- Một ngày trọn vẹn thảo luận tổ về HP sửa đổi hôm 27/5 đã hé mở phần nào những khó khăn, vướng mắc, thậm chí là lúng túng của Ban Biên tập khi thể hiện ý chí nhân dân vào bản dự thảo trình QH.
>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp
Điều đó phần nào giúp cử tri hiểu được tại sao từ 26 nội dung để mở các phương án (dự thảo tháng 4), đến nay chỉ còn 6 (dự thảo tháng 5).
Từ chuyện quốc hiệu...
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật - Trưởng Ban Biên tập cho biết ở vấn đề tên nước, trước đây đã có giải trình “rất thuyết phục” về phương án Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý |
Qua lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhân dân và đặc biệt nhiều vị lão thành cách mạng, giới trí thức, Ban Biên tập đã quyết định trình một bản dự thảo (bản tháng 4), trong đó có hai phương án quốc hiệu tại ngay điều 1. Phương án trở lại tên khai sinh được thuyết minh, khẳng định là không hề ảnh hưởng tới định hướng XHCN mà Việt Nam đang vươn tới.
Trước đó, tại phiên họp QH chiều 20/5, ông Phan Trung Lý cho hay, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
...tới nghĩa vụ trung thành, bảo vệ của công an, quân đội
Tương tự, ở quy định về nghĩa vụ trung thành và bảo vệ của các lực lượng vũ trang, ông Lý cho biết khi dự thảo đầu tiên chính thức xuất hiện (bản trình QH kỳ họp cuối năm 2012), đã có nhiều ý kiến cho rằng không nên bổ sung chủ thể Đảng CSVN vào.
“Tôi xin báo cáo, không phải là chỉ các ý kiến phá hoại đề nghị không ghi. Ngay cả các đồng chí tướng lĩnh cao cấp, các lão thành cách mạng cũng nêu không nên thể hiện điều đó. Trước đây mình không ghi thì có ảnh hưởng gì đâu? Lực lượng vũ trang lúc nào chẳng trung thành với Đảng”, ông Lý nói.
Về lý do “đưa vào”, Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Trần Đình Nhã, cũng là thành viên Ban Biên tập, cho biết tại Đại hội XI, Cương lĩnh chính trị của Đảng được bổ sung, làm rõ thêm về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Theo đó có ý “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”, đồng thời yêu cầu xây dựng các lực lượng vũ trang “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”.
Từ điểm mới này, lập luận rằng HP phải thể chế hóa Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, một số ý kiến cho rằng cần phải diễn đạt tương ứng trong dự thảo HP (Điều 70). Thậm chí, ở dự thảo lấy ý kiến nhân dân (bản tháng 1/2013), còn thể hiện theo thứ tự Đảng trước rồi mới đến Tổ quốc, Nhà nước, nhân dân.
“Bản thân tôi không tán thành, vì HP từ trước tới nay không quy định có sao đâu. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình như vậy, nên tới dự thảo tháng 4 mới có thêm phương án giữ nguyên như HP 1992”, ông Nhã chia sẻ.
Tuy nhiên, tranh luận vẫn xoay quanh cách hiểu thế nào là “thể chế hóa”. Có người cho rằng HP là văn bản pháp lý, không nhất thiết Cương lĩnh ghi thế nào thì bệ lại y nguyên như thế, chỉ cần thể hiện đúng tinh thần là được.
“Giải thích thế rất đúng”, ông Lý nhận xét. “Nhưng nhiều ý kiến lại rất khó tính, bảo Cương lĩnh viết thế này mà anh lại viết thế kia, sao lại bỏ chữ này, không bỏ chữ kia”. Vậy là dự thảo tháng 5 lại cơ bản trở lại như ban đầu. Điều 70 được diễn đạt gần như nguyên văn Cương lĩnh.
Xin lỗi các đồng chí!
Nhiều kiến nghị của các thành viên Ban Biên tập, nhiều ý kiến của người dân chưa được tiếp thu đầy đủ vào trong dự thảo. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - cũng là một thành viên Ban Biên tập bày tỏ trong buổi họp tổ QH về HP, có mặt cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngồi ngay cạnh.
ĐBQH Trần Du Lịch và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi thảo luận tổ về Hiến pháp sửa đổi hôm 28/5 |
Ông Lịch cho biết, ông đã đề xuất và được giao thiết kế một số điều khoản nhằm tăng quyền tự chủ cho địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, tách biệt ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương để “chặt” hoàn toàn cơ chế xin - cho. Kèm theo đó là phương án thể hiện nội dung kinh tế trong HP.
“Tôi đã hoàn thành, báo cáo, lập luận đầy đủ. Thế nhưng dự thảo mới nhất không đưa vô chữ nào cả”. Ngừng giây lát, ông day dứt: “Tôi không đóng góp được chữ nào, tức là không hoàn thành nhiệm vụ, xin lỗi các đồng chí”.
Hãy kiên trì, “nói phải củ cải cũng nghe” Tham gia chỉ đạo hoặc trực tiếp xây dựng hơn 200 văn bản pháp luật, tôi thấy làm luật mà thiếu tranh luận thì không ra vấn đề được. Khi HP chưa được thông qua thì tiếp tục có ý kiến khác nhau là bình thường. Vấn đề là phải tạo ra những diễn đàn khác nhau để tranh luận, đi đến giải pháp mà mọi người có thể chấp nhận được. Dân chủ nó phức tạp như thế, và không ai có thể áp đặt quan điểm cả. Vấn đề là thuyết phục. Đảng lãnh đạo việc xây dựng HP, pháp luật là đương nhiên. Điều rất rõ là các nghị quyết, kết luận của Đảng chỉ định hướng những vấn đề lớn, quan trọng, nhưng cũng mở chứ không bao giờ khép hẳn. Kết luận hội nghị Trung ương 7 về HP cũng vậy, vẫn mở ra khả năng tiếp tục thảo luận HP cho đến tháng 10. Đã làm luật thì phải kiên trì. Phải nghiên cứu thật kỹ lý luận, tổng kết thực tiễn thật sâu sắc để mỗi kiến nghị của mình luôn kèm theo lập luận chắc chắn. Nghe thế, các nhà chính trị mới yên tâm, ủng hộ. Cũng là thành viên Ban Biên tập HP, tôi nghĩ là không nên nản chí, mà tiếp tục kiên trì, chuẩn bị kỹ lưỡng cho quan điểm, lập luận của mình. Ông cha ta có câu rất hay: “Nói phải củ cải cũng nghe”. Có người kiến nghị không được thì buồn, thất vọng. Nhưng cũng có người “thua keo này bày keo khác”. Rất mong các chuyên gia trong Ban Biên tập tiếp tục củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn, có phương pháp đúng để mọi người hiểu mình. (Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên trả lời tại buổi họp báo ngày 17/5) |
Nghĩa Nhân - Ảnh: Lê Anh Dũng