- Trò chuyện về các con, Trang Hạ dường như ít hơn sự cứng rắn của một người phụ nữ ý thức được giá trị của một nửa thế giới. Thay vào đó là sự tinh tế trong cảm nhận từng biến đổi của các con khi chúng lớn lên từng ngày. Trang Hạ tâm sự: mỗi ngày, các con lại dạy cho mình một điều mới mẻ về làm mẹ!

Một “lệnh” của các con Trang Hạ được “ban hành” trong nhà

Bí quyết làm mẹ

Với khả năng cảm nhận tinh tế sẵn có, khi làm mẹ, Trang Hạ cũng có những “phát hiện” về trẻ con và chị bắt đầu quá trình học làm mẹ từ đó.

Hồi bé con nhà chị mới chào đời, bé ốm khá nặng và phải nằm trong lồng kính của bệnh viện. Thương con, xót xa con vừa ốm mệt, vừa khát sữa, nhưng Trang Hạ chỉ biết đứng bất lực nhìn con khóc bên ngoài cánh cửa phòng bệnh nhân. Dù chị có năn nỉ thế nào, nước mắt ngắn dài ra sao, bác sĩ cũng kiên quyết không cho chị vào với con. Lúc này, bà mẹ trẻ chỉ còn biết … khóc cùng con. Mỗi ba tiếng đồng hồ, khi được vào phòng cho con bú 15 phút, chị mới an ủi được bé phần nào.

Nhưng cũng từ đó mà Trang Hạ phát hiện ra bí quyết làm mẹ: “Mấy ngày đầu, bé khóc dữ lắm. Nghe tiếng con là mình chỉ biết đứng khóc theo. Nhưng may mắn nhờ bác sĩ kiên quyết, những ngày sau mình thấy bé ít khóc hơn và dần dần chịu nằm ngoan khi không có mẹ. Từ đó, khi về nhà, bé không quấn mẹ, không mè nheo và biết tự chơi khi mẹ bận việc.”

 “Nhiều đứa trẻ chỉ cần “e” một tiếng là được thỏa mãn. Thậm chí trẻ con chưa cần nói lên nó cần gì, ông bà bố mẹ đã đón ý con và đáp ứng ngay cho trẻ điều ấy. Con mình thì không. Nhưng từ đó mà mình biết cách để không thỏa hiệp với con.”

Bé gái lớn nhà chị đã học được tính tự lập từ lần đó. Về sau này, Trang Hạ kể lại, chị đã mạnh mẽ hơn mỗi lần nghe con khóc, vòi vĩnh thứ gì đó. Trước khi khước từ đòi hỏi của con hay mắng phạt con, không bao giờ chị áp đặt câu nói “Không được!” một cách vô lý. Cái lý của mình luôn được chị giải thích rõ ràng, đơn giản và kiên quyết để con vâng lời.

Chị chia sẻ, trong nhà có người giúp việc nhưng không vì thế các bé con nhà chị được phục vụ tận răng. Tất cả những việc bé trai 3 tuổi và bé gái lớn 12 tuổi làm được như nấu cơm, quét nhà, rửa bát, mặc quần áo,… người giúp việc đều không được làm thay. Vì thế, giúp việc ở nhà chị rất nhàn! Ngay cả khi trò chuyện với phóng viên, chị vui vẻ khoe: “Con gái lớn đang ở nhà bế cậu em út giúp mẹ!”.

Bố mẹ thực sự dạy gì cho con?


"Bây giờ mình chỉ có thể dạy con tính chu đáo, cẩn thận.”- Trang Hạ chia sẻ về cách dạy con gái.
Trang Hạ chia sẻ: chị là người phụ nữ may mắn vì có gia đình chồng tuyệt vời. Ông bà nội chính là những người đã giữ hình ảnh người mẹ vẹn nguyên trong lòng con gái lớn của chị.

Khi bé lên 3 tuổi, chị phải để bé ở Việt Nam cho chồng và ông bà nội chăm sóc để lên đi du học và làm việc ở nước ngoài. Trong suốt thời gian đó, đêm nào chị chat với con qua mạng, hỏi han con những chuyện trường lớp, gia đình. Tuy nhiên, chị vẫn hiểu rằng khoảng cách địa lý khó có thể lấp đầy sự thiếu vắng tình cảm của mẹ trong lòng con.

Thế nhưng điều chị lo lắng đã hoàn toàn không xảy ra! Dù con còn bé, ông bà nội ở nhà luôn kể về chị với bé, giải thích cho bé biết mẹ phải đi xa để lo cho gia đình, cho bé cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Quan trọng nhất, ông bà dạy cho bé một điều cực kỳ quan trọng: “Mẹ luôn đúng!”

