Hai nước láng giềng Malaysia và Singapore đã vướng vào cuộc tranh chấp các đảo ở lối vào phía tây của eo biển Singapore từ năm 1979. Mãi đến năm 2008, cuộc tranh chấp mới được giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế ICJ.

Là cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc, chức năng chính của Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu của toà án là áp dụng các tập quán quốc tế để thiết lập các quy tắc được các quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp được các quốc gia công nhận; các phán quyết của tòa án...

Từ năm 1959 cho đến nay, riêng trong vùng Đông Nam Á, có ba trường hợp sử dụng pháp luật quốc tế: thứ nhất là vụ kiện giữa Campuchia và Thái Lan về ngôi đền Preah Vihear, thứ 2 là giữa Indonesia và Malaysia về hai đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan, và thứ 3 là giữa Malaysia và Singapore về đảo đá Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge. Ở đây chúng ta nghiên cứu vụ kiện thứ 3 như trường hợp tham khảo hữu ích trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo theo phương thức hòa bình.

Hai nước láng giềng Malaysia và Singapore đã vướng vào cuộc tranh chấp các đảo ở lối vào phía tây của eo biển Singapore từ năm 1979. Mãi đến năm 2008, cuộc tranh chấp mới được giải quyết tại ICJ. Vụ tranh chấp cũng cho thấy vai trò quan trọng của ICJ trong giải quyết xung đột quốc tế.

{keywords}
Cuộc tranh chấp giữa Malaysia và Singapore được giải quyết tại ICJ. Ảnh: Amit-sengupta

Cụm đảo tranh chấp gồm 3 hòn đảo chính có tên Pedra Branca (trước đó có tên là Pulau Batu Puteh và hiện giờ được Malaysia gọi là Batu Puteh), Middle Rocks và South Ledge. Căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm ngày 21/12/1979 khi Cơ quan Bản đồ Quốc gia Malaysia phát hành một bản đồ mang tên “Ranh giới lãnh hải và thềm lục địa của Malaysia”, trong đó đưa Pedra Branca vào trong lãnh hải của nước này. Singapore bác bỏ bản đồ này trong công hàm ngoại giao ngày 14/2/1980 và đề nghị Malaysia sửa bản đồ. Do không thể giải quyết tranh chấp qua trao đổi thư từ và đàm phán liên chính phủ trong năm 1993 và 1994, nên hai bên đã nhất trí đưa tranh chấp ra ICJ.

Sau khi nhận đơn kiện của Singapore năm 2003, ICJ đã ra phán quyết vào ngày 23/5/2008. Trong 16 thẩm phán, có 12 thẩm phán bỏ phiếu đồng ý rằng chủ quyền đảo Pedra Branca thuộc về Singapore. 15 thẩm phán nhất trí trao chủ quyền đảo Middle Rocks cho Malaysia và đảo South Ledge thuộc về quốc gia có vùng lãnh thổ trên biển bao trùm đảo này.

Quá trình ra phán quyết của ICJ

Trong phán quyết của mình, ICJ nhất trí với luận cứ của Malaysia rằng vương quốc Johor là nước đầu tiên có chủ quyền với đảo Pedra Branca, bác bỏ lý lẽ của Singapore khi tuyên bố đây là hòn đảo vô thừa nhận trong những năm 1840, cho đến khi Anh chiếm quyền sở hữu hợp pháp của hòn đảo để xây dựng một ngọn hải đăng. Johor đã là một nước có chủ quyền thuộc Đông Nam Á kể từ năm 1512 là một sự thật không tranh cãi.

Do Pedra Branca luôn bị coi là một chướng ngại vật với tàu thuyền ở eo biển Singapore - tuyến đường giao thương quan trọng đông - tây giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông, nên không thể có chuyện hòn đảo không bị người dân địa phương phát hiện. Do đó, đảo Pedra Branca nằm trong phạm vi địa lý chung của vương quốc Johor. Hơn nữa, trong quá trình tồn tại của vương quốc Johor, không có bằng chứng nào cho thấy có nước khác tuyên bố chủ quyền với các đảo ở eo biển Singapore. Kể cả khi người Anh xây ngọn hải đăng Horsburgh trên đảo Pedra Branca, ICJ vẫn cho rằng đảo thuộc chủ quyền của Johor, nay thuộc Malaysia.

Sau khi xác định được Pedra Branca thuộc Malaysia, ICJ tiếp tục xác định xem Malaysia tiếp tục duy trì chủ quyền với hòn đảo này hay là đã chuyển chủ quyền cho Singapore.

ICJ đã nghiên cứu cuộc trao đổi thư từ năm 1953 giữa Thư ký thuộc địa ở Singapore và chính quyền Johor. Cụ thể, ngày 12/6/1953, Thư ký thuộc địa Singapore đã viết thư cho viên cố vấn người Anh của Quốc vương Johor, hỏi thông tin về tình trạng của đảo Pedra Branca nhằm xác định ranh giới lãnh hải của thuộc địa. Trong bức thư phúc đáp đề ngày 21/9/1953, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Johor trả lời rằng chính phủ Johor không tuyên bố chủ quyền của hòn đảo này.

