"Mảng sống” là tên triển lãm đang diễn ra tại L’Espace (24 Tràng Tiền, HN),  trưng bày tác phẩm của 5 tác giả: Tạ Lan Hạnh, Linh Rab Nguyễn, Mai Hoa, Ndoll Trần và Gerald Gorridge (người Pháp). Nguyễn Thành Phong  là cái tên được lựa chọn từ ban đầu và được nhiều người mong đợi, nhưng tranh của anh đã bị loại...

Một câu chuyện nhân văn...

Cùng với 5 tác giả khác, tác phẩm của Nguyễn Thành Phong có chung chủ đề về những “Mảng sống” rất đời thường. Lấy tên truyện là “Hàng xóm”, câu chuyện của Phong là sự xung đột giữa một đôi trẻ với một bà cụ không có người thân bên cạnh.

 {keywords}

Một tranh trong “Hàng xóm” của Nguyễn Thành Phong.

Điều làm cho cụ già này khó chịu và “suốt ngày” gõ cửa phàn nàn đôi trẻ không phải là do  những tiếng đập, phá, cưa, đục... khi họ sửa căn hộ vừa thuê ở bên trên nhà cụ,  những tối tiệc tùng mừng nhà mới, hay thậm chí cả những tiếng kêu “nhạy cảm” phát ra mỗi đêm từ trên phòng của đôi trẻ ... mà là những giọt nước tưới cây từ ban công nhà họ nhỏ xuống ban công nhà bà... Ngày lại ngày, “xung đột” cứ thế diễn ra, chỉ vì vài giọt nước. Nhưng bất ngờ là tác giả không có ý kết thúc chuyện theo mong muốn của bất cứ bên nào, những giọt nước tưới cây vẫn tiếp tục nhỏ xuống  ban công nhà bà cụ...

“Đây là câu chuyện tương tác giữa những người hàng xóm. Thoạt tiên, đôi trẻ thấy bà cụ có vẻ rất oái oăm, khó chịu, thậm chí là tai quái. Nhưng rồi, họ hiểu rằng bà cụ rất cô độc, mệt mỏi và bất an khi phải sống một mình. Những giọt nước chỉ là cái cớ để bà cụ chuyện trò với người ngoài mà thôi. Vì thế, họ tiếp tục để nước rớt xuống,  để bà cụ có cơ hội tương tác với những người xung quanh.

Đó là chủ ý của tôi khi sáng tác truyện này” - Thành Phong tâm sự. Rõ ràng đó là một câu chuyện mang tính nhân văn - theo cái cách của người trẻ bây giờ. Chỉ có người trẻ mới có sự thấu hiểu người già theo  góc nhìn  độc đáo đến thế, họ không chấp nhận việc một người được coi là “sống” khi trên thực tế chỉ là “tồn tại”. Với họ, sống là phải có sự giao lưu với xung quanh, cho dù sự giao lưu ấy có thể mang lại sự phiền toái, khó chịu cho bản thân.

Được biết, Thành Phong là họa sĩ duy nhất của VN được Viện Goethe mời tham dự một dự án kéo dài một năm (2011-2012). Dự án có 9 họa sĩ từ 8 nước tham gia sáng tác truyện tranh về các mảng đề tài đời thường trong cuộc sống, mỗi người có 12 truyện tham dự (mỗi tháng 1 truyện). Phong đã sáng tác về các vấn đề ở VN như: Ẩm thực, giao thông, động vật, lễ hội, thời trang... và tranh của anh được đánh giá cao. Kết quả của dự án đã được trưng bày ở Indonesia và hiện có trên blog của Viện Goethe.

... bị cho là trái thuần phong mỹ tục

Đó là phán quyết của cơ quan quản lý Nhà nước với tác phẩm truyện tranh của Thành Phong. Vì thế, nó đã không được triển lãm lần này. Người viết bài này cũng đã được xem “Hàng xóm” và thấy rằng trong bộ truyện ấy có vài tranh diễn tả cảnh sinh hoạt nam nữ, nhưng quả thật, nó không mang tính gợi dục, mà chỉ đơn giản là nó khắc họa thêm tính cách của đôi bạn trẻ: Sống rất hiện đại và quan tâm đến người khác cũng theo cách rất hiện đại.

Từng “vấp” khi qua hàng rào kiểm duyệt của cơ quan quản lý nhà nước trong vụ “Sát thủ đầu mưng mủ”, Thành Phong cho biết: “Tôi đã cân nhắc khá kỹ, cả về nét vẽ cũng như câu chữ ở đoạn đó. Tôi cũng không hiểu như thế nào là “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Cái hô ngữ ấy phải hiểu như thế nào cho đúng đây?”.

Đem câu hỏi ấy hỏi họa sĩ Lương Xuân Đoàn - nguyên Vụ phó Vụ VHVN (Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Đoàn cũng bức xúc: “Cái định nghĩa ấy hết sức chung chung, làm khó cho nghệ sĩ. Đã nhiều lần tôi có ý kiến rằng, quan trọng là tác phẩm đẹp, có tính nghệ thuật thì phải cho trưng bày, chứ không nên vì nó thể hiện “chuyện ấy” hay chuyện khác mà cấm. Ngay ở châu Á, các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đều có dòng tranh phòng the.

Quản lý VHNT ở ta hiện đang tự làm khó mình do không có chính kiến nên luôn phải đuổi theo vụ việc là chính. Luật tưởng chừng như rất cụ thể mà lại hóa ra rất trừu tượng. Ví dụ trong hoạt động biểu diễn cũng có từ “ăn mặc phản cảm”. Vậy thế nào là phản cảm thì không ai nói rõ được.

Những người quản lý cũng cần biết rằng, có thể các hoạt động VHNT hiện nay của giới trẻ đang tạo ra một mỹ cảm khác của người Việt đương đại. Mỹ cảm ấy có thể ta chưa quen, có áp lực thị giác với những người thuộc thế hệ trước, nhưng dù sao nó vẫn là một thực tế phải nhìn nhận...

Hiện nay, chính các cơ quan quản lý cũng gây ra những áp lực về thị giác cho công chúng bởi rất nhiều tượng đài, phù điêu kém thẩm mỹ ở nhiều nơi và cả những thứ không biết gọi tên là gì như cái đồng hồ đếm ngược, quả địa cầu hay quyển sách “bê tông” ở khu vực đền Ngọc Sơn... Đấy mới chính là những thứ trái với thẩm mỹ của người Việt”.  

 Trên thực tế, chưa có một triển lãm “nuy” nào được trưng bày chứ nói gì đến những tác phẩm có yếu tố phòng the (dù chỉ là  rất nhỏ, rất ít so với cả câu chuyện) như “Hàng xóm” của Thành Phong.

Việc cấm ở đây có vẻ là “giải pháp an toàn” cho cơ quan quản lý, bất kể ý đồ của người sáng tạo có trong sáng đến đâu, nghệ thuật có tính thuyết phục đến đâu. Nhưng, như họa sĩ  Lương Xuân Đoàn “căn vặn”: “Cứ cho quan điểm của người quản lý bây giờ là người Việt mình không công khai “chuyện ấy” đi.

Vậy thì giải thích thế nào về những điêu khắc đình, chùa ở thế kỷ 16 – 17:  Ở những chốn linh thiêng như vậy mà người ta vẫn có những hình khắc “cực kỳ oách” cảnh tắm tiên, quan ghẹo gái... Những tác phẩm ấy đến giờ vẫn là niềm tự hào của truyền thống mỹ thuật của người Việt”.

Theo LĐ