- Kể từ triển lãm đầu tiên năm 2005: “Hai giờ, Một ngày, và…”, NSNA Trần Việt Văn lần lượt  liên tiếp thực hiện các cuộc triển lãm cá nhân  ảnh nghệ thuật:  “Đạo và Đời”(1&2), “Tồn tại hay không tồn tại”, “Màu mặt trời”, “Tướng trận thời bình”, “Hà Nội động và tĩnh”…Và vào ngày 15/11/2011, tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội anh tiếp tục thực hiện “Đứt đoạn & Kết nối”, gồm 3 bộ ảnh, 3 câu chuyện về con người, về cuộc đời mang tính ý niệm giàu cảm xúc và ý nghĩa nhân văn.

Thưa anh, với triển lãm cá nhân ảnh nghệ thuật lần thứ 8 này, cảm giác của anh như thế nào?

Mỗi lần làm triển lãm là mỗi lần hồi hộp. Hồi hộp ở chỗ liệu những tác phẩm của mình xuất hiện có chia sẻ được cảm xúc với công chúng. Điều thú vị nhất là quá trình hình thành ý tưởng, thực hiện dự án và cuối cùng mấy ngày dựng triển lãm là vui nhất mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết không khí đó. Những sự điều chỉnh nhỏ nhất, về sắp xếp ảnh, trình bày ảnh để đạt hiệu quả cao nhất... Lần triển lãm nào cũng thế từ lần đầu đến lần này. Tuy vậy có 1 cảm giác tiếc nuối luôn thường trực trong tôi. Giá như các phòng triển lãm ở HN chuyên nghiệp hơn, giá như tôi có nhiều thời gian sắp xếp ảnh hơn,giá như các thợ phóng ảnh ở ta tay nghề cao hơn...

Nhưng vượt qua tất cả những điều đó, điều làm tôi luôn tự hỏi là mình có dễ dãi với một tác phẩm nào trong triển lãm không, cấu trúc tổng thể của triển lãm có rành mạch và biểu đạt thông suốt ý tưởng chung không? Chất liệu mình dùng cho triển lãm đã hợp lý nhất chưa?...

"Memory" (Kí ức - 1)

Anh có thể nói rõ thêm về ý tưởng của triển lãm qua tên :”Đứt đoạn & Kết nối”?

“ Trong  thời đại thông tin ngày nay, con người vẫn tự đặt ra những câu hỏi muôn thuở “ Chúng ta là ai?”, “Chúng ta từ đâu tới” “Chúng ta đang ở đâu?” Câu hỏi cơ bản thì không thay đổi nhưng câu trả lời lại thay đổi. Sự thay đổi của xã hội tác động đến mỗi cá nhân, gia đình, quốc gia, toàn cầu...

Nhiếp ảnh- nghệ thuật của thị giác với sức biểu đạt phong phú và đa dạng, có khả năng diễn tả những câu chuyện của cảm xúc, của ký ức, của sự tưởng tượng, của sự kết nối liên hợp và mang tính cảm giác rất trừu tượng...”

40 tác phẩm  trong triển lãm là sự kết hợp của ba bộ ảnh. “Bay on” là sự đối chiếu giữa gương mặt tượng 4 mặt Bayon luôn bí ẩn hấp dẫn du khách từ bao đời nay với gương mặt những người dân Cambodia ngày nay từ nhà sư đến người lái tuk tuk, cô vũ nữ...Liệu có gạch nối nào giữa quá khứ huy hoàng và cuộc sống còn nhiều khó khăn hôm nay. “Hơi thở”  là chân dung cận cảnh của những giây khắc thiền.  Thiền định đạt tới Xả (upekkha- tiếng Pali) là sự tĩnh lặng vô biên của Tâm, một trạng thái giúp cá nhân hiện diện trọn vẹn tất cả những kinh nghiệm khác nhau đã tạo nên thế giới và cuộc sống của mỗi cá nhân.”Ký ức”  lại là sự buông xả mà vẫn nâng niu tất cả những trải nghiệm, biến cố,sự tương phản liên tục, những thái cực của khoái lạc và đau khổ ...  mà cá nhân không thể kiểm soát được..

