HCV lịch sử

SEA Games 31 trên sân nhà, Nguyễn Đức Tuân khiến cả nhà thi đấu Hải Dương như "nổ tung" với tấm HCV đơn nam sau 19 năm chờ đợi.

Gần tròn 1 năm sau chiến tích này, bóng bàn Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn ở đấu trường SEA Games trên đất Campuchia. Lần này, chiến thắng của các tay vợt Việt Nam còn cảm xúc hơn nhiều bởi trong suốt 26 năm qua, chúng ta không thể giành tấm HCV ở nội dung đôi nam nữ.

Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc trong trận chung kết đôi nam nữ với đối thủ Singapore

Trước đối thủ mạnh Clarance Zhe Yu Chew và Jian Zeng đến từ Singapore, Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc chơi sòng phẳng, rượt đuổi tỷ số nghẹt thở. Kịch tính được đẩy lên cao khi hai tay vợt Việt Nam thua set 3 và nhiều thời điểm ở set 4 phải đối mặt với điểm set point. 

Tuy nhiên, ở thời điểm quyết định, Hoàng và Ngọc chơi bùng nổ. Khi tỷ số đang là 13/12, Trần Mai Ngọc có pha giật bóng xoáy rất hay, tạo điều kiện cho người đồng đội Đinh Anh Hoàng tung ra cú dứt điểm hiểm hóc hạ gục đối thủ, làm nên lịch sử cho bóng bàn Việt Nam với tấm HCV sau hơn hai thập kỷ chờ đợi.

Chiến thắng lịch sử của hai tay vợt Việt Nam

Như vậy, kể từ khi hai tượng đài Vũ Mạnh Cường - Ngô Thu Thủy đăng quang tại kỳ SEA Games ở Indonesia năm 1997, thời điểm Mai Ngọc còn chưa chào đời, bóng bàn Việt Nam một lần nữa ghi dấu mốc tuyệt vời.

Đinh Anh Hoàng nhảy lên ăn mừng, trong khi Mai Ngọc vẫn giữ sự điềm tĩnh quen thuộc. Cô gái mới 19 tuổi nhưng sự chững chạc và bản lĩnh khiến nhiều người phải khâm phục.

Từ nhà vô địch quốc gia trẻ nhất lịch sử tới HCV SEA Games

Tại giải bóng bàn VĐQG 2021, dù là một trong những cây vợt trẻ nhất giải đấu nhưng Mai Ngọc đã làm nên bất ngờ lớn khi lần lượt thắng các đàn chị, đàn cô trong làng bóng bàn Việt Nam, lần đầu giành ngôi vô địch đơn nữ. 

Sau SEA Games 31 giành được 2 tấm HCĐ đôi nữ và đồng đội nữ, Trần Mai Ngọc đổi màu huy chương thành vàng, và đây là thành quả xứng đáng với những nỗ lực phi thường của cô bé 19 tuổi.

Mai Ngọc tài năng và xinh đẹp

Chiến thắng càng trở nên ý nghĩa với Mai Ngọc bởi cô muốn dành tặng tấm HCV này cho thầy Vũ Mạnh Cường (huyền thoại bóng bàn Việt Nam), mẹ và đặc biệt là người bố đã mất.

Bốn tuổi, Trần Mai Ngọc cùng người em gái sinh đôi Trần Ngọc Ngà đã mồ côi cha. Ngọc cho biết mình còn không nhớ được mặt bố, nhưng sự mất mát lớn đã giúp 2 chị em có một nghị lực vượt khó đáng khâm phục.

Cả hai chị em, nhất là Mai Ngọc sớm nổi lên như những tài năng trẻ của bóng bàn Việt Nam, qua những chiến thắng thuyết phục tại các giải trẻ.

Mai Ngọc phải xa nhà từ nhỏ để theo học bóng bàn

Để rồi, chính Mai Ngọc làm nên cơn địa chấn tại giải VĐQG 2021 với ngôi vô địch ở tuổi 17, trước khi giành tấm HCV lịch sử trên đất Campuchia.

"Thực ra hồi bé tôi không thích bóng bàn. Thấy gia đình nghèo, nên các bác đưa hai chị em từ Bình Dương ra Hà Nội. Ban đầu tôi nghĩ chỉ là một chuyến đi chơi, nhưng không ngờ là theo bóng bàn chuyên nghiệp. Hai chị em khóc vì nhớ nhà. Khi đó tôi 11 tuổi", Mai Ngọc chia sẻ.

Mai Ngọc cho biết, trong suốt những năm tập luyện và thi đấu ở Hà Nội, cô và em gái chỉ được về nhà với mẹ vào dịp Tết. Mỗi lần về quê, hai chị em đều dành dụm tiền lương, tiền thưởng đưa cho mẹ.

"Bất cứ khi nào có tiền thưởng, dù ít, tôi cũng gửi về cho mẹ. Cảm giác mang tiền về cho mẹ là thấy mình đã trưởng thành hơn", Mai Ngọc cho biết.

"Tôi mong các VĐV đều luôn nỗ lực, phấn đấu rồi một ngày thành công sẽ tới. Sau SEA Games, tôi tiếp tục tập luyện để khắc phục những hạn chế của mình", tay vợt người Bình Dương chia sẻ.

Đầu tư đặc biệt cho Trần Mai Ngọc

Ông Phan Anh Tuấn - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, cho biết: “Mai Ngọc đã mạnh dạn với lối đánh thiên về tấn công để giành chiến thắng. Ở Việt Nam, nếu rụt rè thì không thể vượt qua những tay vợt kỳ cựu như Tường Giang hay Mỹ Trang.

Ưu điểm lớn nhất của Mai Ngọc chính là "mỏng" người, bộ chân rất thanh thoát giúp em di chuyển nhanh nhẹn như các tay vợt Trung Quốc.

Ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản thống nhất sẽ đầu tư trọng điểm cho Mai Ngọc, với những giải pháp đặc biệt về thầy ngoại, tập huấn thi đấu cọ xát quốc tế".