- Hiện nay, việc sống thử không còn xa lạ đối với các bạn trẻ. Bên cạnh những “cái được trước mắt” thì sống thử còn để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Tại hội thảo “Sống thử: nên hay không?”, Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng và diễn giả Nguyễn Sơn Lâm có những chia sẻ thẳng thắn quan niệm về việc sống thử với các bạn trẻ tham dự. Từ đây, các bạn có nhận thức toàn diện về sống thử, những cái lợi cũng như hệ lụy mà nó mang lại. Đồng thời cũng là cơ hội để các bậc phụ huynh thấu thiếu được suy nghĩ, nguyện vọng của con em.
"Sống thử thật tai hại"
Giáo sư – NGND Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm về những hệ lụy do sống thử gây ra. Theo ông, "Sống thử được so sánh ngang hàng như sự nguy hiểm của việc hút thuốc lá, tai nạn giao thông… Khi việc sống thử không thành có thể gây ra hậu quả như sát hại người yêu, nhảy cầu tự tử và thậm tệ hơn là việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến vô sinh.
Các bạn trẻ do chưa trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn sức khỏe cho nên khi trót mang thai thì bất chấp tìm đến cơ sở nạo phá thai chui. Tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi thành niên lên đến 18-20%, trong có có đến 60-70% học sinh, sinh viên ở độ tuổi 13-19 tuổi. Đây là con số đáng báo động ở nước ta"
Ông chia sẻ thêm: "Nhiều cặp sống thử với nhau một thời gian hạnh phúc rồi đổ vỡ, hoặc có đến được hôn nhân nhưng hạnh phúc không được trọn vẹn. Tỷ lệ ly hôn do mâu thuẫn lối sống là 27,7%, nguyên nhân do sống thử gây nên"
Trước những con số Giáo sư Dũng đưa ra, một bạn trẻ tranh luận: “Sống thử, các cặp hôn nhân biết được nhau. Nếu họ cảm thấy không hợp, thì sẽ kết thúc từ trước đó. Như vậy, vô hình trung đã giảm tỷ lệ ly hôn”. “Muốn hiểu nhau có vô vàn cách, chứ không nhất thiết phải sống thử mới hiểu được nhau”, GS-NGND Lân Dũng phản biện
Nguyễn Diệu Hoa - SV ĐH Thăng Long đồng tình với ý kiến của GS Lân Dũng và bạn chia sẻ một câu chuyện mình đã chứng kiến:" Học cấp 3 xa nhà, T phải đi ở trọ. Gần phòng trọ của T có anh H (đang học ở trường nghề). Đã quý mến nhau, cả hai quyết định tìm đến việc “góp gạo nấu cơm chung”. Bất chấp sự can ngăn của bạn bè, T vẫn duy trì việc sống thử với người yêu. Ngoài giờ đi học, T phải nấu nướng, giặt giũ, ở cùng H như vợ chồng. Cuộc sống hạnh phúc kéo dài không lâu, T mang bầu và phải nghỉ học. Trong khi đó, H trốn tránh trách nhiệm và quyết định rời xa T. Đau khổ, ê chề, dường như mất tất cả. T băn khoăn không biết giờ phải xử lý ra sao và đối mặt với nó như thế nào. Với T bây giờ, tương lai như khép lại khi mọi chuyện vỡ lở"
Những “cái lợi trước mắt” nhỏ nhặt
Bạn Nguyễn Văn Thiệu (Đại học Mỏ - Địa chất) chia sẻ: “Việc sống thử sẽ tiết kiệm được tiền thuê nhà, giảm chi phí ăn uống, không phải làm việc nhà, tìm hiểu nhau được kỹ lưỡng hơn và có những trải nghiệm đích thực cho cuộc sống gia đình sau này (kinh nghiệm quan hệ vợ chồng, quan hệ với gia đình và quản lý kinh tế). Vì vậy, với em việc trải nghiệm sống thử cũng không phải là xấu”.
Giáo sư- Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng và Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm thẳng thắn chia sẻ về việc sống thử |
"Tuy nhiên, đây chỉ là những cái cớ các bạn trẻ tự thuyết phục mình cho quyết định sống thử. Nhiều “cặp vợ chồng hờ” đã từng có thời gian hạnh phúc. Sau đó, gặp nhiều mâu thuẫn về tính cách, áp lực cơm áo gạo tiền đã dẫn đến mối tình tan vỡ" - GS-NGND Nguyễn Lân Dũng tiếp tục phân tích : “Những lý do trên còn quá nhỏ nhoi so với cái giá mà họ phải trả và tương lai, cuộc đời sau này của mỗi con người”.
Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, đều coi trọng trinh tiết và khắt khe với sống thử. Nếu hậu quả đáng tiếc xảy ra, thì cả bạn nam và bạn nữ đều bị ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tương lai. Giáo sư Lân Dũng khắng định quan điểm: “Sống thử giống như cây đinh đóng vào tấm ván, khi dứt ra cả hai đều hỏng. Cho nên, muốn hạnh phúc thì nói KHÔNG với sống thử”.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm:" Lựa chọn sống thử hay không là do quyết định của mỗi bạn trẻ. Xã hội, gia đình, bạn bè không ai có quyền ngăn cấm trước quyết định đó. Sống thử hoàn tại tai hại khi các bạn gây ra hậu quả cho mình.
Có bạn trẻ cho rằng: “Giả sử em sống thử, và bạn gái em có bầu. Nhiều khi em muốn chịu trách nhiệm trước bạn gái và đứa con của mình. Tuy nhiên, lại chịu sức ép, sự cản trở cho cha mẹ”. Ở đây, cần sự thấu hiểu và can thiệp đúng mức của gia đình khi sự việc xảy ra.
“Các bạn đã đủ trưởng thành thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Bố mẹ chỉ có thể chia sẻ, giúp đỡ chứ không chịu trách nhiệm hộ các bạn được”, giáo sư Lân Dũng chia sẻ.
Đông đảo các bạn trẻ đến giao lưu về chủ đề sống thử |
Đại điện cho thế hệ trẻ, anh Sơn Lâm khẳng định: “Tôi suy nghĩ linh hoạt hơn trong vấn đề này. Nếu như các bạn nghĩ mình cần sống thử để biết người chồng, người vợ tương lai của mình như thế nào, các bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó”.
Mỗi bạn trẻ cần có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề sống thử. Không để tình cảm át đi lý trí để dẫn đến những quyết định bồng bột. Để những cuộc cãi vã, tự tử, những ca nạo phá thai do sống thử không còn tiếp diễn"
Hoa Lê tường thuật từ giao lưu