Bên cạnh những thiết kế được đánh giá tốt, một số thiết kế gây tranh cãi về ý tưởng và sự đầu tư. Tác phẩm khai thác ý tưởng về ve chai được đánh giá chưa nổi bật vì đây không phải là yếu tố mang màu sắc truyền thống của Việt Nam.
Tác phẩm Ủn ỉn tạo được sự hài hước trên sân khấu nhưng không đặc sắc về ý tưởng hay mang được dấu ấn truyền thống mạnh.
Tương tự, nghề làm nail (sơn móng) được cho là chỉ phổ biến với người Việt ở nước ngoài, không phải là ngành nghề đặc trưng ở trong nước.
Thiết kế Ả Phù Dung cũng gây tranh cãi về ý tưởng tái sinh của NTK Nguyễn Phước Điền, được hình ảnh hóa dựa trên đoạn thơ của Nguyễn Trọng Trì về nữ tướng Bùi Thị Xuân. 
Tác phẩm “Chiếu Cà Mau” của NTK Nguyễn Quốc Việt nhằm tôn vinh vẻ đẹp sản xuất của con người miền đất cực Nam của Tổ quốc, và truyền tải niềm tự hào dân tộc giành chiến thắng đêm thi Trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Đây là thiết kế được đánh giá khá sát với bản vẽ, thí sinh Nguyễn Võ Ngọc Anh đã thể hiện uyển chuyển tác phẩm và nhận được sự ủng hộ.
Nguyễn Thị Thanh Khoa duyên dáng với “Bánh tráng” của NTK Phan Xuân Giàu. Với ý tưởng chủ đạo là chiếc bánh tráng cổ điển, tác phẩm nhấn mạnh nét đẹp sản xuất về nghề làm bánh tráng gia truyền của Việt Nam và xếp vị trí thứ 2.
Lê Hoàng Phương thể hiện thiết kế “Tôm tre mỹ nghệ” của NTK Nguyễn Minh Khôi. Tác phẩm quảng bá những chú tôm hùm làm bằng thân tre tại làng nghề đan tre thủ công ở Bình Định với mục đích gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam đồng thời giới thiệu cho bạn bè quốc tế một sản phẩm độc đáo. Tác phẩm xếp vị trí thứ 3.
Hình ảnh thửa ruộng vàng ươm trong mùa lúa chín được Bùi Quỳnh Hoa tái hiện ngay trên sân khấu qua tác phẩm “Mùa vàng” của NTK Trần Anh Khoa. Tác phẩm mong muốn truyền tải vẻ đẹp hùng vĩ, rực rỡ của đất trời Tây Bắc và đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của con người đất Việt.
Phạm Diệu Linh xuất hiện trong bộ trang phục “Mộng Thanh Tiên” của NTK Nguyễn Trần Trọng Nghi. Mẫu thiết kế dựa trên nghề làm hoa giấy truyền thống ở làng Thanh Tiên xứ Huế. Những bông hoa được làm thủ công, đan xen vào nhau đại diện cho tinh thần đại đoàn kết, ý chí vượt khó của dân tộc Việt Nam và khát vọng hướng tới tự do, hạnh phúc.
Bộ trang phục “Ngư Ông” của NTK Nguyễn Hoài Thanh lấy ý tưởng từ tập tục lập miếu thờ cúng cá ông nhằm cầu xin các vị thần che chở trong những chuyến ra khơi đầy nguy hiểm được thể hiện bởi thí sinh Đặng Hoàng Tâm Như. Với tông màu xanh chủ đạo, tác phẩm truyền tải vẻ đẹp chung thủy, tần tảo của người phụ nữ Việt.
Vũ Thúy Quỳnh tái hiện trên sân khấu bộ trang phục “Bánh tráng trộn Sài Gòn” của NTK Lê Quang Thắng. Sạp bánh tráng có 2 mặt được ngăn cách bởi tấm màn trắng, trên xe đẩy có thiết kế đèn lấp lánh, lạ mắt. Thúy Quỳnh còn tạo điểm nhấn khi thực hiện các động tác trộn bánh tráng chuyên nghiệp.
Bộ trang phục “Chiến thần lạc Việt” lấy cảm hứng từ hình ảnh đặc trưng của Việt Nam là chiêng lạc và trống đồng. Được thiết kế theo dạng áo giáp chiến binh, với đôi cánh tượng trưng khát vọng vươn lên, qua đó bộ trang phục muốn thể hiện tinh thần của một nữ chiến binh tự hào hô vang 2 chữ “Việt Nam”. Thiết kế của NTK Lương Đức Minh được người đẹp Ngọc Châu trình diễn đầy hùng hồn.

Lấy tông màu trắng làm chủ đạo, bộ trang phục “Long mạch” của NTK Võ Thành Đạt nổi bật giữa các thiết kế khác. Giai thoại về con rồng nằm tại dinh Độc Lập và hồ Con Rùa trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thiết kế thời trang. Huỳnh Phạm Thủy Tiên là người đẹp diện trang phục này, cô gây ấn tượng với những bước catwalk uyển chuyển, thần thái hút hồn và cử động tay nhẹ nhàng tạo nét cổ kính, bí ẩn cho bộ quốc phục.

Đinh Y Quyên uyển chuyển trong thiết kế “Tình ta là thác đổ” của NTK Phạm Bá Phúc. 

Hoàng Huy - Như Ngọc