Tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước duyên hải khác đang ngày càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Nhật Bản không thể còn vấn đề này như một hiện tượng riêng biệt ở một khu vực xa xôi nào, vì nó phản ánh chiến lược khu vực của Trung Quốc, trên cơ sở sự tự tin quốc gia và sức mạnh kinh tế không ngừng gia tăng.
Thách thức cơ bản hơn là các nước trong khu vực, gồm cả Nhật Bản nên đối phó thế nào với sự mẫu thuẫn chiến lược đang nổi lên, bởi sự phụ thuộc kinh tế ngày một lớn với Trung Quốc và việc tiếp tục trông chờ vào Mỹ để duy trì trật tự an ninh khu vực.Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dường như đã đạt tới một trạng thái cân bằng nào đó tại hội nghị bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc và tiếp theo là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7 ở Bali, Indonesia. 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về những hướng dẫn mới, mở đường cho việc thực thi Tuyên bố Hành xử (DOC) cho giải pháp hoà bình với tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật khi ấy, Takeaki Matsumoto, người đã tham dự các cuộc họp liên quan tới ASEAN, đã hoan nghênh tiến triển đạt được. Ông nói trước quốc hội nước này rằng: "Tôi coi đó là một bước tiến về phía trước". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nhấn mạnh, đó là "một bước đi quan trọng", đồng thời thúc giục ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng đạt được bước tiếp theo: thiết lập bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc để ngăn chặn xung đột. Bà Clinton khẳng định: "Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần công khai tuyên bố chủ quyền và đặc biệt cần hiểu rằng, chúng tôi biết nơi có tranh chấp".
Tuy nhiên, sự cân bằng ấy dường như đã sụp đổ nhanh chóng. Chưa đầy hai tuần sau hội nghị ở Bali, Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính thống của Trung Quốc, đã xuất bản trên trang nhất bài bình luận cáo buộc Philippines vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc bằng việc xây dựng một cơ sở quân sự trên hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bài báo kết thúc với lời cảnh báo cứng rắn: "Bất cứ ai có những hiểu lầm chiến lược nghiêm trọng về vấn đề này sẽ phải trả giá thích đáng".
Tân Hoa xã lập tức có bản tóm tắt tiếng Anh câu chuyện này. Họ nói rõ thêm rằng, đảng và chính phủ Trung Quốc muốn gửi bức thông điệp tới tất cả các bên liên quan. Và, trên thực tế, thông điệp ấy đã khuấy động khu vực.
Chính phủ Nhật Bản và Mỹ vẫn coi các hội nghị bộ trưởng ASEAN liên quan là một thành công vì nó bao gồm vấn đề "an ninh hàng hải" trong chương trình nghị sự chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS)tháng 11 tới. Như vậy, Biển Đông có thể sẽ được thảo luận kỹ hơn ở bối cảnh đa phương lớn hơn tại EAS. Nó cũng mang lại cơ hội cho các bên không đưa ra tuyên bố chủ quyền, nhưng có sử dụng Biển Đông, như Nhật Bản và Mỹ được tham gia thương thảo.
|
Ảnh: AP |
Trên một mặt trận nhạy cảm hơn, nó cũng còn được coi là thành công vì có thoả thuận ngầm đã hình thành giữa các nước tuyên bố chủ quyền và các quốc gia chính sử dụng Biển Đông trong nỗ lực đặt vấn đề với tính hợp pháp của việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bằng bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết Biển Đông. Chiến lược ngầm dường như hướng Trung Quốc vào một thoả thuận đa phương mới, bộ quy tắc hành xử để giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình bằng cách tập hợp áp lực thông qua việc liên tục thách thức tính hợp pháp của tuyên bố 9 đoạn.
Trung Quốc sử dụng bản đồ 9 đoạn còn gọi là bản đồ hình chữ U bao trùm đường bờ biển và chuỗi đảo ở Biển Đông làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của mình. Bản đồ này bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông. Theo một tài liệu chính thức mà chính phủ Trung Quốc đệ trình lên LHQ năm 2009 cùng với một tờ bản đồ, Bắc Kinh khẳng định "có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và những vùng nước lân cận". Tuy nhiên, chưa rõ là, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông bên trong đường 9 đoạn như lãnh hải của họ hay tuyên bố chủ quyền này chỉ kéo dài tới các đảo và vùng nước lân cận.
Ngày 24/8, khoảng một tháng sau hội nghị ARF, hai tàu tuần tra của Ngư chính Trung Quốc đã tién vào lãnh hải Nhật Bản gần một đảo của Quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên, tàu của chính phủ Trung Quốc vi phạm lãnh hải Nhật quanh Senkakus kể từ năm 2008, khi hai tàu Hải giám Trung Quốc (CMS) tiến vào và ở lại trên lãnh hải Nhật hơn 9 giờ đồng hồ. Lần này thời gian vi phạm ngắn hơn nhiều, nhưng chính phủ Nhật coi vụ việc rất nghiêm trọng vì thậm chí khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản tháng 9 năm ngoái gần Senkakus, thì tất cả các tàu chính phủ Trung Quốc gồm Ngư chính và Hải giám đã rõ ràng ở lại trên lãnh hải Nhật.
