Không phải bác sĩ, chỉ đơn giản là dân buôn bán gà, nhưng nhiệt kế lúc nào cũng kè kè bên mình 24/24 giờ vì bất an. Thậm chí, vào mùa dịch, chẳng may gia đình có người bị sốt, cả nhà phải thức trắng đêm đo nhiệt độ cơ thể liên tục. Cứ nghe tin có người tử vong vì cúm gia cầm là cả nhà mất ăn, mất ngủ.

Sống trong cảnh bất an

Mặc dù sống trong gia đình có 3 đời làm nghề buôn gà, đến đời mình cũng đã có gần 30 năm kinh nghiệm, song, bà Nguyễn Thị Cúc vẫn không thể quen được với tình huống mỗi khi gia đình có người bị sốt hay bị cúm.

Bà Cúc tâm sự, vợ chồng bà buôn bán gà tại chợ đầu mối đã mấy chục năm nay, mỗi ngày xuất bán từ 1,5-2 tấn gà.

Bà phải tiếp xúc với đủ loại gà, từ gà ta thả vườn, gà công nghiệp lông màu, gà công nghiệp lông trắng cho đến gà thải loại nhập từ các trang trại trong nước, thậm chí cả gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc.

{keywords}

Dân buôn gà có thể kiếm được khoản tiền lãi lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm

Thỉnh thoảng, thấy vài con gà trong đàn lăn ra chết bất thường, bà tiếc của lại đi nhặt nhanh để đem thịt bán riêng.

Đều như vắt chanh, cứ chiều chiều bà cùng chồng mình chạy xe ô tô đến trại bắt gà, sau đó qua chợ đầu mối đổ buôn cho các mối nhỏ lẻ. Ngày nào cũng như ngày nào, mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ vợ chồng bà phải ăn ngủ chung với các loại gà.

"Nghe nói chuyện buôn gà có vẻ đơn giản vậy thôi nhưng dân buôn như bà cũng phải đánh cược cả mạng sống của mình. Nhiều khi sợ chết mà mất ngủ trắng đêm", bà Cúc nói. Hiện cả nước không có dịch cúm H5N1 (cúm gà) thì tinh thần của bà thoải mái hơn. Tuy nhiên, mỗi khi nghe tin có dịch, ở bất cứ địa phương nào, thì cả nhà bà lại sống trong cảnh bất an.

Những ngày như thế, với bà, nhiệt kế luôn là vật bất ly thân. Bà đem nó bên mình 24/24 để cặp nhiệt độ cơ thể theo giờ, bởi cúm gia cầm rất dễ lây từ gà sang người khi tiếp xúc nên bà rất cảnh giác.

"Như hồi năm 2014, dịch cúm gia cầm H7N9 bùng phát tại Trung Quốc. Đúng thời điểm đó, con gái tôi bỗng sốt cao 3 ngày liền khiến vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ, người ngợm hao tọp đi vì sợ nhiễm cúm gia cầm và hậu quả xấu nhất có thể. Nhất là khi lần đó, vợ chồng tôi lại đánh buôn các loại gà thải loại từ các tỉnh biên giới gần Trung Quốc về nên càng lo sợ. Thật may, bác sĩ kết luận cháu chỉ bị sốt virus bình thường ", bà Cúc nhớ lại.

Song, bà Cúc thừa nhận, cả gia đình bà luôn sống trong cảnh bất an, ai cũng sợ chẳng may bị lây bệnh cúm gà.

"Mọi người trong nhà sợ đến mức tự lên mạng tìm hiểu và học thuộc lòng những biểu hiện của cúm gia cầm H5N1,cúm H7N9 ra sao, người tiếp xúc với gà như thế nào sẽ dễ bị lây nhiễm,... và ghi nhớ tất cả những kiến thức đó giống như một bác sỹ vậy", bà chia sẻ.

{keywords}

Song, họ luôn phải sống trong lo lắng, bất an mỗi khi dịch cúm gia cầm xảy ra

Lãi vài triệu/ngày

Bà khẳng định, dù có phải sống trong bất an, lo lắng nhưng gia đình bà vẫn trung thành với nghề buôn gà đã thành truyền thống.

Bà kể, thời ông bà, bố mẹ của bà không học hành gì, chỉ dựa vào việc buôn bán gà nhỏ lẻ tại chợ dân sinh, song, mỗi ngày cũng kiếm đủ để nuôi cả đàn con, tậu được nhà, được xe ở Hà Nội. Đến đời bà, khi nối nghiệp gia đình, bà mạnh dạn đầu tư tiền mua chiếc xe ô tô tải cỡ nhỏ để thuận tiện cho việc buôn bán tại chợ đầu mối.

Công việc đến nay ngày càng thuận lợi. Mỗi ngày, trung bình vợ chồng bà xuất buôn 1,5-2 tấn gà tuỳ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của các mối nhỏ lẻ. Khoản lợi lãi kiếm được cũng lên đến vài triệu/ngày.

"Tính ra một năm, vợ chồng tôi cũng kiếm được tỷ đồng từ việc buôn gà. Cũng từ đó, tôi mua được đất nhà, sắm xe ô tô, cho các con học hành và vẫn cất ra được khoản tiền tiết kiệm không hề nhỏ", bà Cúc tiết lộ.

Thừa nhận điều này, chị Bùi Thị Tuyến ở Thường Tín (Hà Nội) cũng chia sẻ, chị đã theo nghiệp buôn gà được 15 năm nay. Mỗi tháng, gia đình chị kiếm được vài chục triệu.

Chị Tuyến kể, lúc mới theo nghề, thấy ngày nào cũng kiếm được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng chị thấy vui, bởi buôn gà tuy vất vả nhưng so với đi phụ hồ thợ xây thì nhàn hơn gấp cả chục lần.

Tuy nhiên, buôn gà được một thời gian, thấy thông báo có vài tỉnh xuất hiện cúm gia cầm có nguy cơ lây sang người, chị mới giật mình. "Những lần như vậy, để đảm bảo an toàn cho hai đứa con, tôi đều phải sơ tán chúng lên nhà ông bà nội ngoại một thời gian để phòng tránh, khi nào thông báo hết ổ dịch lại đưa các con về nhà".

Chị Tuyến nghĩ, nghề nào cũng có cái giá của nó. Để kiếm được một nghề có thể đem lại thu nhập đến vài chục triệu mỗi tháng như thế này không dễ nên dù có nguy hiểm cũng phải chấp nhận, sống chung với sự lo lắng.

Như Băng