“Mình cảm thấy các cụ đã làm cho hình ảnh của mình luôn hiện hữu bên con và khiến bé không lúc nào cảm thấy thiếu vắng mẹ. Cũng từ đó, các cụ cũng dạy cho bé biết quan tâm, biết yêu thương mẹ. Đó là điều quý giá nhất các cụ đã dành cho mình và cho bé gái lớn của mình!”- chị xúc động kể lại.

Nhưng một việc xảy ra khiến chị nhận ra rằng không phải tất cả những gì mình dạy con, nói với con, con đều hấp thụ y hệt. Đó chỉ là một kênh. Mà kênh quan trọng hơn, bé biết quan sát để học theo. Chính vì vậy, khi con xưng “mày, tao” khi chơi cùng đồ chơi, chị đã mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên: “Trong nhà mình có ai nói “mày, tao” với ai đâu. Mình cũng rất ghét cách nói này.” Mình hỏi lại con: “Ai dạy con nói “mày, tao” thế? Mẹ thấy mấy từ đó không hay chút nào!”. Bé đáp: “Mẹ dạy con mà!”

Chị ngẩn người ra, nghĩ ngợi một lúc, chợt nhớ ra bộ truyện tranh mà bé rất thích: “Đúng là mình đã dạy con nói “mày, tao” khi đọc truyện tranh buổi tối: “Dê kia, ai cho mày uống nước ở suối của tao?” rồi còn “Dê kia, thế dưới chân mày có gì?” “Dê kia, trên đầu mày có gì?”.

Chị nói: “Thực ra, nói “mày, tao” cũng không có gì quá ghê gớm. Mình chỉ cấm dùng “mày tao” trong gia đình mà thôi. Nhưng mình nhận ra rằng: “Có rất nhiều thứ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta nữa! Và chúng ta đang thực sự dạy con điều gì?” Từ đó, mình biết rằng cần phải để ý hơn nữa. Trẻ con tinh ý lắm, và chúng học bố mẹ là chính. Vì thế, tình yêu thương hay tiền bạc không quyết định được tất cả, chỉ có sự hiểu biết mới có quan điểm giáo dục đúng đắn.”

Dạy con gái tính cẩn thận, chu đáo

Những tưởng người phụ nữ mạnh mẽ và bản lĩnh trong văn học mạng Trang Hạ sẽ dạy cho con gái mình điều đó đầu tiên. Nhưng không, chị lại dạy cho con gái những điều đầu tiên hết sức… con gái.

Vì vậy, khi nghe hỏi, chị đang chuẩn bị gì cho con gái để bé lớn lên sẽ có được cuộc sống hạnh phúc? Trang Hạ cười và nói: “Mình cảm thấy mình chưa chuẩn bị gì cho con cả. Con có biết lựa chọn hay không, có thông minh không, biết yêu thương không? Những phẩm chất đó có một phần rất quan trọng là tự các bé có. Có những điều mình không dạy được, hoặc dạy được rất ít thôi!”

“Thế nên, bây giờ mình chỉ có thể dạy con tính chu đáo, cẩn thận.”- chị chia sẻ.

Từ khi bé lên 4,5 tuổi, chị đã dạy con biết giữ mình, không cho phép ai ngoài bố, mẹ được chạm vào những phần nhạy cảm trên cơ thể. Bây giờ, khi bé lớn lên, chị dạy con chu đáo bằng sự chuẩn bị kỹ càng cho mọi việc.

“Con thường xuyên đi chợ cùng mình. Trước khi đi, bao giờ mình cũng bảo con ghi danh sách cụ thể tất cả những thứ cần mua vào tờ giấy, dù con ghi chậm đên mấy. Đi học, đi chơi hay đi đâu cùng bố mẹ, bé đều thống kê tất cả mọi thứ cần mang theo. Làm bếp với mẹ, bé làm đến đâu sẽ dọn sạch đến đó. Mọi dụng cụ trên tay, dùng xong, rời tay ra sẽ đều ngay lập tức được rửa sạch và cất luôn vào đúng chỗ. Mình tập cho bé quen dần với cách làm việc khoa học, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.”- chị nói.

Thật bất ngờ vì đối với Trang Hạ, chị cho rằng phẩm chất quan trọng nhất của phụ nữ chính là sự chu đáo. Chị cho rằng, có chu đáo, con sẽ biết yêu thương, biết chia sẻ và chăm sóc người khác.

“Còn gì Trang Hạ có thể chia sẻ nữa không?”. –“Về dạy con ư?- Trang Hạ cười vui vẻ- Nhiều lắm. Khi dạy một đứa trẻ, có nhiều điều mình nhận ra lắm. Thực ra con dạy mình cách làm mẹ đấy chứ. Các bé còn đang lớn nên mình còn phải học rất nhiều!.

•    Nhã Uyên