Hồi đáp về sự phản đối chính thức từ chính phủ Nhật, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và các đảo liên quan là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc từ thời cổ đại. Các tàu Ngư chính đã tuần tra vùng biển để đảm bảo trật tự thông thường trong hoạt động ngư nghiệp".
Quan điểm này không có gì mới mẻ, nhưng điều đáng nói là hành động gia tăng của một trong những cơ quan thực thi pháp luật hàng hải Trung Quốc. Một trong những suy đoán của chính phủ Nhật là, dụng ý của Trung Quốc có thể nhằm kiểm tra lập trường cứng rắn của chính phủ Nhật trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ sau hội nghị ARF và đặc biệt là khi Nhật Bản trải qua sự chuyển giao quyền lực từ chính phủ của ông Kan sang chính phủ tiếp theo.
Quan điểm phổ biến trong chính phủ Nhật Bản là, những gì đang xảy ra ở biển Hoa Đông có liên quan chặt chẽ tới tranh chấp ở Biển Đông. Ngoại trưởng Matsumoto nói trước quốc hội rằng: "Nhật Bản có mối quan tâm lớn đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vì chúng có thể ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như liên quan chặt chẽ tới việc bảo vệ an ninh giao thông hàng hải".
Các tranh chấp lãnh thổ không giới hạn trong lĩnh vực hàng hải. Có một số dấu hiệu gia tăng trong khu vực biên giới đất liền Trung Quốc - Ấn Độ. Có quan điểm tồn tại trong giới học giả Ấn Độ là, Trung Quốc đang tái xác lập biên giới trên đất liền cũng như trên biển trong quá trình theo đuổi vị thế siêu cường. Và hàng loạt hành động tái xác lập ấy đã được thực hiện trên cái giá toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của những nước láng giềng. Ấn Độ dõi theo sát sao tình hình Biển Đông vì họ coi nó như một dấu hiệu cho những gì có thể xảy ra trong tranh chấp biên giới giữa nước này và Trung Quốc.
Thách thức cơ bản hơn là, toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lẽ đang phải đối mặt với sự mẫu thuẫn chiến lược đang trỗi dậy. Phần lớn các nước trong khu vực đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính, nếu không phải là lớn nhất. Trong khi đó, họ lại trông chờ vào Mỹ để duy trì trật tự an ninh khu vực, bao gồm cả tự do hàng hải. Tính nước đôi ấy đã khiến cho các nước trong khu vực khó khăn hơn khi quyết định hành xử thế nào cho phù hợp, nếu và khi Trung Quốc thách thức ưu thế Mỹ. Điều này dường như là những gì giờ đây đang xảy ra ở Biển Đông.
Năm ngoái, Hugh White, nguyên thứ trưởng quốc phòng Australia đã có bài viết tiêu đề "Chuyển giao quyền lực - Tương lai của Australia giữa Washington và Bắc Kinh". Trong đó, ông chỉ ra rằng, thời đại của một kỷ nguyên của "ưu thế vô địch Mỹ" đã qua và rằng, một trật tự hoà bình mới tại châu Á để phù hợp với sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc có thể được xây dựng "nếu Mỹ sẵn sàng cho phép Trung Quốc một không gian chính trị và chiến lược".
Cốt lõi trong lập luận của ông là, Mỹ nên kiềm chế khỏi việc cạnh tranh giành ưu thế với Trung Quốc mà thay vào đó là nên chia sẻ quyền lực. Ông cũng cho rằng, đã tới lúc cần xem xét lại chiến lược "rào giậu". Đó có lẽ là câu trả lời để đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan của "sự phụ thuộc kép".
Những gì đang nổi lên qua vấn đề tranh chấp Biển Đông là sự công nhận rằng, tranh chấp lãnh thổ là cuộc cạnh tranh tự nhiên giành lấy ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, và rằng Mỹ không thể một mình chiếm ưu thế trong khu vực cho dù có các khả năng quân sự khổng lồ. Quan điểm chung trong các nước ASEAN có thể không rõ ràng và cực đoan như của White. Nhưng nếu thực tế "sự gia tăng Trung Quốc và sự sụt giảm tương đối của Mỹ" tiếp tục diễn ra, thì sự chuyển đổi từ "Mỹ chiếm ưu thế" sang "chia sẻ quyền lực Trung - Mỹ" có thể phù hợp hơn với các nước trong khu vực. Đó là thách thức lớn với Nhật, với chiến lược an ninh xây dựng trên cơ sở lập luận rằng, ưu thế Mỹ là không gì lay chuyển nổi.
Những gì đang xảy ra ở Biển Đông có thể là "điềm báo" cho khả năng thay đổi tư duy chiến lược với các quốc gia trong khu vực và cuối cùng là chính bản thân trật tự chiến lược khu vực.
- Thuỵ Phương theo asahi