ICJ cho rằng cuộc trao đổi thư từ kể trên đóng một vai trò trọng tâm để xác định quan điểm của hai bên trong tranh chấp chủ quyền với đảo Pedra Branca. Tòa kết luận rằng bức thư trả lời của chính quyền Johor cho thấy từ năm 1953, Johor coi rằng mình không có chủ quyền với hòn đảo.

Bước tiếp theo, ICJ xem xét cách ứng xử của các bên sau năm 1953 đối với hòn đảo. Tòa thấy rằng Singapore có bốn loại hoạt động thể hiện quyền làm chủ hòn đảo gồm: điều tra vụ đắm tàu diễn ra trong vùng biển quanh Pedra Branca; cấp phép cho quan chức Malaysia thăm hòn đảo và khảo sát vùng biển xung quanh; xây dựng thiết bị liên lạc quân sự trên đảo năm 1977; và đề xuất kế hoạch cải tạo mở rộng đảo. Tòa cũng lưu ý rằng Malaysia đã không phản ứng với hành xử của Singapore.

Do đó, ICJ phán quyết rằng đến năm 1980 - khi cuộc tranh chấp chủ quyền hòn đảo diễn ra căng thẳng cực điểm - thì chủ quyền hòn đảo Pedra Branca đã được chuyển cho Singapore từ trước đó rồi. Do đó, hòn đảo này thuộc về Singapore.

Về tranh chấp đảo Middle Rocks và South Ledge, ICJ nhận thấy rằng tình huống cụ thể khiến tòa quyết định trao đảo Pedra Branca cho Singapore không thể áp dụng với trường hợp đảo Middle Rocks. Do đó, chủ quyền Middle Rocks thuộc về Malaysia do nó từng thuộc về vương quốc Johor.

Còn đối với South Ledge, ICJ cho rằng nó nằm trong lãnh hải chồng lấn giữa Malaysia và Singapore. Do ICJ không có thẩm quyền phân định đường ranh giới lãnh hải trong khu vực, nên ICJ chỉ phán quyết rằng South Ledge nằm trong lãnh hải của nước nào thì thuộc về nước đó.

Sau khi phán quyết của ICJ được công bố năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Rais Yatim đã miêu tả quyết định của ICJ là khiến đôi bên cùng thắng cuộc và cam kết hai nước sẽ tiếp tục quan hệ song phương. Phó Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak coi phán quyết là quyết định cân bằng vì Malaysia cũng thành công một phần trong tuyên bố chủ quyền.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng hài lòng về kết quả vụ kiện và bình luận thêm rằng đưa tranh chấp ra ICJ là cách thức hiệu quả để Malaysia và Singapore vừa giải quyết được bất đồng vừa duy trì được mối quan hệ hữu hảo.

Cùng chung suy nghĩ này, trưởng khoa quan hệ quốc tế Barry Desker của Trường đại học S.Rajaratnam (Singapore) nhận xét: ASEAN đang chuyển biến trong việc chấp nhận các qui tắc rộng hơn của luật quốc tế. Theo đó, "Trong quá khứ, ASEAN có xu hướng cố gắng giải quyết vấn đề chỉ thông qua trung gian hay đàm phán giữa hai bên. Kết quả là các vấn đề gây tranh cãi không được giải quyết rốt ráo, không có cuộc đàm phán nào thành công. Tôi nghĩ chúng ta đang chuyển theo con đường chấp nhận luật quốc tế, tức tự nguyện chấp nhận sự phân xử của quốc tế".


Trong một diễn biến mới, ICJ thông báo đã nhận được đơn của Malaysia, yêu cầu xem xét lại phán quyết năm 2008 về chủ quyền đối với ba đảo tranh chấp. Trong đơn, Kuala Lumpur yêu cầu tòa giải thích phán quyết năm 2008 về Pedra Branca và dải South Ledge với lập luận Pedra Branca và dải South Ledge “nằm trong lãnh hải của Malaysia, nên phải thuộc chủ quyền nước này chứ không phải Singapore”.

Theo thông tấn xã Bernama, Malaysia cho biết 2 quốc gia đã thành lập Ủy ban Kỹ thuật chung Malaysia - Singapore (MSJTC) có nhiệm vụ xúc tiến thực hiện phán quyết năm 2008 và nghiên cứu phân định ranh giới trên biển. Nhưng đến năm 2013, MSJTC rơi vào tình trạng bế tắc do hai bên không thể nhất trí về lãnh hải quanh Pedra Branca/Pulau Batu Puteh và South Ledge.

Trước đó, ngày 2/2, Malaysia cũng đã đệ đơn yêu cầu tòa xem xét lại phán quyết sau khi nước này phát hiện 3 tài liệu từ Cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh “khẳng định chủ quyền của Malaysia tại Pedra Branca/Pulau Batu Puteh và South Ledge”. Trong thông báo mới nhất, chính quyền Kuala Lumpur tuyên bố đơn yêu cầu làm rõ phán quyết được dựa theo điều 60 Quy chế ICJ và hoàn toàn khác với đơn yêu cầu xem xét lại hồi tháng 2.

Kim Anh - Diệu Thúy (tổng hợp)