"Memory" (Kí ức - 2)

Ảnh ý niệm với nhiếp ảnh nghệ thuật của thế giới không mới, và đã là một xu thế trong sáng tạo, nhưng với Việt Nam thì vẫn rất mơ hồ. Anh là một NSNA có thể nói là đang đi theo xu hướng sáng tạo này. Anh nói chút về nó?

Thật ra tôi không hẳn đi theo xu hướng ảnh ý niệm (concept), vì với ảnh ý niệm ý tưởng là quan trọng nhất, còn máy ảnh chỉ là phương tiện cũng như cây bút, cái gậy... vì thế không chú trọng nhiều về chơi ánh sáng hay bố cục, tạo hình ấn tượng. Ảnh ý niệm thường là dàn dựng và theo một series thể hiện ý đồ tác giả rất rõ ràng, mạnh mẽ, nhiều khi mang tính triết lý nặng nề.

Tôi thích chụp ảnh theo những đề tài mang tính tâm linh, xã hội và không quá câu nệ hay phân định ranh giới giữa ảnh nghệ thuật hay ảnh báo chí. Tôi thích dùng chữ ảnh tài liệu và ảnh nghệ thuật và luôn có sự kết hợp chúng trong những bộ ảnh.

Cũng là một xu thế sáng tạo nghệ thuật của nhiếp ảnh thế giới, ảnh bộ- câu chuyện ảnh với nội dung mang tính toàn cầu được chú ý, nhưng ở Việt Nam thì vẫn là những ảnh đơn. Có phải vì thế mà ảnh của Việt Nam chỉ phù hợp với “sân chơi” theo kiểu FIAP, PSA…, còn khó lọt vào các cuộc chơi như IPA, PX3, Master Cup… (những cuộc chơi mà anh là người VN duy nhất đã chiến thắng)?

Không hẳn là như thế. Ảnh đơn nếu đủ sức gói gọn câu chuyện trong một khuôn hình và khoảnh khắc thì còn khó hơn ảnh bộ mà dàn trải. Ảnh bộ đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải dụng công hơn, còn ảnh đơn là sự tích tụ cảm xúc, kiến văn và kinh nghiệm nhiều khi trong một cú bấm máy.

Tuy nhiên ảnh là kể chuyện bằng hình, vì thế ảnh bộ là xu hướng chung của nhiếp ảnh đương đại khi nó kể được nhiều câu chuyện hơn, ở nhiều không gian khác nhau,  thời gian khác nhau và thể hiện được điểm nối quá khứ, hiện tại và dự báo cả tương lai.

Với nhiếp ảnh VN, những cuộc chơi của FIAP, PSA mang tính nghiệp dư nhiều hơn, là trò chơi của ánh sáng, phần mềm máy tính nhiều hơn, còn các cuộc chơi chuyên nghiệp tính mục đích rõ ràng hơn, và thực dụng hơn, nó phát hiện ra các tài năng ở các lĩnh vực riêng biệt từ ảnh thời trang, ảnh kiến trúc, ảnh tĩnh vật, ảnh báo chí đến ảnh ý niệm... 

"Sand story" ( Câu chuyện cát)

Có nhiều ngưòi nhận xét, anh là một NSNA luôn làm bất ngờ bởi những đề tài anh thực hiện rất đa dạng, và đôi khi trái ngược nhau. Một điều tò mò, anh lấy cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm của anh như thế nào?

Cảm hứng đến với tôi nhiều khi bất chợt và khó đoán định. Một lúc tình cờ trong câu chuyện với người bạn, một thoáng bắt gặp một cảnh trên phố, lúc mất ngủ nửa đêm, khi xem một bộ phim, lúc đọc một cuốn sách hay...và tôi luôn sợ đến một ngày nào đó, tôi hoàn toàn bất lực trong sáng tạo. Vì không bao giờ biết trước lúc nào ông Trời không cho mình nữa!

