- Theo quy định mới, lao động nữ vào kỳ kinh được nghỉ thêm mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong một tháng. Điều này đã gây tranh cãi khi chị em phụ nữ khẳng định, họ khó chia sẻ điều này với sếp nam và quy định trên sẽ càng khiến các nhà tuyển dụng e ngại phụ nữ.

"Ngày đèn đỏ" báo cáo thế nào với sếp nam?

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11. 

Theo đó, trong kỳ hành kinh, mỗi ngày chị em sẽ được nghỉ 30 phút, tối thiểu 3 ngày một tháng và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ngay sau khi có thông tin trên, nhiều chị em đã hài lòng vì quy định này thể hiện sự thông cảm, chia sẻ với "vấn đề khó nói" của họ.

Bạn Hoài Vy nói: "Công ty mình đã áp dụng luật này từ lâu vì là 1 công ty dược nên vấn đề sức khỏe rất được quan tâm. Mỗi khi nhân viên cần nghỉ vào ngày đèn đỏ chỉ cần báo với sếp. Sếp mình là nam, chưa lập gia đình nhưng không có bất kỳ sự khó khăn nào khi trình bày. Mọi người hãy đón nhận tin này như một tin vui, hứng khởi chứ không nên nghi ngại".

"Công ty tôi là công ty liên doanh và cũng đã thực hiện luật này từ đầu năm rồi. Đầu giờ sáng tổ trưởng sẽ ghi danh sách những chị em đến "ngày đèn đỏ" rồi nộp lên nhân sự. Sau đó nhân sự lập bảng sắp xếp giờ nghỉ gửi lại cho chị em. Thế là cứ 3 ngày, mỗi ngày 30 phút đến hẹn là nghỉ thôi", độc giả Hải Anh cũng chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính thực tế của quy định.

Trên diễn đàn của một tờ báo mạng, độc giả ký tên HD nói: "Sau này khi luật được áp dụng, sẽ có nhiều hệ lụy. "Đèn đỏ" đâu phải ai cũng giống ai, đâu phải ai cũng đều, việc các nơi sử dụng lao động quản lý việc đó ra sao, nếu người lao động khai sai sự thật thì sẽ như thế nào. Nếu quản lý là nam tôi chứng minh thế nào trong "ngày đèn đỏ?".

Một bạn đọc viết: "Thử tưởng tượng trong dây chuyền nhà máy công nghiệp trung bình 35 lao động đa số là lao động nữ, mỗi ngày có ít nhất 5 lao động nghỉ 30 phút thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nhịp sản xuất của cả dây chuyền, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và tiền lương của người lao động...".

Tương tự, chị Hải Anh (Hà Nội) nói: "Sao luật không cho nghỉ luôn 1 ngày hay 1/2 ngày chứ 3 ngày đèn đỏ mà nghỉ mỗi ngày có 30 phút thật không hợp lý. Thường thì đau bụng sẽ kéo dài luôn nửa ngày thậm chí là cả ngày, lúc này chị em phụ nữ không thể tập trung làm tốt công việc của mình được".

Một số người khác cũng chia sẻ về chế độ nghỉ của công ty họ. Cụ thể, bạn MyDinh cho biết: "Công ty mình mỗi tháng cho nhân viên nữ nghỉ 4 tiếng. Nhân viên có thể nghỉ 1 lúc 4 tiếng, hoặc nghỉ từng 30p/ngày hoặc không nghỉ mà cộng dồn cuối năm sử dụng. Vì ngày đèn đỏ có người rất mệt, có người đau bụng, có người bình thường nên để họ tự chọn sử dụng sao cho phù hợp bản thân".

Bạn đọc có tên Candy lại kể: "Công ty mình quy ra tiền, theo đó, chị em phụ nữ mỗi tháng là được 1.5 giờ. Chị em nào không nghỉ có thể cộng số tiền này vào lương cuối tháng cho họ".

Nhà tuyển dụng càng thêm e dè phụ nữ?

Khác với các ý kiến trên, độc giả tên Vy lại có cái nhìn đầy lo lắng: "Bây giờ ra luật toàn ưu tiên nữ. Nhiều quyền lợi như vậy sau này nhà tuyển dụng có cắt bớt tuyển dụng nữ không?".

Cũng như chia sẻ của bạn Vy, nhiều độc giả khác lo ngại ở một số công ty, cơ quan có luật ngầm là không tuyển nhân viên nữ vì nhân viên nữ phải mang trọng trách mang thai, sinh con, đảm nhiệm việc nhà...rất khó để tập trung vào công việc.

{keywords}
Các cơ quan, công ty sẽ phải có một nữ là lãnh đạo cơ quan hoặc lãnh đạo Công đoàn để chị em tiện trao đổi "vấn đề khó nói" (Ảnh minh họa)

Có góc nhìn khác lạ hơn, một độc giả cho rằng, các cơ quan, công ty sẽ phải có một nữ là lãnh đạo cơ quan hoặc lãnh đạo Công đoàn để chị em tiện trao đổi "vấn đề khó nói".

Người này cũng cho rằng, anh hoàn toàn ủng hộ việc ưu tiên, nâng niu chị em, nhất là trong những ngày ấy. Nhưng nếu quy định chi tiết quá sẽ rất rắc rối bởi cái tế nhị riêng tư giờ lại phải công khai cho tập thể biết biết mà không nói thì lại không được nghỉ.

Trên facebook cá nhân, AnhPham cũng cho rằng, quy định này không phải là một biện pháp nâng cao nữ quyền mà thực ra lại là ngược lại, coi phụ nữ là yếu đuối và có kinh là cái gì đó ghê gớm, bệnh tật. 

Anh cho biết, anh đã có thời gian sống ở một xã hội Hồi giáo nơi phụ nữ được hưởng nhiều quyền lợi và ở Mỹ -nơi người ta phân tích bình đẳng giới sâu sắc và chặt chẽ, đẩy xa nhất sự khác biệt giới. AnhPham nhấn mạnh, quy định này đồng nghĩa công nhận có kinh nguyệt là điều tồi tệ. Thực tế, kinh nguyệt không tự động làm phụ nữ yếu, mệt. Hiện, phụ nữ trên thế giới đang thách thức ý niệm là vì phụ nữ có kinh hay phải làm mẹ mà họ yếu hèn hơn đàn ông. Bản thân việc nghỉ chỉ là biểu hiện của cả một lối quan niệm là phụ nữ bẩm sinh là yếu đuối, kém cỏi hơn đàn ông.

"Theo tôi cách tốt nhất để đề cao, nâng đỡ phụ nữ Việt Nam không phải là cho họ thêm ít thời gian những ngày có tháng mà hãy tạo điều kiện giúp bảo vệ sức khỏe cho con cái họ để họ nhẹ đầu bớt. Giá mà bớt được cho họ những thứ vất vả ở viện nhi lúc chăm con ốm đau thì còn ý nghĩa bằng tỷ lần việc nghỉ vào ngày đèn đỏ này. Nói chung hãy giúp họ đỡ vất vả hay đau lòng những lúc họ giúp đỡ gia đình họ", anh kết luận.

Phương Lễ