Sự thiếu hụt chip không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Ngay cả hệ máy console PS5 của Sony, Xbox Series X của Microsoft hay các dòng card đồ họa Nvidia cũng gặp phải tình trạng tương tự. Qualcomm, nhà cung cấp chip smartphone lớn nhất thế giới, hiện tại vẫn không thể có đủ bộ vi xử lý để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất điện thoại di động hạ nguồn.

{keywords}
Cristiano Amon, Chủ tịch Qualcomm, sẽ giữ chức CEO vào tháng 6 tới.

Đối với Cristiano Amon, CEO sắp tới của Qualcomm, tình trạng thiếu chip là vấn đề đáng lo ngại hơn so với các đối thủ cạnh tranh hoặc nhu cầu tiêu dùng yếu đối với điện thoại di động 5G. Gắn bó với Qualcomm từ năm 1995 và giữ chức Chủ tịch vào năm 2018, người đàn ông 50 tuổi này sẽ tiếp quản vị trí của Steve Mollenkopf vào tháng 6 năm nay, trở thành CEO thứ 4 trong lịch sử 36 năm của Qualcomm.

Trên cương vị mới, Amon gánh trách nhiệm nặng nề, không chỉ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu mảng chip điện thoại thông minh của Qualcomm mà còn cho phép công ty mở rộng sang lĩnh vực mới thông qua công nghệ 5G.

Thức trắng đêm vì tình trạng thiếu chip ngày càng nan giải

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Amon nói rằng nếu có điều gì khiến ông thức trắng đêm thì đó là một cuộc khủng hoảng nguồn cung trong ngành bán dẫn. Nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm công nghệ là rất mạnh, nhưng chuỗi cung ứng chất bán dẫn chưa sẵn sàng. Amon cho rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung chip có thể kéo dài đến cuối năm 2021.

Năm ngoái, đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, người dân giãn cách ở nhà và ngừng mua sắm. Nhiều nhà máy lần lượt dừng sản xuất, các công ty cắt giảm đơn đặt hàng. Tuy nhiên, dịch bệnh dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu thị trường đối với một số sản phẩm, vượt quá mong đợi, đặc biệt là thiết bị dùng cho công việc gia đình và học trực tuyến tại nhà.

Cristiano Amon mô tả hiện tượng này là "sự phục hồi hình chữ V", nơi doanh số bán hàng giảm mạnh, sau đó nhu cầu nhanh chóng tăng trở lại. Tuy nhiên, các nhà sản xuất linh kiện vẫn chưa chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường. Từ lâu, ngành công nghiệp ô tô đã áp dụng hệ thống "just-in-time" (để giảm thiểu thời gian tồn kho phụ tùng) trong sản xuất. Khi đại dịch xảy ra, các nhà sản xuất cắt giảm đơn đặt hàng và nhận thấy rằng nguồn cung các bộ phận bị thiếu trầm trọng khi nhu cầu tăng trở lại.

Bob O'Donnell, nhà phân tích tại Technalysis, một công ty nghiên cứu thị trường công nghệ, cho biết trong vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều sản phẩm chuyển sang kỹ thuật số, ô tô là ví dụ điển hình nhất, khiến nhu cầu về chất bán dẫn tăng vọt. Tất cả yếu tố cộng lại với nhau đã gây ra một "cuộc khủng hoảng đáng kinh ngạc" trong chuỗi cung ứng chip. Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội, tất nhiên là bao gồm cả điện thoại di động.

Qualcomm sẽ không xây dựng nhà máy sản xuất chip

Nếu thiếu nguồn cung, tại sao không xây dựng nhà máy sản xuất chip mới để tăng sản lượng? Tuần trước, Tổng thống Mỹ Biden thông báo sẽ xem xét lại chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn trong vòng 100 ngày tới, đồng thời chuẩn bị phân bổ 37 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Ông Biden cho rằng tình trạng thiếu chip gần đây đã buộc ngành công nghiệp ô tô phải thực hiện cắt giảm sản lượng, dẫn đến việc người lao động phải rút ngắn thời gian làm việc. Đối với lĩnh vực sản xuất chip, vấn đề lớn nhất là phải đầu tư hàng chục tỷ USD xây dựng các nhà máy mới và năng lực sản xuất không thể xây dựng trong một sớm một chiều. Ngoài ra, một số bộ vi xử lý tiên tiến mà Mỹ cần được sản xuất ở khu vực hải ngoại.

Kể cả Qualcomm, hầu hết các công ty phát triển chip đều không tự sản xuất. Họ chủ yếu làm công việc thiết kế, sau đó giao cho những công ty chuyên xưởng đúc như Samsung Electronics và TSMC. Kế hoạch thúc đẩy sản xuất chip của chính quyền Biden không có hiệu lực ngay lập tức. Amon cho biết để xây dựng một nhà máy sản xuất chip hoàn toàn mới phải mất từ ​​một năm đến một năm rưỡi. Để giải quyết khủng hoảng nguồn cung vẫn phải dựa vào năng lực của các xưởng đúc bán dẫn hiện có.

CEO kế nhiệm của Qualcomm xác nhận sẽ không xây dựng nhà máy sản xuất chip. “Chúng tôi rất giỏi trong việc thiết kế chip và những cải tiến công nghệ mới, nhưng sản xuất chất bán dẫn là một lĩnh vực chuyên môn hoàn toàn khác”, Amon nói. Về định hướng chiến lược sau khi phụ trách Qualcomm, ông nhấn mạnh 3 điều quan trọng nhất là “5G, 5G và 5G”.

Cristiano Amon khẳng định 5G là một trong những cơ hội quan trọng nhất mà Qualcomm có được trong lịch sử. Thực tế, 5G sẽ là đích đến của Qualcomm, bao gồm nhiều lĩnh vực như robot công nghiệp, thành phố thông minh, truyền thông không dây, laptop, ôtô…

Trước khi giữ chức Giám đốc điều hành, Among chính là người quyết định mua lại Nuvia, một công ty khởi nghiệp bán dẫn do các cựu giám đốc điều hành của Apple thành lập với giá đàm phán lên tới 1,4 tỷ USD. Qualcomm có kế hoạch triển khai CPU của Nuvia vào nhiều sản phẩm, chẳng hạn như chipset smartphone, bộ vi xử lý máy tính xách tay và linh kiện ô tô.

Ngoài ra, Qualcomm cũng sử dụng công nghệ của Nuvia thiết kế các lõi xử lý mới nhằm chuẩn bị cho nhiều công nghệ mới trong tương lai.

Phong Vũ

Trung Quốc có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt chip trên toàn cầu

Trung Quốc có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt chip trên toàn cầu

Theo nhận định của một nhà phân tích từ Ngân hàng đầu tư China Renaissance, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc - SMIC có thể hưởng lợi từ tình trạng thiếu chip đang diễn ra trên toàn cầu.