Không chỉ là một NSNA, anh còn là một nhà báo có thâm niên hơn 20 năm, theo anh tự đánh giá, “chất” báo chí trong các bức ảnh nghệ thuật đoạt giải thưởng quốc tế của anh bao nhiêu %?

Khoảng 30-35%

Quan điểm của anh về việc dàn dựng đối tượng- nhân vật, sự việc ảnh để chụp?


Việc dàn dựng hay chụp tự nhiên chỉ là thủ pháp, hiệu quả mới quan trọng. Tuy nhiên với ảnh báo chí thì ngoại trừ ảnh chân dung nhân vật còn tuyệt đối không được dàn dựng nhất là các sự kiện đã qua, ảnh nghệ thuật thì hoàn toàn thả sức sáng tạo, tha hồ dàn dựng miễn là chuyển tải thành công ý tưởng tác giả.Có người dàn dựng như thật, có người cố tình làm “lộ” sự dàn dựng để thể hiện một câu chuyện khác. Tất cả phụ thuộc vào tạng người, có tác giả thích dàn dựng, có người sở trường chụp tự nhiên...

Ảnh nghệ thuật của VN đoạt giải trong nước mấy năm gần đây thường hay bị “kêu” là kém chất lượng hoặc gây tranh cãi về vấn đề học thuật, Anh là một thành viên trong Ban Lý luận- Phê bình của Hội NSNA VN, ý kiến của anh thế nào?


Chuyện tranh cãi sau các cuộc thi là bình thường. Không bình thường là có những tranh cãi vô bổ, và không đi đến đâu. Chưa kể có những tranh cãi vì đố kỵ ghen ghét. Nguyên nhân sâu xa là thí sinh dự thi chưa phục ban giám khảo vì có những thành viên giám khảo chụp có khi chưa bằng thí sinh, kiến thức chuyên môn về nghề cũng không sâu đã thế có khi còn không công tâm. Việc thẩm định ảnh cũng có vấn đề khi nhiều ảnh đoạt giải cũ kỹ theo lối mòn thể hiện tư duy bảo thủ cả ở thí sinh và giám khảo.

"T - Bayon"

5 câu hỏi ngắn với anh:

1- Máy ảnh anh đang dùng? Máy ảnh Nikon D3
2- Anh thường chụp với ống kính nào? Ống kính góc rộng và ống Macro
3- Đối tượng chụp nào cho anh hứng thú? Con người, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, miễn là hay!
4- Đề tài hiện tại anh đang “theo”? Vẫn là nhà sư và tướng trận
5- Năm 2012 sẽ là triển lãm mang chủ đề? Giấc mơ giữa ban ngày

Cảm ơn anh. Chúc triển lãm của anh thành công.

Việt Văn là nhiếp ảnh gia VN duy nhất và đầu tiên 3 năm liền đoạt giải Giải thưởng nhiếp ảnh Paris (Prix de la Photographie, Paris- Px3) , 3 năm đoạt bằng danh dự  Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế (International Photography Awards, Mỹ), giải nhất ảnh báo chí (Editorial and Curent Affair)  Annual Pollux Award của Worldwide Gala Photography Awards (Anh), giải nhì “Con người và chân dung” của Art around the world (Anh),  và 2 lần lọt vào shortlist cuộc thi  sáng tạo quốc tế London (London International Creative  Competion)

Đạo diễn điện ảnh, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đã viết về ảnh của Việt Văn : “Mỗi triển lãm ảnh của Việt Văn thể hiện một chủ đề xã hội và ý tưởng sáng tạo khác nhau, nhưng những tác phẩm thành công hấp dẫn nhất của anh luôn luôn là những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc sẻ chia, va đập giữa hai thế giới, hai mối bận tâm, hai cách nhìn đời, hai luồng suy nghĩ, hai tư cách của người giương ống kính.Đặt ống kính trong khoảng giữa Đạo và Đời,  giữa nghệ sĩ và nhà báo Việt Văn đã nhuốm màu thiền cho những bức ảnh tự nhiên, không bày đặt của mình”.


  • Hoàng Nam